Mấy năm rồi công việc đều gắn liền với viết lách nên mình phải làm việc với máy tính rất nhiều. Từ sáng tới tối đi làm, mình đều cặm cụ gõ trên bàn phím đến nỗi mà nhiều hôm mỏi tay vô cùng luôn. Lắm lúc nghĩ đã về nhà là không muốn phải viết hay phải nghĩ một cái gì nữa. Nhưng mà vì thích viết quá nên đi làm nghĩ thế thôi chứ mỗi tối, xong xuôi mọi thứ là lại ngồi vào bàn viết viết cái gì đó đấy.
Chiếc laptop giúp ích cho mình cực kỳ nhiều. Nhờ nó mà mình gõ chữ nhanh hơn, hoàn thành công việc ở công ty và có thời gian để viết lách cho blog nhỏ nhỏ xinh xinh này nữa. Dẫu vậy, mình vẫn giữ thói quen cầm bút viết. Bằng chứng mình có đủ các loại sổ. Sổ to, sổ nhỏ, sổ bìa còng, sổ tay lò xo, sổ dán gáy… đều có hết.
Mình ghi đủ thứ, từ những suy nghĩ hàng ngày, điều thú vị mình đọc được trên mạng hay đơn giản là mấy ghi chú linh tinh, không theo trật tự nào cả. Dù viết ít hay nhiều, mình đều cố gắng duy trì việc cầm bút.
Mình còn nhớ ngày xưa đi học thiếu thốn nhiều nên được ai tặng cho chiếc bút, cuốn vở là quý lắm. Ngày xưa còn chăm chỉ viết thư tay cho bạn bè, lên học đại học cũng chép thư tay gửi về cho bố mẹ dù đã được bố mẹ sắm cho chiếc điện thoại Viettel. Đến lớp cũng thường dùng giấy để chép ra mấy chuyện to chuyện nhỏ, chuyền tay nhau từ đứa ngồi đầu lớp đến cuối lớp.
Mình có cô bạn thân chơi với nhau từ hồi năm 2014. Làm cùng công ty, cả tuần 7 ngày thì gặp nhau đến 6 ngày, từ sáng tới tối đều nói chuyện trực tiếp với nhau buôn đủ thứ rồi nhưng vẫn gửi thư cho nhau. Bạn ấy có thói quen đáng yêu lắm: lâu lâu lại gửi cho mình một bức thư, gói gém cẩn thận bằng giấy màu rồi âm thầm nhét vào ba lô hoặc túi áo hoặc vào tay mình. Mỗi lần nhận được mình vui sướng cực kỳ vì biết bạn ấy lại dặn dò ăn uống cẩn thận, giữ sức khỏe và cảm thấy yêu cuộc sống vì chúng mình là bạn. Giờ bạn ấy đi Úc rồi nên chẳng còn cơ hội để nhận thư viết tay, chỉ còn cách liên lạc qua Facebook.
Mình biết thế giới ngày càng hiện đại nên chất lượng cuộc sống đã tốt hơn nhiều. Chúng ta đa dạng các mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin miễn phí với đủ các thể loại icon, emoji ngộ nghĩnh. Chỉ cần nhắn tin là trong tích tắc người kia sẽ nhận được và hai bên có thể bắt đầu buôn đủ thứ. Chúng ta cũng có những kho ứng dụng với vô vàn ứng dụng, miễn phí có, trả phí có. Chỉ cần tìm kiếm “ghi chép” hay “gõ văn bản” là ngay lập tức, bạn sẽ được đề xuất một loạt các ứng dụng thú vị: Word, Wunderlist, Microsoft Notes, Evernote… Nhanh hơn, tiện hơn, tiết kiệm thời gian và công sức hơn, rồi cũng hiệu quả hơn nữa.
Thế nên, tại sao cần phải viết bằng tay khi đã có những thứ tiện lợi như thế rồi? Viết tay bất tiện lắm.
Gần đây, mình đọc được một bài viết trên Medium chia sẻ về lợi ích của chữ viết tay của tác giả Markham Heid. Mình ngạc nhiên bởi vì không ngờ việc cầm bút viết lại có nhiều tác dụng tuyệt vời đến thế.
Đầu tiên, khi bạn viết tay một thứ gì đó rồi gửi cho một người, người kia có thể sẽ nhận dạng và hiểu được cảm xúc của bạn qua nét chữ bạn viết. Vì sao? Bởi vì những gì được viết bằng tay hướng vào cảm xúc. Các nhà tâm lý học từ lâu đã hiểu được điều này. Kể từ tận những năm 1980, họ đã áp dụng cách “điều trị bằng viết lách”, tức là yêu cầu bệnh nhân mỗi ngày dành khoảng 15 – 30 phút viết ra cảm xúc của họ. Việc viết tay như vậy sẽ ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe tinh thần và thể chất của các bệnh nhân, bao gồm giảm căng thẳng, ít trải qua các triệu chứng khủng hoảng, cải thiện hệ miễn dịch, và hỗ trợ cho các biện pháp chữa trị khác. Thật thú vị phải không nào?
Chữ viết tay cũng giúp cải thiện trí nhớ của một người khi tiếp nhận một thông tin mới. Một nghiên cứu vào năm 2017 của Tạp chí Frontiers in Psychology (tạm dịch: Những biên giới trong tâm lý học) đã phát hiện ra các vùng não bộ gắn kết với việc học hoạt động tích cực hơn khi mọi người làm việc bằng tay, thay vì làm việc với bàn phím. Các tác giả của nghiên cứu còn cho biết viết bằng tay sẽ thúc đẩy “quá trình mã hóa sâu” thông tin mới theo cách mà gõ chữ trên bàn phím không làm được. Như bản thân mình, mình cũng thấy khi ngồi ở bàn vừa đọc vừa chép ra giấy, mình có cảm hứng học và tiếp nhận kiến thức tốt hơn nhiều. Đôi khi gõ trên máy tính xong là quên luôn, nhưng chép ra thì ít nhất mình cũng nhớ mang máng là đã từng ghi chép về nó.
Có người bảo “nhưng mà viết bằng tay chậm hơn đánh máy”. Uh, thì đúng là như vậy, ít nhất là trong một số hoàn cảnh nhất định. Tác giả Markham Heid cũng đã khẳng định điều này, nhưng anh cũng dẫn ra một nghiên cứu vào năm 2014 của một tạp chí Khoa học Tâm lý, rằng những học sinh mà ghi chép bằng tay có kết quả bài kiểm tra tốt hơn những học sinh mà ghi chép bằng laptop, xét về mức độ hiểu bài học.
Daniel Oppenheimer, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tâm lý tại Đại học Carnegie Mellon cho biết, “Một thuận lợi cơ bản của chép tay đó là nó khiến một người chậm lại”. Trong khi các học sinh đánh máy có thể ghi chép từng từ họ nghe thấy thì “những người mà chép tay không thể viết đủ nhanh được – thay vì vậy, họ sẽ buộc phải diễn đạt lại thông tin bằng lời của họ. Do đó, họ sẽ phải nghĩ sâu hơn về thông tin và nắm rõ được các lập luận nên họ sẽ hiểu bài hơn”.
Lâu lâu đọc được những thông tin khoa học như thế này càng làm mình có động lực để duy trì các thói quen hiện tại. Mình càng cảm nhận được chữ viết tay quan trọng đến mức như thế nào, và sẽ không bao giờ mình dừng cầm bút viết.
Mình thích cảm giác mua được chiếc bút mới rồi lúc về nhà, ngồi nắn nót từng chữ ghi vào sổ. Mình tự do viết ra những gì mình muốn, cứ cuốn theo dòng suy nghĩ của bản thân mà chẳng cần quan tâm nó có hay, có đúng ngữ pháp hay không. Mình cũng chẳng màng chỉnh sửa, tẩy xóa vì viết bằng bút khác với viết trên máy tính. Một khi đã viết ra giấy là nó đã hằn lên trên giấy rồi. Một nét gạch ngang hay một vết xóa bằng bút xóa đều khiến nó lộ ra rõ ràng trên trang giấy. Thế nên, mình gần như ít khi tẩy xóa hay gạch. Mình cứ để chúng y nguyên như lúc mình đã viết.
Còn bạn, bạn có yêu thích chữ viết tay không? Nếu có hãy chia sẻ cùng mình những trải nghiệm mà bạn có với chiếc bút và cuốn sổ bạn yêu thích nhé! Chúc bạn cuối tuần thật vui.
Bài viết có sử dụng thông tin từ: Bring Back Handwriting: It’s Good for Your Brain
Ảnh đầu bài: Lonely Planet