Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Maybe You Don’t Have a Problem.
—
Là một người đàn ông trưởng thành kiếm sống bằng nghề viết lách, tôi đọc rất chậm và bản thân tôi nhận thức được điều đó. Đọc xong một cuốn tiểu thuyết trong chưa đầy 2 tuần có vẻ như là một thành tựu. Nếu cuốn tiểu thuyết đó hấp dẫn tôi ngay từ lúc đầu thì tôi sẽ đọc hết nó trong khoảng một tuần hoặc ít hơn, nhưng thường thì điều này có nghĩa là tôi sẽ phải dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để đọc.
Tuy nhiên, có những người lại đọc được 2, hoặc 3, hoặc 7 hoặc 8 cuốn sách mỗi tuần. Tôi luôn muốn trở thành một trong số họ, và cách đây hai tháng tôi đã quyết định phải làm được như thế. Triết lý của tôi rất đơn giản: bất kể họ làm cái gì thì tôi cũng sẽ làm cái đó.
Có vẻ hiển nhiên rằng những người đọc nhiều gấp 5 hoặc 10 lần số sách tôi đọc được đọc sách theo cách hoàn toàn khác tôi. Họ không chỉ đọc – như tôi biết – nhanh hơn. Họ buộc phải sử dụng mắt và đầu óc theo những cách mà tôi chưa bao giờ biết.
Thế là tôi đâm đầu vào việc luyện tập đọc nhanh (speedreading) một cách mơ hồ. Tôi mua một cuốn sách hướng dẫn đọc nhanh được nhiều người đánh giá tốt nhất, tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ tìm hiểu phương pháp này và áp dụng thật kỹ.
Phương pháp quả thật rất khác với cách mà tôi thường đọc. Để ngón tay lướt qua các dòng chữ giống như một thiết bị đo tốc độ. Không nghĩ bất cứ câu chữ nào trong đầu. Không dừng để đọc lại bất cứ chỗ nào chưa hiểu mà chỉ tập trung vào những từ ngữ quan trọng để lấp đầy những lỗ hổng trong hiểu biết.
Kỹ thuật này đã mang lại cho tôi hiệu quả nhất định. Tôi nhận thấy mình có thể đọc xong một cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) với tốc độ đọc nhanh hơn gấp đôi, và thực sự hiểu được phần lớn (tôi nghĩ) những quan điểm được trình bày. Vì câu chữ đi vào đầu tôi quá nhanh nên tôi chẳng còn thời gian để mơ mộng hay để ý tới những thứ gây nhiễu xung quanh nữa.
Nhưng tôi không thấy hài lòng lắm. Tôi cảm tưởng như tôi đang tham gia một trò chơi truyền hình trên kênh Food Network, hối hả nấu cho được một món ăn thật chỉnh chu trong khoảng thời gian hạn hẹp. Tôi đọc nhanh và không nhanh đến nỗi chẳng thu được kiến thức gì, nhưng nó không đến nơi đến chốn và thiếu đi niềm vui. Tôi không tin rằng tôi đang hấp thụ kiến thức theo cách mà tác giả hướng đến cho độc giả. Chẳng đời nào tôi đọc một cuốn tiểu thuyết theo cách đó.
Khi tôi tìm hiểu sâu về chủ đề đọc nhanh, tôi nhận ra thực sự không hề có một phương pháp đọc nhanh hơn. Đấy là một loại đọc lướt dựa trên thực tế, rất hữu ích để tiêu thụ một lượng lớn kiến thức ở trường hoặc trong công việc hay các tình huống khác mà cần chắt lọc những thông tin quan trọng từ bất cứ thứ gì mà bạn không thực sự muốn đọc. Nhưng theo hầu hết những thông tin thu thập được, đấy không phải là cách để sau cùng, có thể thưởng thức những tác phẩm kinh điển của tiểu thuyết gia vĩ đại Marcel Proust.
Hụt hẫng, tôi tìm kiếm trên Google “cách quái nào mà có một số người lại đọc được nhiều sách đến thế?” và tìm thấy một chủ đề thảo luận trên Quora, với sự tham gia của một loạt những người đọc rất nhiều sách giải thích về cách mà họ đã đọc được nhiều sách đến thế.
Tôi nghĩ tôi sẽ tìm ra rất nhiều những kỹ thuật – cách để di chuyển mắt khác đi, cách để đưa một thủ thuật tâm lý vào việc đọc. Nhưng hầu hết câu trả lời của họ đều theo kiểu là “Ồ, tôi chỉ đọc nhiều thôi. Nên tôi trở nên đọc nhanh hơn năm này qua năm khác.”
Tôi cảm thấy như rơi vào ngõ cụt, nhưng là một ngõ cụt tươi sáng. Nó giúp tôi hiểu rằng thực sự không phải tôi gặp vấn đề. Những câu trả lời thẳng thắn của họ đã cho tôi một cảm giác khác cực kỳ mạnh mẽ khi đạt tới điểm cuối cùng của một lựa chọn sai lầm, tự do quay trở lại lại với con đường chính và tập trung vào nó.
Giờ đây vũ khí bí mật của đọc nhanh hóa ra lại là thứ không còn cần nữa, tôi đọc sách mà chẳng khiến bản thân mình gặp rắc rối với nó. Đơn giản chỉ là tôi dành nhiều thời gian hơn để đọc trên chiếc ghế yêu thích và đọc nhiều sách hơn mà thôi. Bất kể rào cản đã từng là gì thì dường như chúng đều không còn.
Ngoài việc đọc được nhiều sách hơn, tốc độ đọc của tôi cũng nhanh hơn trước, và tôi nghĩ nó hoàn toàn bởi vì bỗng dưng, tôi không còn xem bản thân mình là người gặp khó khăn với việc đọc. Tôi không mong đọc sách là một cuộc chiến đấu và nó không nên như thế. Tôi chỉ tập trung đọc mà chẳng hề suy nghĩ rằng tôi cần đọc nhanh hơn.
Đọc nhiều hơn và trở nên tốt hơn theo thời gian – đó là câu trả lời đơn giản nhất cho vấn đề, vậy tại sao tôi lại cảm thấy như tôi đã đi đúng hướng và rồi nhận ra nó chẳng đi tới đâu?
Chúng ta nhanh chóng coi thường những cách tiếp cận mà chẳng đưa chúng ta đi đến đâu khi lần đầu tiên đọc sách. Bạn chỉ cần gạt bỏ nó một lần, bất kể nó mang lại hiệu quả như thế nào cho bạn, hay nó mang lại lợi ích như thế nào cho những người khác, và sau đó bạn không còn nhìn theo hướng đó nữa. Có lẽ nó xảy ra với tôi khi tôi ép bản thân mình đọc cuốn Những kỳ vọng lớn lao (Great Expectations) ở trường trung học. Sau sự thảm hại ấy, một cuốn sách dày cộm trở thành biểu tượng của sự đay nghiến, bị bỏ lại phía sau, và bị tách ra khỏi văn hóa bởi những người thông minh và chín chắn hơn. Bất cứ khi nào tôi mở lại cuốn sách dày 600 trang với những chữ viết in nhỏ xíu, tôi luôn nhìn thấy một cuộc chiến mà tôi không ngừng bị ám ảnh..
Chúng ta có thể mãi sống theo cách này – sống với những chướng ngại vật kéo dài chỉ bởi vì chúng ta mệt mỏi với cách tiếp cận đơn giản nhất.
Tôi không thể đếm có bao nhiêu người tôi đã gặp mà nghĩ rằng nấu ăn rất khó với họ. Họ khăng khăng nấu ăn cần năng khiếu và họ chỉ là không có năng khiếu đó. Thế nên họ không bao giờ vào bếp, và bởi vì họ không bao giờ vào bếp nên họ không thể nấu bất cứ món gì. Đối với những người trong chúng ta mà nấu ăn kiểu tự do (hoặc đôi khi rất tệ) thì việc mất khả năng chuẩn bị món ăn cho bản thân này có vẻ rất buồn cười và hoàn toàn tự nguyện.
Chúng ta có thể nhanh chóng coi bản thân mình là vấn đề và chỉ chúng ta tự khiến bản thân mình thành một vấn đề. Thật dễ dàng để chấp nhận quan điểm chúng ta đang không biết một thông tin bí mật nào đó hơn là việc đối diện với sự thật rằng chúng ta không bao giờ kiên trì theo đuổi cách tiếp cận đơn giản nhất và rõ ràng nhất.
Và một khi bạn chối bỏ nó, cánh cửa đó – cánh cửa tốt nhất – sẽ luôn giống như một bức tường, cho đến khi bạn sẵn sàng vượt qua, dù có thế nào đi nữa.
Ảnh đầu bài: StockSnap.
Lâu quá rồi không vào đây cmt cho chị :(((
Trước đây em cũng thấy nhiều người nói rằng mình đọc mấy chục cuốn một năm, phải cố đọc từng này từng kia. Đối với em, chỉ cần có thể mỗi tháng đọc một cuốn đã là rất tốt. Mục tiêu em đặt ra trên goodreads không phải để mình đọc thật nhiều sách mà là để giữ thói quen đọc sách mà không bị đánh mất nó khi đang mải miết chạy theo những thứ khác. Em không thấy ngại với việc mình “chậm chạp” hơn người khác trong việc tiếp cận với nghệ thuật hay những thứ mà không nhất thiết phải nhanh. Chậm cũng sẽ có mặt tốt của nó.
Cảm ơn chị vì bài dịch. Em cảm thấy như mình nhận được một cái vỗ vai đồng cảm nói rằng em không nghĩ sai, và rằng chúng ta đôi khi không nên coi mình là một vấn đề. Khi suy nghĩ tích cực hơn, con người cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Cám ơn Hồng nhiều nha. Những chia sẻ của Hồng khích lệ chị rất nhiều. xo xo
Đọc nhiều sách thì tốc độ đọc sẽ nhanh hơn, mình bắt đầu đọc sách từ ngày biết đọc biết viết – chỉ cần có chữ là mình sẽ đọc. Thời kì đọc nhanh nhất của mình là đọc 1 cuốn sách khổ a4 dày tầm 5cm trong vòng 6-8h tùy độ khó của từ nghữ – đó là thời kì cấp 3 khi mà hàng ngày tụi mình phải vùi đầu vào câu chữ, phải luyện khả năng mắt nhìn 1 câu – 1 đoạn là tìm được trọng điểm của câu từ – và quan trọng nhất là khả năng tập trung cao.
Sau này lên đại học – và đi làm thì mình bắt đầu ít đọc sách lại, tốc độ đọc của mình cũng giảm – khả năng tiếp thu ngôn ngữ của mình cũng giảm. Bây giờ đọc 1 cuốn a4 dày 5cm có khi 1 tháng mình đọc cũng chưa xong.
Đúc kết kinh nghiệm của mình là muốn đọc sách nhanh – hiểu được nội dung: tập trung cao – khả năng hiểu ngôn ngữ cao.
Chia sẽ của Hoa hay quá. Chúc Hoa thành công nha. xo xo