Có lẽ bạn đã biết tới từ “solitude”.
Bề ngoài, solitude (đơn độc) khá giống với loneliness (cô đơn) – đều ám chỉ tới việc ở một mình mà không có ai bên cạnh. Tuy nhiên, trong khi loneliness mang nghĩa tiêu cực – nghĩa là cảm thấy không vui khi không có ai bên cạnh, thì solitude lại chỉ đến việc bạn lựa chọn ở một mình mà không cần sự hiện diện của người khác.
Từ điển Cambridge định nghĩa:
- Solitude: the situation of being alone, often by choice.
- Loneliness: the state of being lonely (lonely means unhappy because you are not with other people).
Solitude là trạng thái một mình, nhưng không hề cô độc. Bạn chủ động dành thời gian riêng biệt để gắn kết với chính mình, một cách tích cực và mang tính xây dựng. Bạn hài lòng khi có không gian riêng tư như vậy.
Solitude có thể được sử dụng để suy xét, phản chiếu lại bản thân, để khám phá về con người thật sự của mình, kết nối với các niềm tin, tự vấn về hành vi, cảm xúc và kiểm soát các kỳ vọng. Đọc sâu đòi hỏi thời gian một mình với sự tập trung cao độ, thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên, suy nghĩ hay sáng tạo cũng đòi hỏi một mức độ tập trung như thế.
Khi cuộc sống càng trở nên hiện đại với nhiều thứ gây nhiễu xuất hiện như tin nhắn, thông báo điện thoại hay mạng xã hội thì dành thời gian riêng biệt cho bản thân càng trở nên vô cùng quan trọng.
Phần dưới đây, mình sẽ giới thiệu đến các bạn bài viết của tác giả Leo Babauta giải thích lý do tại sao nhiều người rất khó khăn trong việc dành thời gian cho solitude.
***
Bao lâu bạn dành thời gian đi bộ một tiếng đồng hồ bên ngoài? Chỉ ngồi xuống giữa thiên nhiên, chẳng làm gì cả ngoài việc thưởng ngoạn và tận hưởng không gian yên ắng?
Tôi dám chắc có rất ít người trong số các bạn khoái chí với sự sang chảnh này một cách đều đặn. Hầu hết chúng ta không hề dành thời gian cho sự đơn độc hàng ngày.
Vài người mất rất nhiều thời gian cho việc này: những khó khăn trong kiếm bữa cơm manh áo mỗi ngày đe dọa sự tồn tại tới mức họ không thể nghĩ tới việc dành dù chỉ một giờ đồng hồ đi dạo.
Với nhiều người khác, lý do chính là bộ não của họ lý trí hóa việc bận rộn. Cả ngày, chúng ta bị nhồi nhét về một cám giác bất ổn. Nó khiến chúng ta cố gắng làm nhiều hơn, để kiểm soát mọi thứ, để ních thật nhiều thứ hơn vào trong cuộc sống của chúng ta, để tiếp tục cơn nghiện công nghệ và những thứ gây nhiễu.
Động lực chính cho sự bận rộn và phân tán là cảm giác bất ổn và không chắc chắn.
Sự không chắc chắn gia tăng cứ sau mỗi giờ đồng hồ của cuộc sống. Chúng ta không chắc chắn về việc chúng ta nên làm gì, chúng ta là ai, liệu rằng chúng ta có đủ tốt, điều gì sẽ xảy ra, điều gì đang diễn ra trên thế giới và làm thế nào để vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Thường chẳng mấy ai nhận ra điều này nhưng đấy là sự thật.
Để đối mặt với cảm giác không chắc chắn đó – một cảm giác vô căn cứ về việc không có gì ổn định trong đời sống, chúng ta bám lấy những lời an ủi và sự gây nhiễu; chúng ta trì hoãn và bỏ qua những thói quen chúng ta muốn hình thành; chúng ta liên tục bận rộn, nhắn tin và làm nhiều thứ khác. Nếu có một chút thời gian nghỉ ngơi, chúng ta sẽ cầm điện thoại hoặc mở video để thư giãn.
Nhiều người biết dành thời gian cho sự đơn độc, đắm mình trong sự tĩnh lặng của cuộc sống và thưởng ngoạn mọi thứ xung quanh rất thú vị. Nhưng khi nói đến thực sự làm nó, họ vẫn bị bám dính vào sự bận rộn bởi vì họ không thấy chắc chắn. “Tôi không thể bởi vì tôi có quá nhiều thứ để làm!” Chỉ cần một email nữa thôi. Chỉ cần một video nữa thôi.
Tuy nhiên, sự bận rộn và phân tán liên tục này khiến chúng ta héo mòn. Luôn luôn làm việc, luôn luôn nhắn tin, luôn luôn được kích thích, luôn luôn dùng năng lượng.
Sẽ như thế nào nếu chúng ta ngắt kết nối một giờ mỗi ngày? Để ngăn cách bản thân mình với tivi, sách, thiết bị và chỉ đi ra ngoài đi bộ? Để không vắt kiệt sức mình cho công việc nhưng được kết nối với thiên nhiên?
Chúng ta có thể tận dụng những khoảng thời gian chẳng làm gì cả hay kém năng suất nhất. Chúng ta có thể dùng thời gian đó để nạp lại năng lượng và phục hồi. Chúng ta có thể vận động nhẹ nhàng và dùng sự bình thản ấy để giúp não bộ có cơ hội nghỉ ngơi, thưởng ngoạn.
Để làm được thế, hãy cố gắng đừng để cho sự bất ổn và không chắc chắn kiểm soát cuộc sống. Nó luôn luôn hiện hữu, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách kiểm soát nó, thoải mái với nó và thậm chí là trân trọng nó. Nhưng, đừng bị nó điều khiển.
Bạn có thể dành 30 phút mỗi ngày để chậm lại và hòa mình vào sự yên tĩnh, chỉ một mình bạn. Hãy để ý tới tâm trí của bạn sẽ cố gắng lý trí hóa tại sao bạn không làm việc mà chỉ ngồi một mình hoặc sẽ có một sự thôi thúc khiến bạn nghĩ mình phải đi ra ngoài, nói chuyện, giao lưu với mọi người. Có thể bạn sẽ thấy căng thẳng và muốn thoát ra. Nhưng, đừng đầu hàng trước sự thôi thúc đó. Nó sẽ biến mất dần và được làm dịu. Và rồi, bạn sẽ thấy có những lúc một mình, chậm lại, yên tĩnh với mọi thứ xung quanh thật hữu ích.
Ảnh đầu bài: Ray Hennessy