Trong năm 2019, mình nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về cách viết CV tiếng Anh. Nhưng vì khá bận nên mình chưa sắp xếp thời gian để chia sẻ được. Thế nên, hôm nay, nhân dịp đầu năm 2020, mình đã quyết định hoàn thành bài viết về cách viết CV bằng tiếng Anh để giúp bạn chỉnh sửa lại hồ sơ xin việc của mình trước khi bước vào một mùa săn việc mới nhé.
Gần 6 năm đi làm, mình không nhớ mình đã gửi đi bao nhiêu bản CV tiếng Anh tới bao nhiêu công ty. Nhận được email phản hồi, được gọi phỏng vấn, được lọt vào vòng trong, trúng tuyển hay không nhận được email nào cả, trượt ngay từ vòng CV, phỏng vấn thất bại… tất cả những tình huống này mình đã trải qua. Từ quá trình này, một điều mà mình rút ra được đó chính là đầu tư kỹ lưỡng cho bộ hồ sơ xin việc tiếng Anh, đặc biệt là bản CV luôn luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Có gì trong bài viết này?
- CV là gì?
- Sự khác biệt giữa CV và resume
- Sự khác biệt giữa CV và thư xin việc (cover letter)
- Tại sao nên có một bản CV tiếng Anh
- Cơ bản về cách viết CV tiếng Anh
- Các lỗi khi viết CV tiếng Anh
- Các trang web tạo CV tiếng Anh
- Các mẫu CV tiếng Anh chuẩn
Phần dưới đây là những kinh nghiệm của mình đã cóp nhặt được sau gần 6 năm đi làm cũng như quá trình review và chỉnh sửa CV cho những người khác. Hy vọng chúng sẽ có ích cho bạn. Mình xin lưu ý rằng về cơ bản, có nhiều điểm giống giữa CV tiếng Anh và CV tiếng Việt, nhưng cùng với đó, cũng có nhiều điểm khác mà bạn cần biết, đặc biệt là về cách sử dụng ngôn ngữ.
Nào, bắt đầu tìm hiểu thôi.
CV là gì?
Chắc nhiều bạn biết rồi, nhưng mình cũng muốn làm rõ một chút về định nghĩa CV.
CV là viết tắt của từ Curriculum Vitae. Hiểu nôm na là một tài liệu dài khoảng chừng 2 trang giấy trình bày bạn là ai, kỹ năng, kinh nghiệm, phẩm chất của bạn là gì và giá trị bạn sẽ mang lại cho nhà tuyển dụng.

Đa phần các công ty hiện nay đều yêu cầu ứng viên gửi CV trước khi mời đến phỏng vấn. Nếu CV tốt và phù hợp, họ sẽ gọi điện cho bạn để đặt lịch phỏng vấn ngay. Còn nếu như CV không đáp ứng yêu cầu trên nhiều phương diện thì bạn sẽ bị loại ngay lập tức. Một số trường hợp bạn sẽ nhận được email từ chối, nhưng có tình huống, bạn sẽ chẳng nhận được gì cả.
Vì vậy, theo kinh nghiệm của mình, CV là một phiên bản điện tử của chính bạn trong môi trường làm việc. Nó thể hiện những điều tốt đẹp nhất về bạn mà bạn sẽ thể hiện ra ngoài khi đi làm tại công ty mà bạn đang ứng tuyển. Thế nên, nó cần được đầu tư một cách chỉnh chu và kỹ lưỡng nhất.
Sự khác biệt giữa CV và resume
CV và resume có giống nhau không? Về bản chất là khác. Nhưng thực tế thì nhiều công ty vẫn cho hai cái này là một. Nghĩa là khi họ bảo bạn gửi resume thì ý họ là gửi CV và ngược lại. Mình đã từng trải qua vài tình huống như này, khi nhà tuyển dụng bảo mình gửi resume. Mình email xác nhận lại và họ bảo ý họ là mình gửi CV cho họ.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sự khác biệt giữa chúng thì đây là một vài nét cơ bản nhất, theo giải thích của trang The Balance Careers:
- CV là một bản tóm tắt về nền tảng học vấn, bằng cấp, giải thưởng, chứng nhận, kỹ năng, và kinh nghiệm của bạn. CV thường dài hơn resume và bao gồm nhiều thông tin hơn resume. CV phổ biến khi ứng tuyển các vị trí trong lĩnh vực học thuật, y học, nghiên cứu khoa học. CV cũng được dùng rộng rãi khi xin học bổng.
- Resume là một bản tóm tắt về học vấn, lịch sử làm việc, chứng thực (credentials), các kỹ năng và thành tựu của bạn. Resume nên ngắn gọn và súc tích nhất có thể, gói gọn trong 1 trang là tốt nhất, đôi khi có thể kéo dài 2 trang. Resume được dùng để nộp ứng tuyển cho bất cứ công việc nào.
Đến đây bạn bắt đầu thấy có sự bối rối rồi đúng không? Nếu theo định nghĩa trên thì khi bạn ứng tuyển một vị trí bất kỳ, cái bạn cần viết là resume mới đúng, chứ không phải CV?
Về lý thuyết thì đúng là như thế. Nếu bạn ứng tuyển một công ty ở Mỹ hoặc Canada (ngoài lĩnh vực học thuật, y học, nghiên cứu khoa học) thì cái bạn cần gửi đi là resume, chứ không phải CV. Nhưng ở nhiều quốc gia khác thì CV hay resume đều chấp nhận được. Và có vẻ ở Việt Nam, từ CV phổ biến hơn resume nên trong phạm vi bài hướng dẫn này, mình vẫn sẽ tiếp tục sử dụng từ CV nhé.
Một lưu ý là khi bạn nộp đơn xin việc vào một công ty bất kỳ, cho dù bạn gọi hồ sơ của mình là CV hay resume thì điều quan trọng nhất vẫn là bạn đảm bảo những gì bạn ghi trong hồ sơ liên quan tới công việc/vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Sự khác biệt giữa CV và thư xin việc (cover letter)
Một khái niệm khác cũng cần được làm rõ đó chính là thư xin việc (cover letter). Rất nhiều công ty hiện nay có yêu cầu ứng viên bổ sung thêm cả thư xin việc khi ứng tuyển. Vậy nó chính xác là cái gì?
Hiểu nôm na thư xin việc chính là một bức thư được viết một cách chuyên nghiệp giới thiệu chính bản thân bạn như là một ứng viên tiềm năng cho vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Nó bao gồm các thông tin bổ sung giải thích tại sao bạn lại nộp đơn vào vị trí đó và không nên lặp lại những gì đã được trình bày trong CV.

Thông thường, thư xin việc nên trả lời hai câu hỏi này:
- Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty đó chứ không phải một công ty khác?
- Bạn sẽ đóng góp cho công ty đó như thế nào?
Dựa trên điều này, một thư xin việc rõ ràng, đầy thuyết phục sẽ là một điểm cộng cho CV của bạn. Cho dù bạn có CV nổi bật như thế nào nhưng thư xin việc không làm rõ mục đích ứng tuyển và giá trị bạn sẽ mang lại công ty thì khả năng trượt của bạn khá cao đấy.
Tại sao bạn nên có một bản CV tiếng Anh?
Nếu bạn đã có một bản CV tiếng Anh thì đấy là điều cực kỳ tốt. Còn nếu bạn chưa có thì mình khuyên bạn nên làm ngay nó bây giờ. Có một bản CV tiếng Anh sẵn sàng trong tay luôn luôn có lợi bất kể bạn mới ra trường hay đã đi làm nhiều năm. Bởi vì một xu hướng nổi lên hiện nay đó là các nhà tuyển dụng rất muốn xem CV tiếng Anh của bạn, một phần vì tính chất công việc cần tiếng Anh, nhưng một phần khác là họ muốn kiểm tra khả năng ngoại ngữ của bạn.
Thêm nữa, càng ngày Việt Nam càng hội nhập, nhiều công ty nước ngoài xuất hiện và các công ty Việt Nam cũng mở rộng ra thị trường nước ngoài. Bạn cũng có nhiều cơ hội ứng tuyển cho công ty nước ngoài và làm từ xa cho họ, chứ không nhất thiết phải sang tận bên đó để đi làm. Cơ hội là không giới hạn cho tất cả mọi người.
3 thứ cần làm trước khi viết CV tiếng Anh
Trước khi bắt tay vào viết CV, bạn cần lưu ý một số vấn đề này nhé. Đừng vội vàng mở ngay Word để tạo CV mà hãy dành thời gian nghiên cứu trước:
- Đọc kỹ bản mô tả công việc của vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Hiểu rõ trách nhiệm công việc, yếu tố nào để có được thành công ở vị trí này và các kỹ năng bạn cần có để trúng tuyển là gì. Sau đó, liệt kê ra những kinh nghiệm/kỹ năng bạn có mà phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nên lựa chọn các cụm từ quan trọng/từ khóa (đặc biệt là từ ngữ chuyên môn gắn liền với ngành) mà thể hiện được sự phù hợp và làm nổi bật chính bạn để đưa vào CV.
- Hiểu rõ mức độ kinh nghiệm của bạn (entry level – ít kinh nghiệm/chưa có kinh nghiệm, middle level – kinh nghiệm/kỹ năng ở mức độ vừa, senior level – cấp cao, chuyên sâu hay executive level – cấp độ điều hành). Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ mình nên sắp xếp nội dung trong CV theo thứ tự như thế nào. Chẳng hạn, nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc ít kinh nghiệm, không liên quan đến vị trí nhưng học vấn của bạn lại rất liên quan thì bạn nên để học vấn lên trước kinh nghiệm làm việc.
- Xây dựng một checklist tất cả những việc cần làm để sau khi viết CV xong bạn kiểm tra lại. Checklist nên bao gồm những câu hỏi như: Đã sử dụng font đúng chưa? Đã thêm tên/email/số điện thoại chưa? Email đã chuyên nghiệp chưa? Đã liệt kê kinh nghiệm theo thứ tự thời gian chưa? Có chỗ nào sai ngữ pháp không? Có bị lỗi đánh máy không?…
Sau khi đã hoàn thành xong 3 điều này thì bạn có thể bắt tay vào viết CV bằng tiếng Anh rồi.
Cơ bản về cách viết CV tiếng Anh
Một bản CV tiếng Anh được tổ chức tốt, trình bày rõ ràng, không có lỗi ngữ pháp và liên quan đến vị trí đang tuyển sẽ thu hút nhà tuyển dụng ngay lập tức. CV cũng nên được thiết kế sao cho làm nổi bật những điểm mạnh của bạn. Dưới đây là một vài tip mình thường áp dụng khi viết CV tiếng Anh.
1. Lựa chọn định dạng hợp lý cho CV
Một số nhà tuyển dụng sẽ ghi rõ font chữ yêu cầu cho CV trong bản mô tả công việc. Nhưng đa phần, bạn sẽ không nhìn thấy yêu cầu này. Tự bạn phải biết cách chọn font chữ phù hợp cho CV của bạn.
Thử tưởng tượng bạn đang nộp đơn ứng tuyển cho một vị trí mà có 249 người khác cũng đang chuẩn gửi bị CV cho vị trí đó. Nhà tuyển dụng sẽ phải review 250 hồ sơ này. Họ có đủ thời gian để đọc kỹ từng hồ sơ không? Chắc chắn là không, và kể cả có thời gian, họ cũng sẽ không làm như vậy.
Bạn cần nhớ nhà tuyển dụng chỉ dành 6 giây để “quét” mỗi CV. Thế nên, ấn tượng ban đầu là vô cùng quan trọng. Nếu bạn tạo một CV mà rõ ràng, được tổ chức hợp lý, gọn ghẽ thì bạn sẽ giúp họ lướt nhanh qua được những điểm chính trong hồ sơ của bạn. Nếu CV của bạn chữ nào cũng khít nhau, hoặc font chữ khó đọc, dễ làm mỏi mắt thì chắc chắn là họ sẽ không dừng lâu ở CV của bạn đâu.
Thông thường, một CV sẽ bao gồm các phần được sắp xếp theo thứ tự như thế này:
- Tiêu đề CV với các thông tin về tên, email, số điện thoại, địa chỉ của bạn.
- Objective hoặc summary (mục tiêu nghề nghiệp hoặc tóm tắt bản thân).
- Work experience (kinh nghiệm làm việc).
- Education background (nền tảng học vấn).
- Skills (kỹ năng).
- Referee (người tham khảo).
Lưu ý: Như mình đã nói ở trên, nếu bạn mới ra trường và chưa có kinh nghiệm đi làm thì bạn nên nói rõ trong phần summary/objective và đừng đưa kinh nghiệm làm việc vào nhé. Đồng thời, chú ý làm nổi bật nền tảng học vấn của bạn sao cho liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Bạn có thể áp dụng cách định dạng CV như sau:
- Căn lề 1 inch cho tất cả các phía (trên, dưới, trái, phải).
- Dãn dòng 1.0 hoặc 1.15 line.
- Kích thước font chữ: 12pt.
- Font chữ: Time News Roman, Calibri, Cambria, Helvetica, Georgia, hoặc Verdana.
- Chia CV thành các heading theo thứ tự như đã nói ở trên.
- Kích thước font chữ cho các heading lớn hơn phần nội dung.
- Sử dụng bullet point để liệt kê nội dung.
- Để trống một dòng trước và sau mỗi heading.
- Không đưa ảnh vào CV. Trừ khi có yêu cầu trong bản mô tả công việc hoặc một số vị trí đặc biệt khác.
- Lưu CV dưới dạng file PDF.
2. Phần thông tin liên hệ
Thông tin cá nhân của bạn nên đặt ở đầu CV, thường bao gồm:
- Tên đầy đủ
- Vị trí ứng tuyển
- Địa chỉ email
- Số điện thoại
- LinkedIn profile
- Địa chỉ nhà
2. Summary hoặc objective hoặc personal statement
Phần này nên viết ngắn gọn và trong một đoạn văn. Nó giống như “trailer” cho các nội dung tiếp theo trong CV của bạn vậy. Do vậy, bạn nên lựa chọn các từ ngữ thật phù hợp để làm nổi bật chính mình.
- Nếu bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc liên quan, hãy viết mục tiêu theo hướng làm nổi bật thành tích trong việc mà bạn đã đạt được.
- Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc có ít thì hãy tóm tắt các kỹ năng mà bạn đã thành thục và dựa trên chúng, bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển như thế nào.
Cho dù bạn thuộc nhóm nào thì cũng đừng tập trung vào điều mà bạn sẽ đạt được từ việc nhận được vị trí này. Đừng chỉ đơn thuần nói With these skills, my objective is to become a Marketing Manager of your company after three years (Với những kỹ năng này, mục tiêu của tôi là trở thành Marketing Manager cho công ty của bạn sau 3 năm). Thay vào đó, nên nhấn mạnh tới những gì mà bạn sẽ mang đến cho công ty.
Chẳng hạn, đây là một bản tóm tắt tốt cho vị trí chăm sóc khách hàng:

Ngắn gọn trong khi vẫn nhấn mạnh vào giá trị có thể đóng góp (improve KPIS at Prescott Global).
3. Kinh nghiệm làm việc (Work experience)
- Bắt đầu với công việc hiện tại hoặc gần đây nhất
- Liệt kê các công việc tiếp theo theo thứ tự lùi thời gian.
- Với mỗi công việc, liệt kê: chức danh/vị trí của bạn, tên công ty, thời gian làm việc + tối đa 5 bullet points giải thích trách nhiệm/thành tích của bạn.
- Chất lượng hơn số lượng, đừng liệt kê quá nhiều mà chỉ nên tập trung vào những trách nhiệm quan trọng, liên quan, nổi bật.
4. Nền tảng học vấn (Education background)
Bạn chỉ nên liệt kê bằng trung cấp trở lên, không nên đưa vào thông tin về trường trung học, trừ khi được yêu cầu hoặc bạn đang nộp hồ sơ xin học bổng.
Định dạng phần nền tảng học vấn như sau:
- Năm tốt nghiệp (nếu bạn vẫn đang học thì ghi rõ năm tốt nghiệp dự kiến)
- Bằng cấp
- Tên trường/tổ chức giáo dục
- Điểm GPA/danh hiệu
Nên liệt kê theo thứ tự thời gian, cái gần nhất trước, cái đã tốt nghiệp lâu rồi để sau, tương tự như lúc viết kinh nghiệm làm việc.
5. Kỹ năng (Skills)
Kỹ năng có hai loại là kỹ năng cứng (hard skill) và kỹ năng mềm (soft skill):
- Hard skill: Chính là kỹ năng chuyên môn của bạn. Cái này mang tính đặc trưng cho từng ngành nghề.
- Soft skill: Kỹ năng thường không gắn liền với một ngành nghề cụ thể nào cả, chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, đồng cảm, lắng nghe chủ động… Các kỹ năng này nói chung là các kỹ năng có thể chuyển đổi được (Transferable skills).
Trên CV, hard skill là điều bạn có thể làm (what). Soft skill ám chỉ bạn sẽ thực hiện trách nhiệm của mình như thế nào (how).
- Nếu bạn chỉ liệt kê soft skill, công ty có thể đánh giá bạn là một người “tốt” nhưng không thỏa mãn với vị trí nào cả.
- Nếu bạn chỉ liệt kê hard skill, công ty có thể đánh giá bạn như là một chú robot và khó hòa hợp với môi trường làm việc.
Các soft skill quan trọng gồm:
- Communication
- Ability to Work Under Pressure
- Decision Making
- Time Management
- Self-motivation
- Conflict Resolution
- Leadership
- Adaptability
- Teamwork
- Creativity
- Problem-solving
- Emotional Intelligence
- Organization
- Active Listening
Các lưu ý khi trình bày phần kỹ năng:
- Viết dưới dạng bullet.
- Không bê nguyên xi các kỹ năng yêu cầu trong mô tả công việc vào CV.
- Đảm bảo các kỹ năng liên quan tới vị trí đang ứng tuyển
- Kỹ năng cần cụ thể, tránh viết chung chung. Chẳng hạn nên viết written and verbal communication, thay vì good communication.
- Chia ra skill ra các nhóm, thường là hard skill và soft skill.
- Không liệt kê quá 10 kỹ năng.
- Có thể chia ra mức độ thành thạo theo Advanced, Intermediate hay Basic.
6. Các phần khác (Additional information)
Nếu bạn đã tham gia vào nhiều hoạt động mà có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển nhưng không phù hợp để đưa vào các phần trên thì bạn có thể tổng hợp chúng và đưa vào mục Additional information. Ví dụ:
- Giải thưởng, giấy chứng nhận
- Các tạp chí đã đăng
- Hội thảo đã tham dự
- Các chứng chỉ đào tạo, khóa huấn luyện khác
7. Người liên hệ (Reference)
Người liên hệ hay còn gọi là người tham khảo, là người mà nhà tuyển dụng có thể liên lạc để xác minh các thông tin về bạn mà bạn đã ghi trong CV.
Theo kinh nghiệm của mình thì thường mình sẽ chỉ ghi Reference available upon request (người liên hệ sẽ được cung cấp khi có yêu cầu) vì nó là thông tin cá nhân của một người khác, không nên công khai như vậy. Không chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ gọi xác nhận, nhưng dù họ có gọi hay không thì thông tin cá nhân của người liên hệ cũng đã bị chuyển giao cho ít nhất một bên khác. Thế nên, mình hạn chế đưa vào.
Tuy nhiên, cũng tùy từng tình huống mà bạn nên linh hoạt. Nếu mô tả công việc ghi rõ bạn cần cung cấp người liên hệ thì bạn nên đưa vào, hoặc tính chất công việc của bạn đòi hỏi phải được xác nhận bởi một người nào đó uy tín thì bạn cũng nên thêm thông tin người liên hệ. Mình nhấn mạnh, việc đưa vào phần này tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Các lỗi khi viết CV tiếng Anh
Các nhà tuyển dụng, đặc biệt là nhà tuyển dụng nước ngoài họ rất khắt khe khi lọc CV. Mình biết được điều này qua kinh nghiệm và từ chia sẻ của các thầy cô về nhân sự ở trường mình đang học (mình có học môn Human Resource ở trường).
Qua bản CV tiếng Anh của bạn, họ sẽ có thể đánh giá sơ qua liệu bạn có phải là người cẩn thận, chi tiết, chỉnh chu, gọn gàng hay không? Bạn có thực sự muốn làm ở vị trí đó hay không? Bạn dành bao nhiêu thời gian để viết ra một bản CV như vậy? Thế nên, đừng nghĩ rằng chỉ cần thành tích của bạn là đủ, cách bạn trình bày nó như thế nào cũng quan trọng không kém.

Theo một bản báo cáo gần đây của CareerBuilder, 10 lỗi khi viết CV có thể khiến bạn bị loại ngay lập tức là:
- Sai ngữ pháp, lỗi đánh máy (77%).
- Email thiếu chuyên nghiệp (35%).
- Thành tích không nổi bật, không đáng kể (34%).
- Viết thành đoạn văn thay vì sử dụng bullet point (25%).
- CV chung chung, không liên quan đến vị trí ứng tuyển (18%).
- Dài hơn 2 trang giấy (17%).
- Không có đính kèm cover letter (10%).
Ngoài ra, còn có một vài lỗi phổ biến khác khi viết CV bằng tiếng Anh mà mình đã quan sát được khi review CV giúp bạn bè mình và qua nghiên cứu:
1. Hình ảnh không phù hợp
Với đa phần các vị trí, nhà tuyển dụng nước ngoài không yêu cầu bạn phải đưa hình ảnh vào CV. Một lý do chính đó là đưa hình ảnh vào sẽ tạo ra một định kiến về phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo… Thế nên, tốt nhất bạn không nên chèn hình ảnh.
Có nhiều bạn đưa hình ảnh vào nhưng một sai lầm tệ hại đó là bạn lại dùng hình ảnh tự sướng, chụp ở một nơi nào đó đầy thơ mộng hoặc ăn mặc không phù hợp để cho vào CV. Cho dù bạn đang ứng tuyển vị trí diễn viên, thiết kế… thì cũng nên cẩn thận với việc sử dụng hình ảnh.
2. Format CV lộn xộn
In đậm, in nghiêng, viết hoa, gạch chân, sử dụng dấu ngoặc kép, mở ngoặc, đóng ngoặc, dùng nhiều font chữ… vô tổ chức – nhà tuyển dụng không hề hài lòng. Khi bạn làm như vậy nghĩa là bạn cũng đang thể hiện mình một cách thiếu chuyên nghiệp.
3. CV lòe loẹt
Sử dụng màu sắc lòe loẹt, thêm các hình ảnh/icon mục đích để làm CV thêm phần “rực rỡ”, nhưng chính nó có thể phản tác dụng. Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Designer, điều này có thể là cần thiết nhưng cần được thể hiện một cách hợp lý. Còn nếu bạn đang viết CV cho vị trí Accountant thì tốt nhất không nên làm CV trở thành “bảy sắc cầu vồng”.
4. Quá nhiều những thứ tốt đẹp nhưng không liên quan
Bạn có thể là một người vô cùng tốt, nhưng không vì thế mà bạn liệt kê hết chúng vào CV. Càng nói quá nhiều bạn càng dễ bị cuốn theo một chủ đề khác mà không liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
Thêm nữa, nếu bạn liệt kê quá nhiều những thành tích, kỹ năng thì khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi về những điều đó. Trừ khi bạn có bằng chứng chứng minh còn không thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn đấy.
Biết điều gì nên đưa vào và lược bỏ điều gì là kỹ năng rất quan trọng khi chuẩn bị hồ sơ xin việc.
5. Dùng từ đao to búa lớn
Một trong những nguyên tắc dùng từ khi viết CV tiếng Anh đó là từ ngữ nên cụ thể, mang tính hành động, mạnh mẽ và thể hiện giá trị (qua các con số), chẳng hạn advise, analyze, adjust, compare, conduct, construct, delegate, enhance, establish, examine, execute, gain, handel, generate, hire, host, increase, improvise, prevent, prioritise.
Bạn nên tránh sử dụng các từ ngữ mang tính chung chung, thiếu tính cụ thể, ví dụ super, great, expert, excellent. Đồng thời, cũng không nên viết dài dòng hay dùng các cụm từ dài lê thê trong khi chúng có thể hoàn toàn được thay thế bằng một từ ngắn gọn khác.
Chẳng hạn:
- Đừng viết be responsible for, mà hãy dùng handle/manage/achieve/accomplish.
- Đừng viết utilize, mà hãy dùng adopt/apply/promote/mobilize/restore/revive.
Ngoài ra, lặp từ cũng là một lỗi rất phổ biến khi viết CV bằng tiếng Anh. Lặp đi lặp lại một từ khiến nhà tuyển dụng dễ nhàm chán. Bạn nên dành thời gian lựa chọn từ ngữ để có một bản CV thật sự tốt nhất.
Các trang web tạo CV tiếng Anh
Một số trang web tốt để tạo CV tiếng Anh mà mình biết và/hoặc đã sử dụng là: Zety, Visual CV, Enhance CV, Canva. Phiên bản miễn phí có một số giới hạn, nếu bạn cảm thấy hữu ích thì có thể đầu tư để CV chuyên nghiệp hơn.
Các mẫu CV tiếng Anh chuẩn
Nếu bạn đang tìm một số mẫu CV tiếng Anh chuẩn để tham khảo thì bạn có thể tải về một số mẫu mà mình đã tổng hợp đây nhé: 10_Resume_Templates_for_Inspiration.
Tóm gọn lại:
- Muốn có một bản tiếng Anh tốt cần đầu tư rất nhiều thời gian cả về từ ngữ lẫn trình bày. Mỗi từ bạn đưa vào CV đều đóng góp vào việc thể hiện bản thân bạn trước nhà tuyển dụng nên hãy lựa chọn từ ngữ thật kỹ.
- Bất kỳ một lỗi nhỏ nào trong CV cũng có thể khiến bạn “bị loại ngay từ vòng gửi xe” nên hãy chắc chắn là bạn đã kiểm tra mọi thứ trước khi gửi đi.
- Bố cục của CV rất quan trọng để giúp nhà tuyển dụng dễ dàng “quét” được các điểm mạnh của bạn khi họ lọc hồ sơ.
- Nếu bạn mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm thì cũng đừng quá lo lắng. Chỉ cần biết cách trình bày trong CV là bạn cũng có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Hy vọng chia sẻ này có ích cho bạn. Nếu bạn đã có CV tiếng Anh như ý rồi thì hãy tự tin ứng tuyển vào các công ty nước ngoài bạn nhé. Cơ hội rất nhiều và nếu bạn thực sự quyết tâm thì bạn sẽ đạt được đó. Chúc bạn thành công!
Ảnh đầu bài: Emma Matthews
Cảm ơn bạn. Bài viết rất hữu ích, rõ ràng và dễ hiểu.
Link tổng hợp “10_Resume_Templates_for_Inspiration” đã bị lỗi, không tải được. Nhờ bạn update lại với.
Chúc bạn cuối tuần vui vẻ.