Nhiều bạn chia sẻ với mình về khó khăn khi bắt đầu viết một bài blog và tò mò về cách mà mình viết. Mình hiểu điều này vì trước đây, khi bắt đầu tiếp cận với viết tiếng Anh và content writing, mình cũng gặp vấn đề tương tự. Nhiều khi chẳng biết bắt đầu như thế nào, nản đến mức mình muốn dừng viết luôn. Nhưng nhờ luyện tập nhiều và được hướng dẫn tận tình bởi các tiền bối nên mình đã hình thành được cho mình một quy trình để viết.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ cho bạn quá trình mình viết một bài blog tiếng Anh và một số tip để bắt đầu viết dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể áp dụng những kỹ thuật này để viết một bài viết tiếng Việt hoặc bất cứ nội dung nào bạn muốn.
5 bước viết một bài blog
Quá trình từ lúc mình lên topic hoặc nhận được topic cần viết cho đến khi hoàn thành bài viết sẽ gồm 5 bước: research, lên outline, viết bài, chỉnh sửa, và review + edit. Bất cứ bài viết nào mình cũng làm theo 5 bước này. Nhờ vậy, kỹ năng viết của mình đã được cải thiện nhanh chóng.
1. Research (nghiên cứu)
Quá trình research sẽ bao gồm hai phần chính. Thứ nhất, bạn phải hiểu mình cần viết cái gì và bài viết cần bao trùm những khía cạnh nào. Giả sử topic mình cần viết là X Facebook Strategies to Maximum Holiday Sales.
Nhiệm vụ của mình là tìm ra được các Facebook strategy mà giúp người bán tối ưu hóa doanh thu trong mùa lễ cuối năm.
Thứ hai, bạn vận dụng kỹ năng research để tìm tất cả các tài liệu liên quan đến chủ đề mà bạn cần viết. Thông thường, bạn sẽ làm research trên Internet (Google là chủ yếu).
Đến bước này, mình muốn nhấn mạnh rằng với cùng một topic nhưng nếu kỹ năng research của bạn yếu thì bạn sẽ chỉ tìm được rất ít tài liệu và/hoặc có thể không liên quan tới chủ đề bài viết. Điều này dẫn tới bài viết của bạn không có độ sâu hoặc bạn sẽ rất khó viết.
Quay trở lại với topic X Facebook Strategies to Maximum Holiday Sales, mình xác định có hai từ khóa cần dùng để research, đó là “Facebook strategy” và “maximum holiday sales”. Lúc này mình sẽ dụng một số cụm sau đây để tìm kiếm:
- facebook strategies to maximum holiday sales
- maximum holiday sales with facebook ads
- facebook ads strategies for holiday sales
- drive holiday sales with facebook ads
- facebook advertising for holidays
- Holiday facebook ads
- facebook campaign ideas for holidays
- …
Đây là vài trong số nhiều cụm từ mình sử dụng để tìm kiếm ý tưởng trên Google. Đôi khi mình cũng thêm các từ như “pdf” hoặc “ebook” phía trước các cụm từ để tìm thêm những ebook hoặc file pdf về chủ đề này. Ví dụ, “pdf facebook ads for holiday sales”.
Khi tìm được một bài viết có nhiều nội dung hữu ích, bạn cần lưu ý mấy vấn đề sau:
- Bài viết của tác giả nào, nguồn có đáng tin cậy không?
- Các lập luận, chứng cứ của tác giả đó có hợp lý không?
- Các con số của tác giả đưa ra có nguồn trích dẫn không?
- Bạn có thể khai thác điều gì từ bài viết đó?
Khi research, càng tìm được nhiều nguồn, đọc được nhiều thứ và tích lũy được càng nhiều thứ hay thì khi viết, bạn càng dễ viết hơn nhiều. Bạn sẽ có nhiều ý tưởng để lập dàn bài cho bài viết. Nếu chỉ bó hẹp ở một số ít nguồn thì thực sự là khó để có một bài viết giá trị.
Đôi khi biết quá nhiều, có quá nhiều tài liệu dẫn tới không biết bắt đầu viết từ đâu và đưa ý nào vào bài? Đúng thật là có tình huống như vậy. Lúc này, bạn cần phải dựa vào nhiều yếu tố khác để giới hạn bài viết, chẳng hạn:
- Đối tượng đọc của bạn là ai? Nếu họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn đang làm thì nên đưa ra các nội dung chuyên sâu, thay vì tập trung vào những điều cơ bản. Trong khi đó, nếu người đọc là người mới bước vào ngành hoặc chưa biết gì về ngành thì bạn nên viết những thứ cơ bản, sát sườn với họ và họ muốn tìm hiểu.
- Độ dài bài viết. Nếu là bài viết blog và chiến lược content của bên bạn là không viết quá dài, khoảng 1500 từ trở lại thì bạn sẽ tập trung viết vào ý chính, thay vì rào trước đón sau quá nhiều. Còn nếu là dưới 1000 từ thì bạn càng phải chắt lọc ý chính hơn nữa.
Làm nhiều, viết nhiều thành quen, bạn sẽ biết được thực sự bạn muốn đưa gì vào bài nên đừng quá lo lắng nhé.
2. Lên outline
Lên outline chính là lập dàn bài. Hồi đi học cấp 2, cấp 3, mình rất ngại ngồi lập dàn bài vì nghĩ cũng chẳng cần thiết. Cứ cắm mặt vào viết từ đầu đến cuối, chia đoạn các kiểu xong là được mà, đâu cần phải lên dài bài. Nhiều khi lên dài bài xong mình còn chẳng viết theo nó.
Thế nhưng, khi đã đi làm writer được một thời gian và cho đến tận bây giờ, mình mới thấy việc lên outline là vô cùng quan trọng. Nếu không lên outline thì bạn rất dễ viết xa rời chủ đề, đề bài, hay còn gọi là “off-topic”. Nhiều người cho rằng chỉ những ai làm nghiên cứu, viết bài luận thì mới cần lên outline, nhưng thực tế, việc lên outline có lợi cho bất cứ kiểu viết lách nào.
Những lợi ích của việc lên outline:
- Tổ chức các ý tưởng, những gì bạn đã research được theo một cách logic, hợp lý, đúng trọng tâm cần giải quyết.
- Tiết kiệm thời gian. Vì khi lên outline là bạn đã vạch ra các ý chính nên khi viết, bạn chỉ cần tập trung vào việc nêu ra các ý hỗ trợ, giải thích, bổ sung cho những ý chính đó. Không cần phải mất thời gian sắp xếp các ý nữa.
- Bạn sẽ dễ nhận ra những ý nào là không cần thiết hay không liên quan tới một ý chính để loại bỏ hoặc điều chỉnh nó cho phù hợp.
Vậy thì lên outline như thế nào? Cái này tùy thuộc vào chủ đề bạn cần viết. Có những chủ đề rất dễ, chẳng hạn với topic mình lấy ví dụ ở trên thì mỗi strategy sẽ là một heading, một ý chính:
- Strategy 1…
- Strategy 2…
- Strategy 3…
Nếu topic là X Steps to Do Something, thì mỗi heading là một step:
- Step 1…
- Step 2…
- Step 3…
Nếu topic là Why People Do… thì mỗi heading có thể là một lý do (Reason):
- Reason 1…
- Reason 2…
- Reason 3…
Nếu topic là Understand X… thì các heading có thể là:
- What is X?
- How it works
- Why X is important
- Tips to use X
Tùy thuộc vào topic và những gì bạn nghiên cứu được để lập dàn bài cho phù hợp. Không hề có một quy tắc cố định nào trong lập dàn bài cả nhé. Nếu bạn có các ý để hỗ trợ cho một ý chính nào đó thì cứ mạnh dạn đặt ý đó làm heading.
3. Viết bài
Giờ là lúc để bạn phô diễn kỹ năng viết của mình. Ở bước này, cứ viết theo những gì xuất hiện trong đầu của bạn và sử dụng các thông tin đã thu thập được nếu cần thiết.
Đừng lo lắng quá về việc viết sai ngữ pháp hay lỗi spelling vì mình thấy nhiều bạn mới viết cứ chăm chú sửa từng chữ, từng câu một, thành ra cả tiếng đồng hồ mà mới chỉ viết được vài dòng. Làm như vậy cũng tốt, nhưng nó có thể chưa phải là cách tối ưu vì khi bắt đầu viết, dòng suy nghĩ trong đầu bạn đang tuôn trào. Hãy cứ để các ngón tay của bạn sung sướng gõ ra những dòng chữ mới.
4. Chỉnh sửa
Bước này vô cùng quan trọng vì sau khi bạn đã viết xong bài, nhiều khả năng là sẽ có kha khá lỗi mà khi viết bạn không để ý. Chẳng hạn như lỗi spelling, lỗi ngữ pháp, lỗi dùng dấu câu, lỗi logic, lỗi đạo văn… Bạn cần dành đủ thời gian để đọc lại bài thật kỹ và kiểm tra hết tất cả các lỗi có thể trước khi gửi bài cho leader duyệt.
Để đảm bảo bài viết chất lượng nhất, mình thường sử dụng thêm các công cụ như Grammarly, Text.ru, Hemingway Editor.
5. Review + chỉnh sửa
Tâm lý của nhiều bạn là không thích người khác chỉnh sửa hay góp ý vào bài viết của mình bởi vì có thể họ sẽ chỉ ra những lỗi mà mình không để ý. Thêm nữa, vì bài viết là ý kiến riêng, mà đã là ý kiến riêng thì những góp ý bên ngoài không cần thiết. Mình đã từng gặp một số người như thế này và mình nghĩ đấy là một suy nghĩ không tốt.
Bản thân mình đã viết hơn 5 năm và bây giờ đang là Content Manager, nhưng mình không bao giờ tự tin 100% vào kỹ năng của mình. Thú thật là mình chỉ tự tin khoảng 80%, bởi vì viết content không đơn giản chỉ là bạn “khoe” kỹ năng viết mà nó còn bao gồm việc bạn phải hiểu rõ sản phẩm. Bạn có thể nghĩ bài viết của bạn là hay, nhưng một người khác đọc có thể họ sẽ cho bạn những góp ý tuyệt vời để hoàn thiện bài viết đó hơn nữa.
Thế nên, lời khuyên của mình cho bạn là hãy cứ đưa bài viết của bạn cho người khác đọc. Biết đâu bạn sẽ nhận được một lời khen ngợi hoặc chí ít cũng là một góp ý mang tính xây dựng. Bạn chẳng mất gì cả.
Như mình, thường mình sẽ review tối đa cho các bạn trong team. Mình sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người hết sức có thể vì quan điểm của mình đó là nếu mình thấy lỗi mà không nhắc thì sẽ không tốt cho các bạn ấy.
Khi bạn đã nhận được feedback từ người khác, hãy kiên trì sửa lỗi nhé. Đừng quá sốc bởi vì ngày trước mình cũng như bạn. Nhưng chính nhờ những bình luận đó mà mình đã rút ra được nhiều bài học rất giá trị. Quan trọng nhất là kỹ năng viết của mình đã cải thiện vô cùng nhiều.
Hy vọng những chia sẻ này của mình đã giúp bạn mường tượng được phần nào quá trình để viết một bài viết. Nếu có bất cứ thắc mắc hay câu hỏi nào, bạn cứ thoải mái hỏi mình nha. Cám ơn bạn.
Ảnh đầu bài: TheAngryTeddy
E có một điều thắc mắc là trong cái khâu research ấy chị, e đọc từ rất nhiều nguồn, thì những nguồn nào e đọc cũng đưa vào phần nguồn tham khảo hả chị, nhưng nếu trong trường hợp em viết cho doanh nghiệp thì sao ạ, tức là mình không thể dẫn nguồn bài viết của đối thủ vào được?!?
Chào em, cám ơn em đã đặt câu hỏi. Em viết cho doanh nghiệp thì có hình thức hyperlink đó em. Outbound link. Tất nhiên nên hạnh chế dẫn link vào web đối thủ, do vậy em nên tìm các nguồn khác mà đề cập tới nó nhé.
Cảm ơn bài viết của bạn, mình muốn hỏi là Grammarly bạn dùng free hay mua thế?
Bản free có đủ chất lượng không ha?
Cám ơn V.A nhiều, mình học hỏi được rất rất rất nhiều từ bài viết này của bạn!
Cảm ơn bạn! Khâu research thực sự là rất quan trọng, mình viết blog mà cả tiếng Việt cả tiếng Anh trong cùng một blog thì liệu có được không nhỉ :v
Chào bạn, cám ơn bạn đã hỏi mình. Trừ khi đó là bài bạn dịch và bạn muốn cho người đọc biết được cả bài gốc lẫn cả phần bạn dịch để so sáng thì nên hiển thị song ngữ. Còn không thì mình thấy không sử dụng hai ngôn ngữ trong một bài viết.