Ngày xưa, có một chiếc smartphone là mơ ước của mình. Nhìn thấy bạn bè xung quanh chat chít qua mạng xã hội rồi chụp ảnh selfi ảnh đẹp ơi là đẹp làm mình thích vô cùng. Mình quyết tâm ra trường đi làm cũng phải dành dụm để sắm một chiếc.
Chiếc smartphone đầu tiên của mình là Lumia 520. Mình nhớ hồi ấy mình mua khoảng hơn 3 triệu. Không quá xịn nhưng đủ các chức năng mà ngày xưa mình thấy bạn bè có: chụp ảnh đẹp, nhắn tin trên Facebook, cài thêm trò chơi, màn hình tin nhắn xịn hơn. Hết.
Đến năm 2017, mình bắt đầu chuyển sang dùng iPhone. Thời gian đầu, mình không dùng nó nhiều và cũng ít khi dành thời gian mày mò. Sau này đi làm phải đọc nhiều và tương tác nhiều trong công việc nên mình cài thêm các ứng dụng (app) khác để liên lạc cho thuận tiện. Nhưng chính điều đó cũng khiến mình cảm thấy đôi khi smartphone làm mình bị phân tán, mất tập trung và làm việc không hiệu quả.
Mình đã thử nhiều cách để quản lý chiếc điện thoại của mình thật tốt. Mình biết nó có ích nhưng không thể để nó ảnh hưởng đến cuộc sống và năng suất làm việc được. Thế rồi mình thử nghiệm nhiều cách và cuối cùng cũng rút ra được một giải pháp hợp lý nhất với bản thân. Đến bây giờ, chiếc iPhone này là người bạn không thể thiếu của mình nhưng mình không hề bị nó kiểm soát.
Bây giờ, mình sẽ chia sẻ cho bạn những gì mình học hỏi được từ những người khác và một số kinh nghiệm của mình để biến smartphone thành người bạn có ích nhé.
Lưu ý:
- Bài viết này chỉ áp dụng cho smartphone và điện thoại mình đang dùng là iPhone. Do vậy, một số hướng dẫn về kỹ thuật trong này có thể không áp dụng được nếu bạn đang dùng điện thoại chạy hệ điều hành Android.
- Tùy vào tính chất công việc, sở thích và mối quan tâm cá nhân mà cách mình áp dụng có thể không phù hợp với bạn. Ví dụ, nếu bạn làm công việc bán hàng thường xuyên phải liên lạc với khách thì bạn sẽ phải online liên tục và kiểm tra thông báo. Hay, nếu bạn thích du lịch và thích chia sẻ về món ăn thì có thể bạn sẽ dùng Instagram (mình thì không dùng).
Rồi, bây giờ hãy cùng xem thử nha.
Dọn dẹp tin nhắn
Cứ mỗi cuối tuần, mình sẽ dành thời gian để xóa các tin nhắn cũ, tin nhắn đã nhắn lâu rồi và tin nhắn quảng cáo.

Thông thường, với tin nhắn quảng cáo, mình sẽ xóa luôn khi nhìn thấy, nhưng đôi khi sót nên cuối tuần mình lại làm một lần nữa. Nguyên tắc này áp dụng cho cả tin nhắn SMS, tin nhắn Facebook Messenger, Zalo và WhatsApp – 3 ứng dụng nhắn tin nhắn mình đang sử dụng.
Dọn dẹp danh bạ điện thoại
Cụ thể, xóa hết các số không liên lạc được hay những người mình sẽ không liên lạc nữa trong danh bạ.
Chẳng hạn, lần trước mình đi hội nghị ở Ấn Độ có lưu số điện thoại của một số bạn nước ngoài để tiện liên lạc trong thời gian bên đó. Nhưng bây giờ mình thấy các số này không cần lưu nữa nên mình sẽ xóa đi.
Danh bạ của mình hiện tại chỉ có 40 số là những người mà mình kết nối thường xuyên nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mình chỉ có ngần ấy bạn bè, vì rất nhiều người khác mình giữ liên lạc qua Skype hoặc Facebook Messenger.
Dọn dẹp kho ảnh
Mình không phải là tín đồ selfie hay chụp ảnh nên điện thoại mình không có quá nhiều ảnh. Đấy cũng là lý do vì sao camera chụp ảnh mình không để trên màn hình chính.
Tuy nhiên, mình thường chụp màn hình chia sẻ những câu nói ý nghĩa khi đọc sách nên số lượng ảnh cũng tương đối. Vì vậy, lâu lâu mình lại mở kho ảnh kiểm tra và xóa bớt những hình ảnh không cần nữa. Điều này giúp giải phóng bộ nhớ và iPhone của mình cũng chạy nhẹ nhàng hơn.
Tắt thông báo
Các thông báo điện thoại có thể là những yếu tố gây xao nhãng tới sự chú tâm và hiệu quả làm việc của bạn. Chúng ngăn bạn không tập trung hoàn toàn vào thứ đang diễn ra hiện tại và khiến bạn phải để ý tới nó, cho dù chỉ là một chút xíu.
Thử tưởng tượng bạn đang nói chuyện với người bạn thân và đột nhiên, bạn nhận được một thông báo tin nhắn Zalo. Bạn không mở điện thoại và vẫn lắng nghe người đối diện nói nhưng liệu bạn có chắc chắn 100% bạn vẫn tập trung được như trước khi có thông báo không? Nhiều người không làm được như vậy.
Ngoài ra, còn có hai lý do khác tại sao bạn nên kiểm soát thông báo trên điện thoại nhé:
- Bộ não cần một sự tập trung chắc chắn, cao độ để có thể kích thích sự phát triển của chất myelin xung quanh các đường mòn thần kinh (neural pathway), giúp cho việc tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Điều này phản ánh tính mềm dẻo (brain plasticity) của bộ não. Tuy nhiên, nếu như bỗng nhiên bạn bị xao nhãng thì bạn sẽ không bao giờ có được đủ myelin để ghi nhớ và tiếp thu thông tin hiệu quả được.
- Các thông báo trên điện thoại có thể gây ra lo lắng, và lo lắng sẽ kéo theo các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim. Cái này không phải phóng đại đâu mà nó đã được chứng minh bởi rất nhiều nghiên cứu khoa học đó.
Với mình, mình tắt thông báo tất cả các ứng dụng điện thoại, kể cả thời tiết. Duy nhất mình chỉ để thông báo cho tin nhắn SMS và cuộc gọi nhỡ.
Làm việc này trên iPhone rất dễ. Bạn chỉ cần chạm vào biểu tượng bánh xe > kéo xuống chọn Notifications > chọn các ứng dụng bạn muốn tắt thông báo là được.

Không cài các app không cần thiết
Hồi trước khi mình bắt đầu ‘detox’ iPhone, mình tìm hiểu và xóa tất cả các app mình không cần dùng hoặc không dùng nữa. Mục đích là để giảm dung lượng bộ nhớ cho điện thoại, vừa để dành chỗ cho các ứng dụng cần thiết và làm cho màn hình smartphone gọn gàng hơn.
Có lần, một bạn ở công ty hỏi mình rằng “Sao cậu không cài Facebook trên điện thoại?”. Mình bảo mình chỉ cài Facebook Messenger vì mình có bạn liên lạc qua đó, còn Facebook app thì mình không cài vì mình thấy không cần thiết. Mình không lướt Facebook nhiều, mỗi lần cần dùng thì lại có máy tính rồi (vì mỗi lần viết là mình lại ngồi máy tính) nên nếu cần sẽ mở trên máy tính luôn.
Mình không cài Facebook cũng để những lúc đi ra ngoài và phải đứng chờ, mình sẽ không vào Facebook, lướt feed giết thời gian. Nhiều lần đứng chờ, mình thấy một số bạn thường cúi gằm mặt xuống lướt Facebook. Mình thì không muốn như vậy, mình muốn quan sát mọi người và nhìn xung quanh hơn.
Còn nữa, ở công ty mình có dùng hai ứng dụng là Slack và Trello để làm việc. Nhưng mình cũng lựa chọn không cài hai app đó lên điện thoại. Mình muốn về nhà không bị ảnh hưởng bởi công việc, chỉ dành thời gian để nghỉ ngơi và làm việc mình thích. Chỉ cài chúng trên máy tính thôi và khi nào làm việc mình mới mở ra.
Giữ màn hình chính gọn gàng
Màn hình chính là màn hình mà mình mở điện thoại sẽ luôn thấy nó đầu tiên. Thế nên, mình muốn nó thật gọn gàng, sạch sẽ. Mình không muốn có quá nhiều app trên màn hình này vì chúng sẽ che mất hình nền, mà mình thì lại rất thích nhìn thấy nó.

Như bạn thấy, màn hình chính điện thoại của mình sẽ chỉ gồm các ứng dụng căn bản rất cần thiết với mình:
- Điện thoại để liên lạc, gọi.
- Tin nhắn SMS.
- Bible: Vì mình thích đọc Kinh Thánh.
- Kindle: Đọc sách.
- Safari: Tra cứu trên Internet.
- OneNote: Ghi chú khi mình phát hiện điều gì đó hay ho.
- Gmail: Để kiểm tra email và gửi email khi cần.
- Drive: Quản lý dữ liệu, công việc.
Mình sắp xếp 4 ứng dụng đầu tiên ở thanh menu dưới màn hình và 4 ứng dụng sau ở hàng trên cùng. Phần giữa rất thoáng để ảnh cưới của vợ chồng mình rõ nét nhất.
Ủa? Vậy mình không dùng mạng xã hội sao? Ở trên mình bảo có dùng mà, thế chúng đâu rồi?
Mình có dùng chứ, đọc tiếp để xem chúng ở đâu nha.
Chuyển các ứng dụng mạng xã hội sang trang số hai
Để tránh không bị phân tán bởi mạng xã hội và hạn chế việc check chúng liên tục, mình chuyển hết tất cả các ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin khác sang màn hình thứ hai. Màn hình thứ hai là màn hình mình ít sử dụng và không nhìn thấy ngay mỗi lần mở điện thoại.

Bạn có thể tạo một thư mục (Folder) và nhóm hết các ứng dụng nhắn tin + mạng xã hội vào đó. Sau đó, bạn có thể đặt tên thư mục là ‘Social’ hoặc ‘Media’ cho dễ nhận biết. Có người thậm chí còn đặt là ‘Distraction’ cơ, để mỗi lần định chạm vào nó là lại suy nghĩ, ‘Gây xao nhãng à? Thế thôi, không dùng nữa.”
Vô hiệu hóa các yêu cầu đánh giá ứng dụng
Bạn đang mở một ứng dụng để làm việc và một lúc sau, ứng dụng yêu cầu bạn đưa ra đánh giá (Review). Đây có thể là một yếu tố gây mất tập trung, và cách đơn giản để loại bỏ nó là vô hiệu hóa đánh giá ứng dụng.
Để làm điều này, bạn bấm vào Settings > iTunes & App Stores > Tắt chức năng In-App Ratings & Reviews.

Thay thế Apple Maps với Google Maps
Suy đi tính lại mình thấy Google Maps vẫn tốt hơn rất nhiều so với Apple Maps. Thế nên mình đã xóa Apple Maps, sau đó, cài Google Maps lên điện thoại và thêm địa chỉ nhà, công ty vào.
Quan điểm của mình là smartphone, mạng xã hội hay các ứng dụng không có lỗi nếu bạn làm việc không tập trung hay cuộc sống gặp vấn đề này kia. Lỗi là ở chỗ bản thân mỗi người chưa có sự chủ động trong việc kiểm soát những thiết bị điện tử mình đang sử dụng. Nó đơn thuần chỉ là một công cụ, chứ không phải là sếp của bạn. Thế nên, hãy học cách quản lý nó trước khi bị nó làm chủ nhé.
Hy vọng những chia sẻ này của mình sẽ có ích cho bạn. Nếu bạn có bí quyết quản lý smartphone nào hữu ích khác thì đừng ngần ngại chia sẻ với mình nha.
Ảnh đầu bài: Jonas Lee
Sao dạo gần đây mình không thấy thông báo bài viết mới trên blog của bạn qua email nữa nhỉ?
Chào bạn, mình đã từng có thông báo về điều này trên blog đó. Vì Mailchimp yêu cầu trả tiền mới được sử dụng nên mình không dùng được dịch vụ này nữa. Bạn có thể theo dõi Facebook của mình để cập nhật bài viết mới bạn nhé. Cám ơn bạn nhiều nha.