Ngày xưa mình cứ nghĩ rằng muốn học về marketing thì phải đi vào trường lớp rồi tham gia hết khoá học này đến hội thảo khác. Nhưng dần dần mình phát hiện ra những cách này tốt nhưng chưa chắc đã là con đường duy nhất để học về marketing. Mỗi người có một phương pháp học và bí quyết khác nhau, với mình thì Twitter là một kho tàng cực kỳ lớn để học tập và phát triển — khi bạn biết sử dụng nó đúng cách.
Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến bạn cách sử dụng Twitter cho việc rèn luyện kỹ năng và nâng cao kiến thức. Tất cả những gì mình chia sẻ trong bài này là những gì mình đã và đang áp dụng, và chính chúng đã giúp mình từ chỗ không biết gì về marketing và content thành một content writer rồi làm freelance và bây giờ là email marketer.
Nếu bạn thực sự hứng thú với marketing và kiên trì đào sâu học hỏi thì chắc chắn Twitter cực kỳ hữu ích với bạn đó.
Twitter là gì?
Twitter là một mạng xã hội tương tự như Facebook, Instagram, LinkedIn, hay TikTok. Về cơ bản thì trên Twitter, bạn cũng có thể chia sẻ suy nghĩ, follow người khác, like, rồi comment vào chia sẻ của người khác. Theo số liệu mới nhất của We Are Social, Twitter hiện có 436 triệu người dùng và 3 nước sử dụng Twitter nhiều nhất đó là Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Trên Twitter, bạn có thể đăng nội dung (gọi là tweet) hoặc chia sẻ lại nội dung người khác đăng (gọi là retweet), bookmark lại những nội dung bạn yêu thích và tạo list cho những chủ đề bạn quan tâm. Mình sẽ nói thêm về cách tối ưu sử dụng các tính năng này ở phần sau.
Nếu là một phép so sánh nho nhỏ thì như thế này:
- Facebook là mạng xã hội dành cho tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp, mọi hoạt động, kiểu dạng “lẩu thập cẩm”.
- Instagram là mạng xã hội thiên về chia sẻ hình ảnh, khoảnh khắc dưới dạng hình ảnh, phổ biến trong lĩnh vực ăn uống, thời trang, thẩm mỹ, thiết kế, nhiếp ảnh.
- TikTok là mạng xã hội rất phổ biến cho Gen Z (chắc nhiều bạn biết Gen Z là gì rồi ha) và có lẽ cả millennial nữa. Nội dung chia sẻ là các video ngắn, vui vẻ, nhảy, âm nhạc… dạng kiểu “good vibe”.
- LinkedIn là mạng xã hội dành cho người đi làm, thiên về “formal”. Trên LinkedIn, bạn có thể xây dựng hồ sơ cá nhân, marketing bản thân, kết nối với người làm cùng lĩnh vực, tạo network của riêng bạn, tìm kiếm việc làm, đăng tải tin tuyển dụng, vân vân và mây mây. Nói chung cứ nghĩ tới LinkdeIn là nghĩ tới “work” và “job”. Mình đã từng có bài viết về cách tìm việc trên LinkedIn rồi nè. 🙂
- Twitter thì có chút giống như LinkedIn, nhưng nó “less formal” hơn. Nó thoải mái hơn trong các nội dung đăng tải. Ví dụ, bạn có thể tự do chia sẻ ảnh tự sướng hay đồ ăn trên Twitter, nhưng trên LinkedIn? Không phù hợp lắm nha. Twitter cũng dành cho những người thích cập nhật tin tức nhanh và chia sẻ nhanh một thứ gì đó.
Vì sao mình thích Twitter?
Như bạn thấy ở trên, Twitter dường như không có điểm gì khác mấy với các mạng xã hội bạn đã biết. Tuy nhiên, Twitter lại là nơi vô cùng hữu ích để kết nối và học hỏi từ những người giỏi, đặc biệt nếu bạn đang làm trong lĩnh vực marketing hoặc đang có ý định mở business.
Mình thích Twitter bởi vì mình đang làm việc trong lĩnh vực ecommerce marketing (marketing trong lĩnh vực thương mại điện tử) và rất, rất nhiều ecommerce marketer cũng như business founders trên Twitter. Họ chia sẻ cực kỳ nhiều, từ kinh nghiệm xin việc cho tới các kỹ năng làm việc, những thử nghiệm rồi kỹ thuật họ sử dụng, vô số thứ trên nền tảng này. Mình follow những người làm cùng mảng và thường xuyên theo dõi họ, ghi chép lại những thứ hay ho và áp dụng trong công việc.
Mình học hỏi được nhiều thứ mới lạ bằng cách theo dõi các anh chị cùng ngành trên Twitter. Kể cả lúc mình mới bắt đầu bước vào freelance content marketing, mình cũng tìm kiếm những người đang làm freelance trên Twitter rồi lướt hết bảng tin của họ, xem họ đăng cái gì, chia sẻ nội dung gì, rồi chắt lọc áp dụng theo.
Tuy mất thời gian nhưng nỗ lực cực kỳ xứng đáng các bạn ạ. Họ chia sẻ nhiều lắm và hoàn toàn miễn phí nên dại gì mà chúng ta không khai thác đúng không nào? 🙂
3 tip sử dụng Twitter để phát triển kỹ năng
Bây giờ là 3 kỹ thuật mình sử dụng nhiều nhất và cực kỳ hiệu quả với mình để biến Twitter thành nơi học tập và phát triển bản thân nhé.
1. Định vị bản thân
Twitter cho phép bạn tạo một profile cá nhân, tương tự như tất cả các mạng xã hội khác. Cụ thể, bạn có thể tuỳ biến những cái dưới đây trên Twitter:
- Handle: Twitter handle của bạn chính là username, ví dụ handle của mình là @lavender_writers. Handle của bạn càng đơn giản và “duy nhất” với bạn thì càng làm cho người khác dễ tìm kiếm bạn. Khi bạn đăng ký tài khoản trên Twitter thì bạn sẽ được tạo handle này.
- Header: Ảnh cover cho profile của bạn. Mình khuyến khích để ảnh bìa liên quan đến máy tính hoặc công việc để tạo sự chuyên nghiệp cho profile. Hoặc nếu bạn đang làm business, thì bạn có thể để ảnh sản phẩm hoặc công ty của mình.
- Profile picture: Ảnh đại diện. Tương tự như header, nên để ảnh đại diện phù hợp.
- Bio: Bạn có thể viết một mô tả ngắn về bản thân, tối đa là 160 ký tự. Khuôn mẫu chung đó là nói về bạn đang làm gì, mối quan tâm hoặc bạn thường chia sẻ về cái gì.
- Website URL: Điền tên website của bạn nếu có.
- Birthday: Trước đây mình để nhưng sau ẩn đi vì thấy không cần thiết.
2. Theo dõi những người làm cùng lĩnh vực
Sau khi đã tạo tài khoản trên Twitter, bước tiếp theo bạn nên làm đó là theo dõi những người trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.
Mình lấy ví dụ, dạo này mình muốn học hỏi thêm về ecommerce email marketing. Mình sẽ bắt đầu như thế này:
Bước 1: Google “ecommerce email marketers to follow”. Google sẽ cho mình rất nhiều những gọi ý.
Mình click vào kết quả đầu tiên và thấy một danh sái 30 người nổi bật. Mình sẽ lướt qua họ và ai đó gây ấn tượng với mình thì mình sẽ tìm họ trên Twitter. Mình đã biết Samar Owais nên mình sẽ chọn chị ấy.
Bước 2: Vào Twitter và gõ tên Samar Owais vào ô tìm kiếm. Bạn sẽ thấy Twitter handle của chị ấy xuất hiện.
Click vào đó sẽ dẫn bạn tới profile của chị ấy như thế này.
Bước 3: Lướt feed của Samar và xem những gì chị ấy chia sẻ và retweet. Có gì hữu ích với bạn thì lưu lại bằng cách bookmark (1).
Hoặc bạn có thể retweet (2) để bài đăng hiện lên trang cá nhân của mình. Điều hay hơn nữa là khi lướt profile của người khác, bạn còn thể thấy họ share job nữa đó, như này này:
Bước 4: Click vào những người mà Samar đang follow và xem title của ai cũng làm trong lĩnh vực mình đang quan tâm thì follow họ.
3. Tweet và retweet
Nếu bạn học được gì thú vị hoặc biết điều gì hay, bạn có thể chia sẻ (tweet). Nhưng nếu bạn ngại thì bạn có thể retweet lại những bài đăng của mọi người.
Khi bạn retweet thì nó sẽ hiện ra trên trang của người khác. Điều này có nghĩa bạn giúp thêm nhiều người biết được kiến thức bổ ích mà bạn đã học được. Retweet cũng là một cách cực kỳ hay để thể hiện sự trân trọng (appreciation) tới người mà bạn follow — họ sẽ rất thích bạn retweet bài viết của họ đó.
Lưu ý khi sử dụng Twitter
Twitter hữu ích theo nhiều cách nhưng cũng có hai lưu ý mà bạn cần nhớ để tối ưu hoá thời gian khi lướt trên mạng xã hội này nhé:
1. Twitter sẽ hiển thị nội dung của những người mà những người bạn đã follow retweet (có thể hữu ích với bạn hoặc không) cũng như đề xuất các nội dung khác (phần lớn không hữu ích) cho bạn. Nhưng đừng vì thế mà cảm thấy khó chịu. Bỏ qua mấy cái này và chỉ tập trung vào những điều tích cực nha 😉
2. Rất nhiều người chia sẻ kiến thức hay trên Twitter. Họ có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng. Nhưng cũng có vài người kiểu học lỏm nơi này rồi đi chia sẻ như thể là của mình. Cũng có vài nội dung nghe rất hay nhưng thực ra thì chỉ mang tính lý thuyết không ứng dụng được. Vậy nên cần lựa chọn người theo dõi cũng như đọc và học có sự chắt lọc kỹ nhé.
Mình hy vọng các tip về sử dụng Twitter này giúp bạn tìm thêm được một cách học free mới 🙂 Cho mình biết nếu có ích với bạn nha.
Bài hướng dẫn rất chi tiết, dễ hiểu. Mình cũng vừa tạo 1 tài khoản trên Twitter để cập nhật, học hỏi những kiến thức mới.
Cảm ơn Vân Anh nhiều. Mong bạn có những bài viết chia sẻ nhiều hơn nữa về chủ để marketing nha.
Cám ơn bạn nhiều nha.