Tiêu đề bài viết mình nhấn mạnh “người trẻ” nhưng thực tế, ai cũng nên học và nên rèn luyện design thinking (Tư duy thiết kế).
Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn một số điều cơ bản về kỹ năng này và làm cách nào để rèn luyện nó nhé.
—
Apple là một trong những ví dụ điển hình của việc ứng dụng design thinking để sản xuất ra các sản phẩm khiến hàng triệu khách hàng “phải” khao khát có được. Để hiểu được cách mà Apple đã làm điều này, bạn có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Có ai biết trước liệu họ sẽ cần một chiếc iPod trước khi Apple tạo ra nó?
- Có ai biết trước liệu họ sẽ cần một chiếc iPhone trước khi Apple tạo ra nó?
- Có ai biết trước liệu họ sẽ cần iTunes trước khi Apple tạo ra nó?
Câu trả lời duy nhất cho cả 3 câu hỏi này đó là một chữ KHÔNG to đùng. Không một ai biết họ sẽ cần những thứ iPhone, iTunes hay iPod.
Cách đây hai năm, mình tuyên bố dõng dạc với chồng và bạn bè mình rằng mình chẳng thấy iPhone là cần thiết. Mình hài lòng với chiếc điện thoại Nokia Lumia 520 vì đơn giản, mình chỉ dùng điện thoại để nhắn tin, gọi điện, lâu lâu chat chít, còn lại không sử dụng gì mấy. Mình còn nghĩ không biết bao giờ mình sẽ phải thay điện thoại chứ chưa nói gì đến iPhone.
Thế mà chỉ vài tháng sau đó, mình đã giục chồng mình chở đi mua iPhone, bất kể hôm đó trời đã tối và còn mưa rất to nữa. Lý do của sự thay đổi này đó là vì mình bắt đầu nhận thấy những sự bất tiện của Lumia 520 và dường như một chiếc iPhone là giải pháp cho tất cả những vấn đề hiện tại.
“Sự thiên tài” của Apple vào những năm đầu thập niên 2000 không phải nằm ở việc tạo ra những sản phẩm mới mà chẳng ai nghe tới bao giờ. Ở thời điểm đó, đã có rất nhiều hãng sản xuất ra những chiếc điện thoại chất lượng tốt. Cũng có rất nhiều loại máy nghe nhạc MP3 trước khi chiếc iPod đầu tiên được giới thiệu trên thị trường. Hàng triệu người đã quen thuộc với Windows Media Player và chẳng bao giờ nghĩ đến họ sẽ chuyển sang dùng một ứng dụng nghe nhạc mới có tên iTunes chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Tuy nhiên, khi Apple tham gia vào cuộc chơi này, không một thực tế nào ở trên là quan trọng. Tại sao? Bởi vì Apple đã nắm bắt được những nhu cầu không dễ nhận thấy của người dùng. Thậm chí, thầy giáo dạy marketing của mình còn bảo sự “thiên tài thực sự” của Apple nằm ở việc họ tạo ra nhu cầu cho một sản phẩm bằng cách tung ra sản phẩm đó. Nhu cầu này đến bản thân khách hàng còn không nhận ra là bản thân họ đã có nhu cầu đó từ rất lâu rồi.
Làm thế nào mà Apple làm được điều này?
Làm thế nào mà từ bài học thành công của Apple, chúng ta có thể dựa vào đó để giải quyết những vấn đề cho khách hàng, cho đối tác, cho đồng nghiệp theo cách mà họ thậm chí còn không nhận ra vấn đề tồn tại cho tới khi chúng ta đưa cho họ một giải pháp.
Câu trả lời nằm ở design thinking (tư duy thiết kế).
Design thinking (tư duy thiết kế) là gì?
Design thinking là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một phương pháp giải quyết vấn đề cụ thể; trong đó, tập trung vào việc tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề cốt lõi của khách hàng để tạo ra những giải pháp thực tế và khả thi cho những vấn đề đó. Giải pháp có thể là tạo ra một công nghệ mới hay một sản phẩm mới, ví dụ như chiếc iPhone của Apple. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho tất cả mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Design thinking nghĩa là bạn nắm rõ được đối phương đang gặp chuyện gì, cần gì, những thử thách họ đang đối mặt và những mục tiêu họ cố gắng đạt được. Từ sự thấu hiểu ấy, bạn đi đến một giải pháp mà giúp họ vượt qua được những vấn đề cá nhân và chinh phục được mục tiêu của họ. Theo đó, giải pháp bạn đưa ra cũng có nghĩa bạn khiến đối phương “khao khát” được sở hữu giải pháp của bạn.
Design (thiết kế) và design thinking (tư duy thiết kế) không phải là hai khái niệm giống nhau. Design thinking cũng không chỉ có nghĩa là “nghĩ như một người thiết kế”. Ở một mức độ nhất định, phát biểu này có ý đúng, nhưng nó không phải là tất cả về tư duy thiết kế.
Hầu hết mọi người đều sai lầm khi cho rằng thiết kế nghĩa là một vật trông như thế nào. Họ cho rằng đó là nằm ở bề ngoài – rằng khi một designer được trao cho một thứ thì nhiệm vụ của họ là “Khiến nó trông thật đẹp!” Đó không phải là điều mà chúng ta nên nghĩ về bản chất của thiết kế. Nó không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài hay nó khiến người nhìn cảm thấy ra sao. Thiết kế còn nằm ở một vật/một sản phẩm hoạt động như thế nào nữa. – Steve Jobs
Tư duy thiết kế giúp bạn hiểu được hai vấn đề: Điều gì mà một người khao khát và điều gì là khả thi về mặt chức năng (tạo ra sản phẩm) và khả thi về mặt lợi nhuận (tạo ra dòng tiền). Nó cũng giúp những người mà không được đào tạo về design bài bản có thể sử dụng các công cụ sáng tạo để giải quyết rất nhiều vấn đề.
Tư duy thiết kế khai thác triệt để cách lập luận logic, hệ thống, trực giác, và trí tưởng tượng để khám phá ra những khả năng mà có thể và để tạo ra những kết quả được mong đợi mà có lợi cho người dùng cuối cùng.
Một tư duy thiết kế không phải chăm chăm nhìn vào vấn đề mà là tập trung vào giải pháp và hành động. Nó liên quan đến cả hai khía cạnh phân tích và trí tưởng tượng.
5 giai đoạn của design thinking
Design thinking là một quá trình gồm 5 giai đoạn: Emphathize, define, ideate, prototype, và test. Mới đọc qua cái này, có thể bạn nghĩ nó dường như là một sự kết hợp các kỹ năng từ nhiều lĩnh vực. Prototype và test hình như là các thuật ngữ bên kỹ thuật và phát triển sản phẩm, trong khi empathize và ideate lại có vẻ như thiên về tâm lý học xã hội.
Chính xác là như vậy.
Empathize: Empathize nghĩa là bạn “đi chiếc giày” của đối phương để hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ. Giống như Simon Sinek từng nói trong cuốn sách nổi tiếng Start With Why của ông: Bắt đầu với tại sao; mọi người không mua thứ bạn làm, họ mua lý do tại sao bạn làm nó. Đối với Apple, empathize có nghĩa là hiểu rõ khách hàng của họ luôn mong muốn là một phần của thứ gì đó. Họ không mua các sản phẩm của Apple bởi vì chúng tốt nhất, họ mua chúng bởi vì những lý do đằng sau TẠI SAO Apple tạo ra chúng.
Define: Một khi bạn đã hiểu những nhu cầu không được thể hiện rõ thông qua việc thấu hiểu đối phương, bước tiếp theo là xác định vấn đề cốt lõi của họ là gì.
Ideate: “Động não” các ý tưởng cho giải pháp. Giải pháp cho vấn đề là một sản phẩm, một dịch vụ hay một mối quan hệ?
Prototype: Bắt đầu tạo ra giải pháp hay còn gọi là nguyên mẫu đầu tiên.
Test: Bước cuối cùng này là bước đơn giản nhất. Bạn kiểm tra giải pháp bạn đã tạo ra liệu có khả thi, có đáp ứng nhu cầu của khách hàng, và điều chỉnh một cách phù hợp.
Hơi khó hiểu đúng không? Phần cuối bài viết về ứng dụng design thinking sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách áp dụng các bước này.
Làm thế nào để rèn luyện design thinking?
Một số người sau vài giờ luyện tập là đã có thể bắt đầu nhìn nhận vấn đề theo cách của một designer (dù họ không phải là desginer). Một số người mất vài năm để đạt được kỹ năng này. Một số người khác dù có cố gắng như thế nào vẫn không thể chinh phục được nó. Điều bạn cần nhớ ở đây là không một ai được sinh ra mà đã sở hữu tư duy thiết kế.
Thay đổi thói quen, đặc biệt là thay đổi tư duy, cách nghĩ vô cùng khó. Nó không phải là câu chuyện “ngày hôm nay dậy 10h, ngày mai chỉ cần đặt 5 chiếc báo thức hoặc có người gọi dậy là đã dậy được 6h”. Nó cũng không phải là câu chuyện tham gia một workshop hay một khóa đào tạo nào đó là đã biết cách tư duy thiết kế.
Nó đòi hỏi RẤT, RẤT, RẤT NHIỀU sự rèn luyện.
Mình cũng chưa đạt được kỹ năng này và vẫn đang rèn luyện.
Trong quá trình tìm hiểu, mình có biết được những tip dưới đây để rèn luyện khả năng tư duy thiết kế. Đây là chia sẻ của tác giả Chris R. Becker trên Quora, nhấn mạnh vào một quá trình rèn luyện gồm 8 bước liên tục: Curiosity > Observation > Empathy > Research > Sketching > Prototyping > Testing > Repeat (Tò mò > Quan sát > Đồng cảm > Nghiên cứu > Phác thảo > Prototype > Kiểm tra > Lặp lại). Bạn có thể tham khảo và thử áp dụng cho bản thân nếu thấy phù hợp.
Curiosity (Tò mò):
- Nghĩ về những thứ rất dở hoặc có thể được cải thiện.
- Không hài lòng với tình trạng hiện tại.
- Tư duy tự do sáng tạo, không gò bó.
Observation (Quan sát):
- Để ý tới những người xung quanh.
- Thích trải nghiệm và tương tác.
- Không sợ đặt câu hỏi.
- Thân thiện/dễ tiếp cận.
- Thích quan sát một cách “bí mật”, không để bị phát hiện.
Empathy (Đồng cảm):
- Không ích kỷ.
- Tò mò về việc tại sao và cách người khác hành động và suy nghĩ.
- Tinh tế về mặt cảm xúc.
- Thích thu thập feedback từ người khác về bản thân.
- Sẵn sàng cho và nhận.
- Thích lắng nghe hơn nói.
- Tập trung vào insight (những điểm sâu sắc, cốt lõi, sự thật ngầm hiểu).
- Tìm hiểu về những điều thuộc về con người.
Research (Nghiên cứu):
- Tò mò về các con số, dữ liệu.
- Không định kiến, cá nhân.
- Hứng thú với dự đoán xu hướng.
- Không vội vàng đưa ra kết luận.
- Nhận dạng các khuôn mẫu.
- Đánh giá các xu hướng công nghệ, trải nghiệm.
Sketching (Phác thảo):
- Thích minh họa mọi thứ bằng hình ảnh.
- Quen thuộc với các form, fuction, template.
- Linh hoạt sử dụng hình ảnh và text.
Prototyping:
- Sử dụng các tài nguyên một cách sáng tạo.
- Áp dụng nghệ thuật kể chuyện (storytelling).
- Sử dụng các framework, process, journey.
- Thành thạo các kỹ năng về kỹ thuật: máy tính, phần mềm, modeling…
Testing (Kiểm tra):
- Sẵn sàng thất bại và thất bại nhanh chóng.
- Luôn tư duy không phải mọi giải pháp đều hiệu quả.
- Sẵn sàng thử nghiệm nhiều lần.
- Test liên tục, test thường xuyên.
- Đưa ra kết luận dựa trên kết quả test của nhiều người.
Áp dụng design thinking vào cuộc sống
Quy trình 5 bước của design thinking cũng có thể được áp dụng để thiết kế cuộc sống của bạn theo cách mà bạn muốn. Dưới đây là một ví dụ để bạn tham khảo nha.
Empathy
Bước đầu tiên là nhìn nhận bản thân một cách thẳng thắn và “nghiêm khắc”. Bạn cần hiểu rõ hiện tại bạn đang ở đâu, về mặt công việc, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ. Bạn cần đặt ra những câu hỏi thật sâu để làm rõ hiện trạng của mình, chẳng hạn, lần cuối cùng bạn cảm thấy thực sự hạnh phúc là khi nào? Khi bạn cười có thực sự là lúc bạn vui? Điều gì bạn hối hận vì đã làm chúng?…
“Đào” thật sâu vào bản thân. Đánh giá mọi trải nghiệm cuộc sống của bạn từ trước cho tới hiện tại. Tránh việc chỉ dừng lại ở những “vấn đề muôn thuở” mà rất chung chung và mờ nhạt như “mình không vui vì mình không có đam mê” hay “mình chậm chạp bởi vì mình không có mối quan hệ”.
Define
Xác định những gì bạn muốn đạt được trong cuộc đời của bạn, hay nói đúng hơn, kết quả cuộc đời bạn là gì. Bạn chỉ nhận ra được điều này nếu bạn thực sự hiểu rất rõ về bản thân mình – bạn đang làm gì, bạn là ai, bạn tin vào điều gì. Khi đó, bạn mới có thể kết nối “các dấu chấm” trong quá khứ và hiện tại và làm rõ bức tranh về con đường mà bạn sẽ đi tiếp.
Bạn có thể liệt kê ra một danh sách những thứ mà bạn muốn là một phần trong cuộc đời của bạn. Ở bước này, bạn cần tránh việc bị luẩn quẩn với những thứ bạn không thể thay đổi hoặc những mong muốn dường như không thể đạt được. Chẳng hạn như ước mơ chinh phục đỉnh Himalaya bằng xe đạp, hay trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới (yes, bạn có thể ước mơ điều này nhưng một lần nữa, mình nhấn mạnh… hãy thực tế nha).
Ideate
Đây là bước rất thú vị. Với những thứ bạn muốn đạt được, bạn bắt đầu “động não” các giải pháp/cách/hành động cần làm. Nó cũng bao gồm các nguyên tắc/phương châm sống mà bạn hướng tới để làm chủ cuộc sống của mình.
Bạn có thể tìm kiếm các ý tưởng bằng cách nói chuyện hoặc phỏng vấn những người đang đạt được những thành công trong cuộc sống tương tự với ước mơ của bạn. Nếu bạn muốn là một kế toán trưởng giỏi, hãy tìm kiếm và gặp gỡ những người đang làm kế toán trưởng để xem những điều lợi/bất lợi của nghề này. Trò chuyện với nhiều người thuộc nhiều ngành nghề để học hỏi từ họ và phác thảo ra một bức tranh tương lai về bạn.
Những thứ bạn liệt kê càng cụ thể và càng đa dạng càng tốt vì như vậy bạn sẽ có phong phú các lựa chọn.
Prototype
Dựa vào danh sách các ý tưởng bạn đã có, hãy xây dựng một nguyên mẫu cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Chẳng hạn, đối với thói quen hàng ngày, bạn lựa chọn:
- Dậy lúc 6h sáng.
- Ăn sáng ở nhà trước khi đi làm.
- Không uống quá 2 cốc cafe mỗi tuần.
- Đi làm lúc 7h30.
- Mỗi ngày đọc 50 trang sách.
- ….
Test
Bạn không thể chỉ ngồi một chỗ và mơ về vị trí tương lai bạn muốn đạt được. Bạn cần phải hành động dựa trên prototype mà bạn đã tạo ra và kiểm tra xem liệu những gì bạn đã lựa chọn có khả thi và hiệu quả.
—
Cuộc sống không hề có một kết quả hoàn hảo và duy nhất. Mỗi một cuộc đời sẽ có một “cái kết” khác nhau. Mỗi một người sẽ có những mục tiêu và quan điểm về thành công và hạnh phúc khác nhau. Sau cùng, đó là về góc nhìn của từng người. Tuy nhiên, dù là bất cứ ai thì việc áp dụng design thinking (tư duy thiết kế) đều có lợi cho người đó, trong việc đánh giá tình trạng cuộc sống và hạnh phúc hiện tại để điều chỉnh theo hướng mong muốn. Hy vọng bài viết này có ích cho bạn nhé.
Một số cuốn sách hay về tư duy:
Bài viết có tham khảo từ các nguồn sau:
Mình đang tự học và đọc mấy cuốn sách về Human Centered Design nên blog này của bạn như cho mình thêm nhiều quyết tâm 🙂
Cám ơn bạn nhiều nha.
Đọc xong ví dụ về Apple của chị em lại liên tưởng tới câu của Arthur Schopenhauer: “Talent hits a target no one else can hit. Genius hits a target no one else can see.”
Yes, it’s fair to say Apple is a genius.
Chị ơi e mong chờ bài viết làm thế nào áp dụng design thinking vào việc viết content ạ.