Bài viết này được lược dịch từ chia sẻ của Tristan Harris, trước đây đã từng là Design Ethicist tại Google, chuyên nghiên cứu làm thế nào mà công nghệ đang tái cấu trúc sự chú ý, phúc lợi và hành vi của hai tỷ người trên thế giới.
Mặc dù đã nắm được sơ qua những ảnh hưởng của công nghệ và cách mà mạng xã hội cũng như các ứng dụng đang gặm nhấm sự chú ý của con người như thế nào (vì mình đọc khá nhiều), nhưng vừa đọc vừa dịch chia sẻ của Tristan vẫn làm cho mình trải qua cảm giác “Wow” – thật khủng khiếp, bất ngờ. Nếu không biết cách kiểm soát thời lượng dành trên mạng xã hội và mở rộng ra là đọc tin tức (đặc biệt là tin tức tiêu cực) thì bạn sẽ khiến cho sự chú ý của mình bị giảm đi một cách chóng mặt, kéo theo làm việc kém hiệu quả, và cuộc sống của bạn bị điều khiển bởi một thế lực vô hình mà bạn không hề biết đấy.
Lưu ý: Từ hijack trong tiếng Anh có nghĩa là “đánh cắp một cách bất hợp pháp”. Trong bài viết này mình luân phiên sử dụng cụm từ này và cụm từ “chiếm lĩnh” để tránh bị lặp.
—–
“Thật dễ dàng để lừa mọi người hơn là thuyết phục họ rằng họ đã bị lừa.” – Vô danh
Tôi là một chuyên gia nghiên cứu công nghệ đã đánh cắp những sự dễ vỡ về mặt tâm lý của con người một cách bất hợp pháp như thế nào. Đó là lý do tại sao tôi đã dành 3 năm trước làm việc ở vị trí Design Ethicist tại Google, chịu trách nhiệm thiết kế mọi thứ theo cách mà bảo vệ tâm trí của một tỷ người khỏi bị đánh cắp bất hợp pháp.
Khi sử dụng công nghệ, chúng ta thường tập trung một cách lạc quan vào tất cả những thứ mà nó làm cho chúng ta. Nhưng tôi cũng muốn chỉ cho bạn điều ngược lại – nơi mà nó không hề giúp ích gì cho bạn.
Công nghệ đang lợi dụng điểm yếu của tâm trí chúng ta ở những chỗ nào?
Tôi học cách nghĩ này khi tôi là một ảo thuật gia. Các ảo thuật gia bắt đầu bằng cách tìm kiếm các điểm mù, góc cạnh, lỗ hổng và giới hạn trong nhận thức của mọi người, vì vậy họ có thể tác động đến những gì mọi người làm mà không cần họ nhận ra chúng. Một khi bạn biết cách kích hoạt những cảm xúc mạnh mẽ ở họ thì bạn có thể điều khiển họ như một chiếc piano.
Và đấy chính xác là điều mà những Product Designer (người thiết kế sản phẩm) làm đối với tâm trí của bạn. Họ điều khiển những sự dễ vỡ về mặt tâm lý của bạn (cả ý thức lẫn vô ý thức) chống cự lại bạn trong cuộc đua giành lấy sự chú ý của bạn.
Tôi sẽ chỉ cho bạn cách mà họ đã khiến chúng xảy ra.
Hijack 1: Nếu bạn kiểm soát menu, bạn kiểm soát các lựa chọn
Văn hóa phương Tây được xây dựng xung quanh những lý tưởng hóa về lựa chọn và tự do cá nhân. Hàng triệu người trong chúng ta bảo vệ một cách quyết liệt quyền được “tự do” đưa ra lựa chọn của mình trong khi lờ đi rằng những lựa chọn đó bị thao túng ngược dòng bởi các menu (thực đơn/danh sách) mà chúng ta đã chọn lúc ban đầu.
Đây chính xác là điều mà các ảo thuật gia làm. Họ cho mọi người một ảo tưởng về sự lựa chọn miễn phí trong khi kiến trúc menu theo cách họ chiến thắng, bất kể bạn có chọn gì đi nữa. Tôi không thể nhấn mạnh đủ mức độ sâu sắc của phát hiện này.
Khi mọi người được cho một menu các lựa chọn, họ hiếm khi hỏi:
- Điều gì không có trong menu?
- Tại sao tôi lại được cho những lựa chọn này mà không phải những người khác?
- Tôi có biết mục tiêu của nhà cung cấp menu này hay không?
- Thực đơn này giúp đỡ cho nhu cầu ban đầu của tôi hay các lựa chọn này thực ra chỉ là một sự sao nhãng (ví dụ, một danh sách ngập tràn các loại kem đánh răng)?
Chẳng hạn, tưởng tượng bạn ra ngoài với bạn bè vào tối thứ 3 và muốn tiếp tục trò chuyện nhiều hơn. Bạn mở Yelp (một ứng dụng tìm kiếm địa điểm) để tìm kiếm các đề xuất gần đó và nhìn thấy một danh sách các quán bar. Cả nhóm biến thành một đám mặt nhìn chằm chằm vào điện thoại của họ để so sánh các quán bar với nhau. Họ xem xét kỹ lưỡng bức ảnh của từng quán, so sánh các loại cocktail. Thực đơn này có còn liên quan đến mong muốn ban đầu của nhóm không?
Không phải các quán bar không phải là một lựa chọn tốt, mà là Yelp đã thay thế câu hỏi ban đầu của nhóm (chúng ta có thể đi đâu để tiếp tục trò chuyện?) bằng một câu hỏi khác (quán bar nào có những tấm ảnh về cocktail đẹp nhất?), tất cả bằng cách hình thành nên một menu.
Hơn nữa, nhóm cũng rơi vào một ảo tưởng rằng menu của Yelp đại diện cho một tập hợp đầy đủ các lựa chọn cho nơi để đi. Trong khi nhìn xuống điện thoại của họ, họ không nhìn thấy công viên bên đường với một ban nhạc đang chơi nhạc sống. Họ bỏ lỡ phòng trưng bày ở bên kia đường phục vụ bánh crepe và cafe. Những địa điểm đó không hề xuất hiện trên menu của Yelp.
Công nghệ càng cho chúng ta nhiều lựa chọn trong gần như mọi góc cạnh của đời sống (thông tin, sự kiện, nơi để đi, bạn bè, hẹn hò, nghề nghiệp) – chúng ta càng cho rằng điện thoại luôn là một thực đơn hữu ích và mạnh mẽ nhất để lựa chọn. Phải không nào?
Menu “mạnh mẽ nhất” khác với menu mà có nhiều lựa chọn nhất. Nhưng khi chúng ta đầu hàng một cách mù quáng trước những thực đơn mà chúng ta được đưa cho thì thật dễ dàng để đánh mất dấu vết của sự khác biệt.
- “Ai rảnh vào tối nay để gặp mặt?” trở thành menu của những người mà gần đây đã nhắn tin cho chúng ta (ai mà chúng ta có thể ping).
- “Điều gì đang xảy ra trên thế giới?” trở thành menu của những câu chuyện trên bảng tin.
- “Ai còn độc thân để sẵn sàng cho một buổi hẹn hò?” trở thành menu của những khuôn mặt để vuốt trên Tinder (thay vì những sự kiện bên ngoài với bạn bè và những cuộc phiêu lưu tới thành phố gần đó).
Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng và mở điện thoại để xem danh sách các thông báo, nó định hình trải nghiệm “thức dậy vào buổi sáng” xung quanh một menu “tất cả những thứ mà mình đã bỏ lỡ từ đêm hôm qua”.
Bằng cách định hình các menu mà chúng ta lựa chọn, công nghệ đã chiếm lĩnh cách chúng ta nhận thức các lựa chọn của mình và thay thế chúng bằng các menu mới. Nhưng chúng ta càng chú ý vào các lựa chọn mà chúng ta được đưa cho thì chúng ta càng nhận ra khi nào thì chúng không còn phù hợp với nhu cầu thực sự của chúng ta nữa.
Hijack 2: Đặt một chiếc máy đánh bạc vào một tỷ chiếc túi
Nếu bạn là một ứng dụng, làm thế nào bạn khiến mọi người cuốn hút? Câu trả lời đó là biến bản thân thành một chiếc máy đánh bạc.
Một người trung bình kiểm tra điện thoại của họ 150 lần một ngày. Tại sao chúng ta làm nó? Có phải chúng ta đang thực hiện 150 lựa chọn có ý thức?
Lý do chính cho việc tại sao yếu tố tâm lý lại là số số một trong các máy đánh bạc: các phần thưởng biến đổi không liên tục.
Nếu bạn muốn tối đa hóa sự gây nghiện, tất cả điều mà nhà thiết kế công nghệ cần làm đó là liên kết hành động của một người dùng (chẳng hạn như kéo một đòn bẩy) với một phần thưởng biến đổi. Bạn kéo một đòn bẩy và ngay lập tức nhận được một phần thưởng hấp dẫn (một trận đấu, một giải thưởng!) hoặc không có gì. Sự nghiện được tối đa hóa khi tỷ lệ phần thưởng là yếu tố thay đổi lớn nhất.
Liệu hiệu ứng này có thực sự hiệu quả với mọi người? Có. Ở Mỹ, các máy đánh bạc kiếm được nhiều tiền hơn là bóng chày, phim ảnh và các công viên giải trí cộng lại.
Nhưng đây là sự thật đáng tiếc – vài tỷ người đang có một chiếc máy đánh bạc trong túi của họ:
- Khi chúng ta rút điện thoại ra khỏi túi, chúng ta đánh bạc để nhìn thấy thông báo nào chúng ta nhận được.
- Khi chúng ta mở email, chúng ta đánh bạc để nhìn thấy email mới nào chúng ta nhận được.
- Khi chúng ta vuốt tay để làm mới bảng tin Instagram, chúng ta đánh bạc để nhìn thấy hình ảnh nào sẽ xuất hiện tiếp theo.
- Khi chúng ta vuốt các khuôn mặt từ trái qua phải trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder, chúng ta đánh bạc để nhìn thấy liệu chúng ta có hợp với người nào không.
- Khi chúng ta chạm vào các thông báo màu đỏ, chúng ta đánh bạc điều gì đang nằm ở phía dưới.
Các ứng dụng và trang web rải các phần thưởng biến đổi không liên tục trên tất cả các sản phẩm của họ vì chúng có lợi cho kinh doanh.
Nhưng trong các trường hợp khác, các máy đánh bạc xuất hiện một cách tình cờ. Chẳng hạn, không một ai có lợi nhuận khi hàng triệu người kiểm tra email của họ và chẳng thấy gì. Cả các designer ở Apple lẫn Google đều không muốn những chiếc điện thoại mà làm việc như chiếc máy đánh bạc. Nó chỉ nổi lên một cách tình cờ.
Nhưng giờ đây, các công ty như Apple và Google có trách nhiệm giảm thiểu các hiệu ứng này bằng cách chuyển đổi các phần thưởng biến đổi không liên tục thành các phần thưởng ít gây nghiện hơn, dễ dự đoán hơn với thiết kế tốt hơn. Ví dụ, họ có thể trao quyền cho mọi người để đặt thời gian dự đoán trong ngày hoặc trong tuần khi nào họ muốn kiểm tra các ứng dụng “đánh bạc”, và điều chỉnh tương ứng khi các tin nhắn mới được gửi đến để phù hợp với những thời điểm đó.
Hijack 3: Nỗi sợ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng (FOMSI)
Một cách khác mà các ứng dụng và trang web chiếm lĩnh quyền điều khiển trong tâm trí của bạn đó là bằng cách tạo ra “1% cơ hội mà bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó quan trọng.”
Nếu tôi thuyết phục bạn rằng tôi là một kênh cho thông tin quan trọng, các tin nhắn, các tình bạn hoặc cơ hội tình dục tiềm năng – thật khó để bạn tắt tôi đi, hủy đăng ký hay gỡ bỏ tài khoản – bởi vì bạn có thể sẽ bỏ lỡ điều gì đó quan trọng:
- Điều này khiến tôi đăng ký nhận bản thân kể cả khi họ không hề gửi đi tin nào gần đây (“sẽ thế nào nếu tôi bỏ lỡ thông báo nào đó trong tương lai?”)
- Điều này khiến cho chúng ta giữ quan hệ bạn bè với những người mà chúng ta không hề nói chuyện trong nhiều năm liền (“sẽ thế nào nếu tôi bỏ lỡ thông tin gì đó quan trọng từ họ?”)
- Điều này khiến chúng ta không ngừng vuốt các khuôn mặt trên các ứng dụng hẹn hò, ngay cả khi chúng ta không hề gặp mặt bất cứ ai trong một thời gian (“sẽ thế nào nếu tôi bỏ lỡ một khuôn mặt nóng bỏng mà thích tôi?”)
- Điều này khiến chúng ta liên tục sử dụng mạng xã hội (“sẽ thế nào nếu tôi bỏ lỡ các tin tức quan trọng hay tụt hậu so với những gì bạn bè tôi đang nói về?”)
Nhưng nếu chúng ta phóng to nỗi sợ hãi đó, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng nó không hề bị ràng buộc: chúng ta sẽ luôn bỏ lỡ điều gì đó quan trọng tại bất cứ thời điểm nào khi chúng ta ngừng sử dụng thứ gì đó.
- Có những khoảnh khắc kỳ diệu trên Facebook chúng ta sẽ bỏ lỡ khi không sử dụng nó trong giờ thứ 6 (ví dụ, một người bạn cũ sẽ đến thăm thị trấn ngay bây giờ).
- Có những khoảnh khắc kỳ diệu chúng ta sẽ bỏ lỡ trên Tinder (ví dụ, người bạn đời đầy lãng mạn trong mơ của chúng ta) bằng cách không vuốt khuôn mặt thứ 700.
- Có những cuộc gọi khẩn cấp chúng ta sẽ bỏ lỡ nếu chúng ta không kết nối 24/7.
Nhưng sống từng khoảnh khắc với nỗi sợ bỏ lỡ một cái gì đó không phải là cách chúng ta được sinh ra để sống.
Và nó thật tuyệt vời làm sao khi một cách nhanh chóng, một khi chúng ta thoát khỏi nỗi sợ hãi đó, chúng ta tỉnh dậy khỏi ảo ảnh. Khi chúng ta ngắn kết nối trong hơn một ngày, hủy đăng ký khỏi các thông báo – những lo ngại mà chúng ta đã nghĩ chúng ta có sẽ không thực sự xảy ra.
Chúng ta không bỏ lỡ những gì chúng ta không nhìn thấy.
Ý nghĩ, “sẽ thế nào nếu tôi bỏ lỡ điều gì đó quan trọng?” được tạo ra trước khi ngắt kết nối, hủy đăng ký, hay tắt – chứ không phải sau đó. Hãy tưởng tượng nếu các công ty công nghệ nhận ra điều này và giúp chúng ta chủ động điều chỉnh các mối quan hệ của chúng ta với bạn bè và đối tác theo những gì chúng ta xác định là “thời gian được tiêu xài tốt” cho cuộc sống của chúng ta, thay vì những gì chúng ta có thể bỏ lỡ.
Hijack 4: Sự chấp nhận của xã hội
Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương trước sự chấp nhận của xã hội. Nhu cầu thuộc về, được chấp nhận hoặc được đánh giá cao bởi những người xung quanh là một trong những động lực cao nhất của con người. Nhưng bây giờ sự chấp thuận xã hội của chúng ta nằm trong bàn tay của các công ty công nghệ.
Khi tôi được gắn thẻ bởi bạn của tôi Marc, tôi tưởng tượng anh ấy đưa ra một lựa chọn có ý thức để gắn thẻ tôi. Nhưng tôi không nhìn thấy cách mà một công ty như Facebook đã phối hợp với việc làm đó của anh ta ngay từ đầu.
Facebook, Instagram hay SnapChat có thể điều khiển tần suất mọi người được gắn thẻ trên ảnh bằng cách tự động đề xuất tất cả các khuôn mặt mà mọi người nên gắn thẻ (ví dụ, bằng cách hiển thị một hộp với xác nhận 1 lần nhấp chuột, “Gắn thẻ Tristan vào bức ảnh này?”)
Thế nên, khi Marc gắn thẻ tôi, anh ta thực sự đang phản hồi lại đề xuất của Facebook, chứ không phải đưa ra một lựa chọn độc lập. Nhưng thông qua các lựa chọn thiết kế như vậy, Facebook kiểm soát hệ số nhân cho tần suất hàng triệu người trải nghiệm sự chấp thuận xã hội của họ một cách đầy rủi ro.
Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta thay đổi ảnh đại diện của mình – Facebook hiểu rằng đó là một khoảnh khắc khi chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi sự chấp thuận xã hội: “Bạn bè của tôi sẽ nghĩ gì về bức ảnh mới này?” Facebook có thể xếp hạng nó cao hơn trên bảng tin, nên nó sẽ tồn tại lâu hơn và nhiều người bạn sẽ thích hoặc bình luận về nó hơn. Mỗi lần họ thích hoặc bình luận vào ảnh, chúng ta sẽ bị kéo quay trở lại Facebook.
Mọi người đều vô tình phản ứng với sự chấp thuận của xã hội, nhưng một số nhân khẩu học (thanh thiếu niên) dễ bị ảnh hưởng bởi nó hơn những người khác. Đó là lý do tại sao việc nhận ra các nhà thiết kế xuất sắc như thế nào khi họ khai thác sự dễ bị tổn thương này là điều rất quan trọng.
Hijack 5: Đối ứng xã hội (Ăn miếng trả miếng)
- Bạn giúp tôi một lần – tôi nợ bạn lần sau.
- Bạn nói “cám ơn” – tôi phải nói “không có gì”.
- Bạn gửi cho tôi một email – thật thô lỗ nếu tôi không trả lời bạn.
- Bạn theo dõi thôi – thật thô lỗ nếu tôi không theo dõi lại bạn (đặc biệt là với thanh thiếu niên).
Chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu cần phải đáp lại cử chỉ của người khác. Nhưng cũng như với sự chấp thuận xã hội, các công ty công nghệ giờ đây đang thao túng tần suất chúng ta trải nghiệm nó.
Trong một số trường hợp, điều này là tình cờ. Email, nhắn tin và các ứng dụng chát chít là những nhà máy hỗ trợ cho việc đối ứng xã hội. Nhưng trong một số trường hợp khác, các công ty khai thác sự dễ bị tổn thương này có mục đích.
LinkedIn là kẻ phạm tội rõ ràng nhất. LinkedIn muốn càng nhiều người tạo ra nghĩa vụ xã hội cho nhau càng tốt, bởi vì mỗi lần họ đáp lại (bằng cách chấp nhận một kết nối, trả lời tin nhắn hay chứng thực một kỹ năng cho ai đó), họ phải quay trở lại LinkedIn.com nơi mà họ có thể khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn.
Giống như Facebook, LinkedIn khai thác sự bất cân xứng trong nhận thức. Khi bạn nhận được lời mời kết nối từ ai đó, bạn tưởng tượng người đó đưa ra lựa chọn có ý thức để mời bạn nhưng trong thực tế, họ có thể vô tình trả lời danh sách gợi ý của LinkedIn. Hay nói cách khác, LinkedIn biến những xung động vô thức của bạn (để “thêm” một người) thành nghĩa vụ xã hội mới mà hàng triệu người cảm thấy bắt buộc phải trả nợ. Tất cả trong khi họ thu lợi từ thời gian mọi người dành làm việc đó.
Hãy tưởng tượng hàng triệu người bị gián đoạn như thế này suốt cả ngày, chạy quanh như những con gà bị cắt đầu, đáp lại lẫn nhau – tất cả đều được thiết kế bởi các công ty kiếm lợi từ nó.
Hãy tưởng tượng nếu các công ty công nghệ có trách nhiệm giảm thiểu đối ứng xã hội. Hoặc nếu có một tổ chức độc lập đại diện cho lợi ích công nghệ – một tập đoàn công nghiệp hoặc một cục quản lý công nghệ – mà giám sát khi các công ty công nghệ lạm dụng những thành kiến này?
Hijack 6: Bát không đáy, bảng tin vô hạn và tự động phát
Một cách khác để chiếm lĩnh người dùng là khiến họ liên tục tiêu thụ thông tin, ngay cả khi họ không hề “đói”.
Bằng cách nào? Thật dễ dàng. Lấy một trải nghiệm bị ràng buộc và hữu hạn, và biến nó thành một dòng chảy không đáy liên tục mở rộng ra.
Giáo sư Brian Wansink từ đại học Cornell đã chứng minh điều này trong nghiên cứu của ông cho thấy bạn có thể lừa mọi người tiếp tục ăn súp bằng cách cho họ một cái bát không đáy tự động được làm đầy khi họ ăn. Với những chiếc bát không đáy, mọi người ăn nhiều hơn 73% calo so với những người có bát bình thường.
Các công ty công nghệ khai thác nguyên tắc tương tự. Các bảng tin được thiết kế có chủ đích để tự động được làm đầy với lý do khiến bạn liên tục cuộn màn hình và loại bỏ có chủ đích bất kỳ lý do nào cho sự tạm dừng, xem xét lại hoặc rời trang của bạn.
Đó cũng là lý do tại sao các trang xã mạng xã hội và video như Facebook, Netflix hay YouTube tự động phát video tiếp theo sau khi hết thời gian đếm ngược thay vì chờ bạn đưa ra một lựa chọn có ý thức (trừ khi bạn không làm thế). Một phần lớn lưu lượng truy cập trên các trang web này được thúc đẩy bằng cách tự động phát nội dung tiếp theo.
Các công ty công nghệ thường tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ giúp người dùng xem video họ muốn dễ dàng hơn” trong khi họ lại đang thực sự phục vụ cho mục đích kinh doanh của họ. Và bạn không thể đổ lỗi cho họ, bởi vì tăng “thời gian được tiêu xài” là loại tiền tệ mà họ đang nỗ lực giành lấy.
Thay vào đó, hãy tưởng tượng nếu các công ty công nghệ trao quyền cho bạn để ràng buộc trải nghiệm một cách có ý thức, để gắn kết với điều mà thực sự “đáng để dành nhiều thời gian” cho bạn. Không chỉ giới hạn số lượng thời gian bạn bỏ ra, mà cả chất lượng của những gì mà bạn đã dành thời gian cho chúng.
Hijack 7: Gián đoạn tức thì và sự truyền đi “đầy tôn trọng”
Các công ty biết rằng các tin nhắn mà làm gián đoạn người dùng ngay lập tức có sức thuyết phục hơn trong việc khiến mọi người phản hồi so với các tin nhắn được truyền đi không đồng bộ (như email hay bất cứ hộp thư bị trì hoãn nào).
Facebook Messenger (hay WhatsApp, WeChat hay Snapchat) sẽ thích thiết kế hệ thống nhắn tin của họ để làm gián đoạn người nhận ngay lập tức (và hiển thị hộp trò chuyện) thay vì giúp người dùng tôn trọng sự chú ý của nhau.
Hay nói cách khác, sự gián đoạn có lợi cho kinh doanh.
Đó cũng là mối quan tâm của họ để nâng cao cảm giác cấp bách và đối ứng xã hội. Chẳng hạn, Facebook tự động thông báo cho người gửi khi bạn “nhìn thấy” tin nhắn của họ, thay vì để bạn tránh tiết lộ liệu bạn có đọc nó hay không. (“Bây giờ bạn biết tôi đã xem tin nhắn, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm nhiều hơn để trả lời nó.”)
Hijack 8: Gộp lý do của bạn với lý do của họ
Một cách khác mà các ứng dụng chiếm lĩnh bạn đó là bằng cách lấy lý do truy cập ứng dụng (để thực hiện một tác vụ) và làm chúng không thể tách rời khỏi lý do kinh doanh của ứng dụng (tối đa hóa thời gian chúng ta tiêu thụ khi chúng ta ở trên ứng dụng).
Chẳng hạn, trong thế giới các cửa hàng tạp hóa, hai lý do phổ biến nhất khi mọi người ghé thăm là mua thuốc và sữa. Nhưng các cửa hàng tạp hóa muốn tối đa hóa số lượng sản phẩm mà khách hàng mua, vì vậy họ đặt quầy thuốc và sữa ở phía sau cửa hàng.
Hay nói cách khác, họ làm cho những thứ khách hàng muốn (sữa, dược phẩm) không thể tách rời khỏi những gì doanh nghiệp muốn. Nếu các cửa hàng thực sự được tổ chức để hỗ trợ mọi người, họ sẽ đặt các mặt hàng phổ biến nhất ở phía trước.
Các công ty công nghệ thiết kế website của họ theo cùng cách đó. Chẳng hạn, khi bạn muốn tìm kiếm một sự kiện trên Facebook xảy ra tối nay (lý do của bạn), ứng dụng Facebook không cho phép bạn truy cập nó mà không cần truy cập vào bảng tin đầu tiên (lý do của họ), và đó là có chủ đích. Facebook muốn chuyển đổi mọi lý do bạn có cho việc sử dụng Facebook, thành lý do của họ nhằm tối đa hóa thời gian mà bạn tiêu thụ trên nền tảng.
Thay vào đó, hãy tưởng tượng nếu…
- Twitter cho bạn một cách riêng để đăng một tweet thay vì phải nhìn thấy bảng tin của họ.
- Facebook cho bạn một cách riêng để tra cứu các sự kiện trên Facebook diễn ra vào tối nay mà không bị buộc phải sử dụng bảng tin của họ.
Hijack 9: Những lựa chọn bất tiện
Chúng ta được bảo rằng việc các doanh nghiệp cần “cung cấp các lựa chọn” là chính đáng:
- “Nếu bạn không thích nó, bạn luôn có thể sử dụng một sản phẩm khác.”
- “Nếu bạn không thích nó, bạn luôn có thể hủy đăng ký.”
- “Nếu bạn bị nghiện ứng dụng của chúng tôi, bạn luôn có thể gỡ cài đặt nó trên điện thoại của bạn.”
Một cách tự nhiên các doanh nghiệp muốn đưa ra những lựa chọn mà họ muốn bạn thực hiện dễ dàng hơn và những lựa chọn mà họ muốn bạn làm khó khăn hơn. Các ảo thuật gia làm điều tương tự. Bạn làm cho khán giả dễ dàng hơn trong việc lựa chọn thứ mà bạn muốn họ chọn và khó hơn để chọn thứ mà bạn không muốn họ chọn.
Chẳng hạn, NYTimes.com cho phép bạn “đưa ra một lựa chọn miễn phí” để hủy đăng ký tạp chí. Nhưng thay vì chỉ cần nhấp chuột vào “Cancel Subscription”, họ gửi cho bạn một email với thông tin cách để hủy tài khoản bằng cách gọi tới một số điện thoại mà chỉ mở vào một khoảng thời gian nhất định.
Thay vì xem thế giới dựa trên sự có sẵn của những lựa chọn, chúng ta nên xem thế giới theo sự ma sát cần thiết để đưa ra các lựa chọn. Tưởng tượng một thế giới nơi mà các lựa chọn được gán nhãn với mức độ khó thực hiện (như hệ số ma sát) và có một thực thể độc lập – một tập đoàn công nghiệp hay phi lợi nhuận – mà dán nhãn cho những khó khăn và đặt ra các tiêu chuẩn cho việc điều hướng nên dễ dàng như thế nào.
Hijack 10: Dự báo lỗi, chiến thuật “thành công từ bước đầu tiên”
Cuối cùng, các ứng dụng có thể khai thác sự mất khả năng dự đoán các hệ quả của một cú nhấp chuột của người dùng.
Người dùng không trực tiếp dự đoán chi phí thực sự của một lần nhấp chuột khi nó được gợi ý cho họ. Những nhân viên bán hàng sử dụng kỹ thuật “thành công từ bước đầu tiên” bằng cách đưa ra một yêu cầu vô thưởng vô phạt (“chỉ cần một cú nhấp chuột để xem tweet nào đã được retweet”) và leo thang từ đó (“tại sao bạn không ở lại một lúc nữa nhỉ?”). Gần như tất cả các trang web liên quan đến sự tương tác đều sử dụng thủ thuật này.
Hãy tưởng tượng nếu các trình duyệt web và điện thoại thông minh, các cổng mà thông qua đó mọi người đưa ra các lựa chọn này, thực sự xem xét người dùng và giúp họ dự đoán về hậu quả của các nhấp chuột (dựa trên dữ liệu thực tế về lợi ích và chi phí thực sự mà các hệ quả mang đến?).
Khi bạn biết “chi phí thực sự” của một lựa chọn, bạn sẽ đối xử với người dùng hoặc khán giả của mình bằng sự tử tế và tôn trọng. Các lựa chọn có thể được đóng khung về mặt chi phí và lợi ích dự đoán, vì vậy người dùng được trao quyền để đưa ra lựa chọn sáng suốt, chứ không phải bằng cách làm thêm bất cứ điều gì.
Tóm lại
Bạn có lo ngại rằng công nghệ đang chiếm quyền điều hành cơ quan của bạn? Tôi cũng lo ngại. Tôi đã liệt kê một vài kỹ thuật nhưng thực sự có hàng ngàn cách. Hãy tưởng tượng toàn bộ giá sách, hội thảo, workshop và các khóa đào tạo mà giảng dạy các công ty đầy tham vọng những kỹ thuật như thế này. Hãy tưởng tượng hàng trăm kỹ sư mà công nghệ của họ mỗi ngày là phát minh ra nhiều cách mới để khiến bạn bị cuốn hút.
Sự tự do tối thượng là một tâm trí tự do, và chúng ta cần công nghệ mà giúp chúng ta sống, cảm nhận, suy nghĩ và hành động tự do.
Chúng ta cần điện thoại thông minh, các thông báo trên màn hình và các trình duyệt web để trở thành bộ khung cho tâm trí và mối quan hệ giữa các cá nhân mà đặt ra giá trị của chúng ta, chứ không phải là tạo ra những xung động. Thời gian của mọi người rất có giá trị. Và chúng ta nên bảo vệ nó với sự nghiêm ngặt tương tự như quyền riêng tư và các quyền kỹ thuật số khác.
—–
Áp dụng
Hiểu được ảnh hưởng của công nghệ rồi, bây giờ bạn sẽ làm gì? Cách tốt nhất là hạn chế dành thời gian quá nhiều trên mạng xã hội và học cách kiểm soát thói quen sử dụng kỹ thuật số của bạn. Như mình, trong hơn 3 năm vừa qua, mình không hề chủ động theo dõi các tin tức tiêu cực trên mạng và nó đã giúp cuộc sống của mình thay đổi rất tốt.
Đây là thói quen dùng mạng xã hội của mình:
- Trên Facebook cá nhân, mình chỉ có 100 bạn bè – là những người mà mình biết và có kết nối lâu dài. Mình rất hiếm khi trả lời chấp nhận bạn bè – vì họ đều là những người mình không biết. Mình không cài đặt ứng dụng Facebook trên điện thoại, chỉ có Messenger mục đích để liên lạc với những người bạn của mình ở Việt Nam. Mình cực kỳ hiếm khi lướt bảng tin Facebook, những năm gần đây là không bao giờ. 50% thời gian mình ở trên Facebook là để nhắn tin với bạn bè, người thân với mục đích rõ ràng, chẳng hạn để trả lời câu hỏi, chia sẻ kiến thức, hỏi thăm…. Mình không bao giờ để bản thân rơi vào những cuộc tán gẫu mà không có mục đích. 50% thời gian còn lại là dành cho fanpage Lifelong Learners.
- Trên Twitter mình chỉ follow những người mà mình quan tâm và tìm hiểu, làm việc trong lĩnh vực của mình hoặc những người mà kiến thức của họ có ích với mình.
- Trên LinkedIn, mình chỉ kết nối với những người mà có hồ sơ rõ ràng và/hoặc có liên quan tới lĩnh vực mình quan tâm.
- Mình có Instagram nhưng mình rất ít khi hoạt động trên đó.
Mạng xã hội sẽ có ích nếu bạn biết cách làm chủ nó. Còn nếu bạn để nó làm chủ bạn thì chính bạn đang trở thành nạn nhân của công nghệ. Bạn chọn gì?
Ảnh đầu bài: Marvin Meyer
đúng là càng ngày em càng nhận ra mình phụ thuộc vào social media quá, và nó đã đem lại cho em rất nhiều thứ tiêu cực. nhưng mà nó trở thành habit rồi, nên em không thể nào ngừng “lướt” ấy. nhưng quả thực là em rất muốn cai mạng xã hội, vì em hiểu tác hại của nó đã ảnh hưởng đến em như thế nào, kiểu chiếc comment, message cũng 40% quyết định tâm trạng em. dạo này em đang cố gắng để hạn chế thời gian sử dụng mxh xuống mức thấp nhất, nhưng mà khó quá vậy nè hiuhiu .___.