Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: It’s Okay to Feel Bad For No Reason.
—
Từ hồi niên thiếu cho tới lúc mới chớm 30 tuổi, trong những bữa tối của gia đình, lúc nào tôi cũng giả vờ như mình ổn.
Không phải bởi vì ở cùng gia đình khiến tôi không vui, hoàn toàn không phải vậy. Nhưng trong suốt những năm đó, có ngày tôi chỉ cảm thấy tồi tệ mà chẳng thể nào cắt nghĩa được lý do, và tôi không thể nào trốn tránh gia đình giống như tôi có thể làm thế với bạn bè được, ít nhất là không làm ai phải lo lắng.
Cảm giác tồi tệ ấy đi kèm với nhiều biểu hiện như cồn cào ruột gan, bồn chồn đứng ngồi không yên và một sự thôi thúc mạnh mẽ phải trở về nhà và tránh xa những người khác. Không hẳn là thất vọng nhưng nó giống như thể lúc bạn vừa có một bài thuyết trình chẳng ra gì hay bị sếp quở trách.
Nhìn lại, tôi không thể tin là tôi đã thường xuyên cảm thấy như thế. Mỗi lần đối mặt với nó, tất cả điều tôi biết là tôi cần phải hành xử một cách bình thường hoặc phải đưa ra lời giải thích cho biểu hiện xuống tinh thần của tôi (tôi ngủ dậy muộn, tôi không uống đủ nước mỗi ngày).
Sâu bên trong, tôi thường gán cảm xúc này cho sự lạc lõng nhất định mà tôi cảm thấy tôi có khi đang dần trở thành người lớn – tôi vẫn chưa làm được nhiều thứ, tôi không đủ gọn gàng, tôi vẫn chưa làm được điều gì đó quan trọng. Một khi phần tệ nhất của cảm xúc này qua đi, tôi cố gắng tìm ra vấn đề và nghĩ xem làm thế nào tôi có thể giải quyết nó. Kết quả thường là một danh sách những mục tiêu hay quyết tâm mới mà tôi nghĩ là sẽ giúp tôi cân bằng. Tôi đã viết ra hàng trăm danh sách kiểu như thế.
Tôi không bị trầm cảm lâm sàng. Tôi đã đi kiểm tra và tôi không có bất cứ triệu chứng nào liên quan cả. Tôi cũng đi kiểm tra cả rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu và các chứng bệnh phổ biến, nhưng tôi không mắc chúng.
Nói chung, tôi là người hạnh phúc. Tôi cảm thấy như cuộc sống của mình khá tuyệt vời. Đa phần tôi cảm thấy tôi tốt hơn việc chỉ là “ổn” – tôi nhận thấy mình thực sự yên bình.
Đến bây giờ, đôi khi tôi cũng cảm thấy không vui mà chẳng biết nguyên nhân nào rõ ràng, nhưng tôi không còn nghĩ tới việc mình có điều gì không ổn nữa. Nó không phải do bệnh tâm thần, ít lựa chọn trong cuộc sống hay không uống đủ nước.
Tôi lớn lên với một niềm tin rằng ai cũng phải có một lý do để cảm thấy không vui. Có thứ gì đó chắc chắn đã xảy ra. Bạn xem một bộ phim kinh dị. Ai đó làm bạn tổn thương. Bạn trải qua chuyện gì đó tồi tệ. Bạn không chăm sóc bản thân mình.
Giả thuyết ở đây là bình thường, con người dường như lúc nào cũng cảm thấy tốt đẹp hoặc ít nhất là cũng ổn. Vì thế, hiển nhiên phải có một nỗi ưu phiền nào đó, hoặc ngắn hạn hoặc dài hạn thì mới có thể giải thích tại sao một người không vui vẻ.
Tuy nhiên, tâm trạng con người có thể thay đổi độc lập với hoàn cảnh. Tất cả chúng ta đều trải qua nó: bạn có thể cảm thấy rất hào hứng vào buổi sáng nhưng lại hoàn toàn trống trải vào buổi tối của ngày hôm đó, thậm chí kể cả khi những yếu tố khách quan chẳng thay đổi.
Tâm trạng của một vài người còn thay đổi “chóng mặt” hơn của những người khác. Vài năm trước đây, tôi (cuối cùng) chia sẻ cởi mở hơn với một số người bạn và thành viên trong gia đình về hiện tượng này, và dường như nó rất phổ biến. Khi tôi nói với họ tôi liên tục cảm thấy như đang chết dần trong bữa tối gia đình hay trong những cuộc gặp gỡ ở phòng trọ, một vài người nói họ còn từng cảm thấy tệ hơn, trong khi có những người lại chẳng hiểu tôi đang nói gì cả. Chắc bạn cũng đoán được mình thuộc nhóm người nào rồi đấy.
Quá khó để hiểu một điều bình thường “bình thường” như thế nào, bởi vì đa phần mọi người không muốn nói về nó hoặc nghe về nó. Tôi không phải là nhà tâm lý học, nên đừng coi đây là một tuyên bố khoa học, nhưng tôi đã bị thuyết phục rằng thậm chí kể cả những người ổn định về tinh thần lẫn thể chất đôi khi cũng cảm thấy không vui mà không có lý do.
Trớ trêu thay, chúng ta nghĩ chúng ta lại cần lý do nên chúng ta cảm thấy không vui vì cảm thấy không vui và hiệu ứng quả cầu tuyết giờ đây trở nên thật kinh khủng.
Hiệu ứng quả cầu tuyết: Một quả cầu tuyết ban đầu rất nhỏ, nhưng càng lăn thì nó càng lớn dần lên do trong quá trình lăn, nó sẽ cuốn theo tuyết trên suốt đoạn đường.
Tâm trạng u ám của tôi có thể không tránh được, nhưng chúng kéo lê sang vài ngày bởi vì tôi tin là không thể chấp nhận được việc cảm thấy không vui nếu tôi không tìm ra lý do.
Khi bạn tin tâm trạng của mình về cơ bản có nghĩa là có thứ gì đó không ổn đã xảy ra, rằng thứ gì đó có thể chỉ là bạn, hay thế giới xung quanh bạn; bạn cảm thấy như bạn phải thay đổi chính bạn hoặc tất cả những người xung quanh và bạn không biết làm thế nào, thì bạn sẽ càng cảm thấy tệ.
Khi cố tìm ra vấn đề từ chính bạn hoặc từ xung quanh, bạn sẽ luôn tìm thấy khá nhiều và mỗi một vấn đề ấy sẽ càng “tiếp nhiên liệu” cho sự ngẫm nghĩ không ngừng của bạn. Cuối cùng, bạn sẽ hình thành nên một vài niềm tin mà sẽ càng khiến bạn trở nên tiêu cực:
- Mình chưa làm được gì nhiều.
- Mình không thể dừng việc phá hỏng những thứ quan trọng.
- Thế giới này thật độc ác và nguy hiểm.
- Có thứ gì đó không hay xảy ra trong đầu mình rồi.
Những lời giải thích đầy tuyệt vọng cho cảm giác không vui không cần thiết khi không một ai (kể cả chính bạn) không đòi hỏi một lý do.
Không phải tâm trạng và trạng thái tinh thần không có nguyên nhân. Có lẽ có những yếu tố thuộc về hoàn cảnh, di truyền, dẫn truyền thần kinh đứng đằng sau mọi cảm xúc chúng ta có. Nhưng những cơ chế hóa học ngầm đó không phải lúc nào cũng tạo ra một lý do dễ hiểu và dễ diễn tả cho cảm giác không vui.
Thế giới mong đợi các lý do. Nếu ai đó hỏi bạn bạn cảm thấy thế nào, và bạn nói “không tốt lắm”, họ sẽ hỏi tại sao. Và bạn sẽ cho họ một câu trả lời, cho dù bạn có tin là nó khiến mình không vui hay không.
Hoặc bạn có thể chỉ nói “tớ ổn”, và hiểu sẽ không có sự chất vấn thêm nữa bởi vì nếu cảm thấy ổn là ổn rồi.
Hiển nhiên, đôi khi có những lý do dễ nhận thấy cho tâm trạng đi xuống và lúc này, bạn cần tìm cách giải quyết chúng. (Tôi không có kế hoạch cho việc nợ nần của tôi, và tôi cần một kế hoạch. Mối quan hệ của tôi đang đình trệ và tôi cần giải quyết nó). Ngoài ra, cũng có những rối loạn tâm lý nghiêm trọng cần được điều trị.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều sở hữu một loạt những cảm xúc thuộc về con người và tự bản thân chúng không phải là vấn đề cần được giải quyết. Không biết bạn đang cố hết sức như thế nào để khiến những người bạn tương tác hàng ngày như đồng nghiệp, bạn bè nghĩ là bạn ổn?
Bây giờ, những biểu hiện tâm trạng đi xuống đó không còn xảy ra với tôi nhiều nữa nhờ hai điều may mắn bất ngờ: thiền và những người bạn mà sẵn sàng nói chuyện về việc họ (hoặc tôi) cảm thấy tồi tệ đến mức nào. Tôi nhận thấy đa phần mọi người dường như không muốn nói chuyện về việc họ cảm thấy kinh khủng như thế nào, và tôi cứ phân vân liệu đó có phải bởi vì họ cũng nghĩ rằng họ cần một lý do để cảm thấy không vui.
Tôi cố gắng phản ứng với tâm trạng của tôi giống như phản ứng của tôi trước thời tiết. Thời tiết ngày này qua ngày càng khác đều thay đổi, bởi vì những lý do mà phần lớn không thể nhìn thấy được. Mỗi một chúng ta phải hài hòa với “kiểu thời tiết” của riêng chúng ta, với những lúc nó bình thường và lúc nó trở nên khắc nghiệt. Đôi khi bạn cảm thấy mát mẻ, ôn hòa, nhưng sẽ có lúc bạn phải chịu đựng những đợt nắng chói chang hay giá rét lạnh lẽo.
Một một kiểu thời tiết đều có những lợi ích và giới hạn của nó, nhưng không một cái nào là “sai”. Chúng ta không còn cho rằng mưa nghĩa là chúng ta không làm hài lòng các vị thần và bị trách phạt. Chúng ta (thường) không còn nắm chặt tay giơ lên trời đầy giận dữ để thể hiện sự bất bình nữa.
Chúng ta thừa nhận những biểu hiện của mình và điều chỉnh để thích nghi. Khoác áo len vào người, hoãn bữa tiệc, xem một bộ phim. Không vấn đề gì nếu cảm thấy không vui mà chẳng biết lý do nào hết.
Ảnh đầu bài: Mcredifine.
Những nổi buồn không lý do có một cái tên là vị ngã ( chẳng biết đúng không?)
Mình cũng chưa biết nhiều về thuật ngữ này. Có gì bạn hiểu thì chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều nha.
Chị thật sự là những người cho đi nhiều những giá trị trong cuộc sống . Em thực sự vui khi đọc được bài viết này của chị
Cám ơn em nhiều nha. Vui quá. hihi