Grammarly là một công cụ yêu thích để luyện viết tiếng Anh và đảm bảo bất cứ nội dung nào mình gửi đi cũng đạt chất lượng tốt nhất. Grammarly như một người bạn thân không thể thiếu của mình. Vì sao mình nói vậy?
Một ngày có 24 giờ thì phải đến 15-16 tiếng đồng hồ là mình làm việc với tiếng Anh, nghe nói đọc viết, đủ cả 4. Nhưng trong tất cả mình viết tiếng Anh nhiều nhất, thông qua việc viết copy, viết content, email với khách hàng, chat với team, lập plan, design… Đấy còn chưa kể tối đến mình lại ngồi viết freelance content cho các khách hàng nữa. Thế nên, lúc nào mình cũng bật Grammarly lên để chỉnh sửa nội dung và check lỗi.
Mình bắt đầu dùng Grammarly vào cuối năm 2018 khi chuyển sang làm việc Content Writer và Content Manager tại Beeketing. Một thời gian dài sử dụng nó mình đã rút ra được kha khá típ để tối ưu hoá công cụ này cho việc cải thiện kỹ năng viết của mình. Đồng thời, mình cũng nhận ra nó không hoàn hảo như mình hồi đầu đã nghĩ. Grammarly tốt nhưng phải thực sự biết cách sử dụng.
Vậy nên, hôm nay mình sẽ chia sẻ với bạn những gì mình đã biết và cách mình dùng Grammarly hỗ trợ cho việc viết lách content writing và email marketing nhé.
Grammarly là gì?
Nhiều bạn chắc đã biết Grammarly rồi nhưng mình cũng muốn giới thiệu qua phòng khi có bạn chưa biết.
Grammarly là một trợ lý viết lách ảo mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng để chỉnh sửa nội dung và luyện viết tiếng Anh. Nền tảng này hoạt động dựa trên hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nó học các quy tắc và phân tích khuôn mẫu của những bài viết xuất sắc, rồi dựa vào đó để đánh giá bài viết của bạn và đưa ra các đề xuất.
Ngoài ra, Grammarly cũng cho phép bản thân người dùng đưa ra các cách chỉnh sửa tốt hơn nếu thấy gợi ý của nó không ổn. Chính những cái này khiến cho thuật toán của nó ngày càng mạnh mẽ.
Lợi ích của Grammarly
Từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy Grammarly có các lợi ích sau:
1. Các đề xuất giúp bạn sửa lỗi chính tả và câu cú
Khi bạn đưa bài viết của mình lên Grammarly, những chỗ nào bạn viết sai từ, sai ngữ pháp, sai dấu câu… sẽ bị gạch chân màu đỏ (red). Nó cũng đề xuất cho bạn cách diễn đạt chính xác nữa. Nhờ đó, bạn dễ dàng nhận ra các từ, cụm từ, vị trí bạn viết sai và chỉ cần một click thôi là bạn đã sửa sai được.

Đây là tính năng mà mình cực kỳ thích ở Grammarly. Đôi khi viết cả bài hàng ngàn từ, việc gặp phải lỗi đánh vần (spelling), dùng sai thì, sai dấu câu là chuyện bình thường, mình vấp phải suốt. Trước đây, mình mất nhiều thời gian ngồi đọc đi đọc lại, soi từng câu. Kể cả làm thế vẫn bị sót lỗi. Nhưng khi có Grammarly thì mình tiết kiệm được nhiều thời gian hơn hẳn, chưa kể còn hạn chế được việc sót lỗi tới mức tối đa. Nói chung rất tiện lợi.
2. Các đề xuất giúp bài viết của bạn dễ hiểu hơn
Bên cạnh các đề xuất sửa lỗi chính tả, Grammarly cũng đưa ra các gợi ý giúp bài viết của bạn ý tứ trở nên rõ ràng (clarity), ngắn gọn (conciseness) và dễ đọc hơn (readibility). Các gợi ý này được biểu thị bằng các gạch dưới màu xanh da trời (blue).

Bạn cần hiểu thế này: một bài viết hay, sử dụng các từ chuẩn tiếng Anh rồi câu cú “hoành tráng” không có nghĩa là nó sẽ dễ đọc. Bài viết mà dùng câu cú càng phức tạp càng khó đọc, và càng khó đọc càng “kén” người đọc. Trong tiếng Anh, nếu bài viết của bạn mà khiến người đọc không hiểu được thì chẳng mấy người thích. Trừ khi bạn làm trong lĩnh vực đặc thù, học thuật, còn không thì tất cả đều muốn đọc những thứ dễ đọc. Đây cũng là điều mà các công ty, khách hàng nước ngoài luôn muốn các writer của họ đạt được.
Viết dài dòng, loằng khoằng có thể dễ. Viết ngắn gọc, súc tích trong tiếng Anh không hề đơn giản.
Bạn muốn người ta đọc bài mình xong và “woww, everything makes sense”, chứ không muốn người ta đọc xong và phải “huh, I have no idea what all of these mean!”
Để tránh rơi vào tình huống này, sau khi viết xong bất cứ nội dung nào, mình sẽ copy vào Grammarly. Grammarly sẽ cho mình các gợi ý về những câu mà có thể khó đọc với đối tượng người đọc mà mình nhắm đến.
3. Các đề xuất về từ vựng và tăng sự hứng thú của người đọc
Một đoạn mà nhiều từ bị lặp lại hay sử dụng các cụm từ dài dòng trong khi có thể được thay thế bởi một từ ngắn gọn hơn. Những cái này có thể khiến người đọc mất hứng thú và cũng thể hiện cho người đọc thấy là khả năng viết của bạn vẫn còn yếu.
Khi bạn đưa bài vào Grammarly, nó sẽ cho bạn các đề xuất về từ vựng tốt hơn dưới dạng màu xanh lá cây (green). Ngoài ra, nếu phát hiện nhiều câu đơn liên tục, khiến đoạn văn đơn điệu, Grammarly cũng cho bạn gợi ý cách nối câu, thay đổi dạng câu để đoạn văn trở nên cuốn hút hơn.

4. Các đề xuất điều chỉnh giọng văn
Cái này quan trọng này. Mình lấy ví dụ, giọng điệu viết CV xin việc sẽ hoàn toàn khác với việc viết một bài blog. Một bên là lịch sự, mang tính chính thống (formal), và một bên là không chính thống (informal), đời thường (casual). Bạn không thể viết CV như đang kể chuyện được. Mỗi một cái sẽ đòi hỏi cách sử dụng từ, dấu câu, và cách diễn đạt khác nhau.
Grammarly sẽ dựa theo các thiết lập ban đầu của bạn (mục tiêu bài viết, đối tượng người đọc, giọng văn…) để đưa ra đề xuất điều chỉnh cho bạn. Nếu bạn chọn formal, nếu có một từ trong bài viết của bạn informal, nó sẽ gợi ý cho bạn một từ thay thế khác. Mình thường hay sử dụng tính năng này để đảm bảo email gửi cho khách hàng phải chuyên nghiệp, còn bài viết blog gửi khách hàng freelance thì phải dễ đọc, dễ hiểu, không dùng từ chuyên ngành, tiếng lóng.

5. Làm việc mọi lúc mọi nơi
Một lợi ích khác của Grammarly mà mình thấy khá tuyệt đó là nó hỗ trợ chỉnh sửa văn bản, nội dung trên rất nhiều phần mềm, nền tảng, bao gồm MS Word, email, Google Docs, Slack, LinkedIn, Twitter, PowerPoint, Chrome, Safari, Firefox, Android, và iOS. Điều này có nghĩa nếu đăng bài viết tiếng Anh trên Facebook, nó cũng giúp bạn sửa chữa câu cú.

Note: Nếu bạn muốn dùng tiện ích mở rộng để sửa lỗi khi viết email, đăng bài trên social media hay làm bất cứ thứ gì trên trình duyệt như mình thì bạn click vào đây để tải Grammarly cho Chrome về. Sau đó đăng nhập tài khoản Grammarly của bạn và thế là xong.
Giá của Grammarly
Grammarly có hai phiên bản: Miễn phí và trả phí.
Grammarly bản miễn phí giúp bạn sửa các lỗi cơ bản như ngữ pháp, đánh vần, dấu câu, giọng điệu, và sự rõ ràng. Nếu bạn đang luyện viết cơ bản thì mình nghĩ dùng Grammarly phiên bản miễn phí là đủ.
Grammarly phiên bản trả phí (Premium plan) bao gồm tất cả các tính năng ở phiên bản miễn phí, cộng thêm việc viết lại cả câu, gợi ý từ vựng, đề xuất về giọng văn, trích dẫn tài liệu,…
Grammarly Premium hiện đang giảm giá 20%, chỉ còn $9.6 USD/tháng (khoảng 220.000 VNĐ/tháng), tương đương $115.2/năm (khoảng 2.650.000 VNĐ/năm). Nếu bạn đang là writer (content writer, freelance writer,…), content manager, marketer… viết tiếng Anh hoặc có kỹ năng viết tốt và định hướng làm writer thì bản Premium sẽ là sự đầu tư xứng đáng.
Cách cài đặt Grammarly
Grammarly hỗ trợ gần như tất cả các thiết bị, điện thoại lẫn máy tính. Android, Mac, iPhone, iPad, tiện ích mở rộng cho Chrome cũng có. Hiện tại mình đang dùng Grammarly phiên bản web và Grammarly cho Chrome.
Sau khi bạn tạo tài khoản và đăng nhập thì bạn sẽ nhìn thấy một giao diện như thế này. Mình rất thích giao diện đơn giản này vì nó cho mình sự tập trung, mình không bị phân tán bởi những thứ khác. Mở nó ra là chỉ nhìn thấy các bài viết và click New là bắt đầu sử dụng.

Một giao diện Grammarly sẽ có content editor ở phía bên phải, nơi mà bạn sẽ copy paste nội dung mình muốn chỉnh sửa vào. Các gợi ý sẽ hiển thị ở cột All suggestions. Cần chú ý ở cột Assistant ở bên phải:
1. Overall score (tổng điểm)
Cái này đo lường chất lượng bài viết của bạn. Cao nhất là 100. Bài viết càng tốt thì điểm càng cao.
Khi click vào Overall score, bạn sẽ nhìn thấy một hộp thoại như dưới đây. Tại đây bạn sẽ nhìn thấy số lượng từ, mất bao lâu để đọc và nghe bài viết của bạn, rồi độ dễ đọc dễ hiểu (readability). Cuối hộp thoại, Grammarly cũng hiển thị một text nhỏ cho biết với bài viết hiện tại thì sẽ dễ đọc, dễ hiểu bởi đối tượng nào. Nên cố gắng đạt readability score ít nhất 60-70 điểm.

2. Goals (mục tiêu)
Thiết lập goal rất quan trọng vì nó quyết định cách mà bạn muốn Grammarly sẽ đề xuất gợi ý cho bạn.

Domain: Nội dung/bài viết của bạn thuộc lĩnh vực gì. Học thuật (academic), kinh doanh (business), email, casual (đời thường) hay là sáng tạo (creative).
Intent: Mục đích nội dung/bài viết. Là để cho người đọc biết một nội dung/thông tin gì đó (inform), hay là để mô tả (describe), thuyết phục (convince) hay là kể một câu chuyện (tell a story).
Audience: Đối tượng người đọc của bạn là ai. Phổ thông, tất cả mọi người không phân biệt trình độ (General), hay người hiểu biết, có kiến thức (knowledeable), hay các chuyên gia, người có chuyên môn (expert).
Formality: Mức độ trang trọng của nội dung. Không trang trọng, ngôn ngữ đời thường, có thể dùng tiếng lóng (informal) hay chung chung, không quá trang trọng (neutral) hay trang trọng (formal).
Bạn cần thiết lập goal phù hợp với nội dung bạn cần chỉnh sửa để đảm bảo nhận được các gợi ý hợp lý nhé.
Ngoài hai cái này thì cột bên phải cũng có các chỉ số như sau:
- Corectness: Độ chính xác.
- Clarity: Độ rõ ràng.
- Engagement: Độ hấp dẫn, tạo hứng thú cho người đọc.
- Delivery: Cách truyền tải (tự tin, trang trọng, lịch sự?)
- Style guide: Có khớp với hướng dẫn về phong cách viết đã thiết lập không. Cái này bạn không cần quan tâm lắm vì tính năng này chỉ có sẵn cho bản Grammarly Business.
3. Kiểm tra đạo văn với Grammarly
Nếu bạn muốn kiểm tra đạo văn với Grammarly, bạn chỉ cần click vào Plagiarism. Gần như ngay lập tức, chỗ nào mà bị trùng lặp (đã xuất hiện ở trên Internet) thì Grammarly sẽ đánh dấu như dưới đây cho bạn.

Có các câu giống là điều không thể tránh khỏi. Ví dụ như bất cứ ai đều có thể viết “Today, I want to walk you through everything you need to know about…”. Cách diễn đạt này quá phổ biến, nhưng Grammarly đôi khi cũng đánh dấu nó là bị trùng lặp. Mình thường không sửa theo các đề xuất kiểu này. Mình chỉ tập trung vào các chỗ mà quá đặc thù cho bài viết. Nếu ý tứ mà quá giống thì mình xem lại.
Dẫu vậy, hãy kiểm tra tất cả các đề xuất của Grammarly và đối chiếu để đảm bảo chắc chắn là bài viết của bạn có tính nguyên gốc ít nhất 85% nhé. Vì các công ty nước ngoài có thể dùng các phần mềm kiểm tra đạo văn chuyên nghiệp nên nếu không cẩn thận, bài viết của bạn có thể bị đánh dấu đạo văn, dù bạn đã “pass” đạo văn của Grammarly.
Rồi, vậy là bạn đã hiểu gần như mọi thứ về Grammarly. Bây giờ đến lúc đi vào làm thế nào để sử dụng nó một cách đúng đắn.
Tip sử dụng Grammarly đúng cách
Dùng Grammarly là một chuyện, dùng nó đúng cách lại là chuyện khác. Dưới đây là một vài tip và kinh nghiệm của mình bạn có thể tham khảo.
1. Luôn nhớ rằng Grammarly chỉ là một công cụ
Dù bạn có thấy Grammarly tuyệt vời đến thế nào thì sau cùng nó cũng chỉ là một công cụ.
Nó dựa vào việc học hỏi các dữ liệu mà con người đưa vào nên mức độ chính xác của nó không phải là 100%. Nó không hiểu được đối tượng người đọc của bạn (ngoài các setup bạn thiết lập). Nó không hiểu được bối cảnh. Nó không hiểu được khách hàng hay sếp của bạn muốn bài viết của bạn phải như thế nào. Nó cũng không thể truyền cảm xúc của bạn vào bài viết được.
Do vậy, đừng quá dựa dẫm vào Grammarly. Cho dù bài viết của bạn có đạt overall score 100 trên Grammarly thì cũng không chắc gì nó không có lỗi nào cả. Công nghệ luôn có sai sót và Grammarly cũng vậy.
2. Không nhất thiết phải chấp nhận mọi đề xuất của Grammarly
Grammarly hoạt động dựa trên trí thông minh nhân tạo và được tạo ra bởi người bản ngữ nên mọi đề xuất của nó luôn chính xác?
Không đâu. Sử dụng Grammarly nhiều năm liền và qua kinh nghiệm viết lách, mình nhận thấy các đề xuất của Grammarly đôi khi không chính xác, nếu không nói là “sai” và khá máy móc.
Ví dụ đôi khi mình viết “huge differences” nhưng Grammarly vẫn đề xuất mình đổi sang significant vì nói là từ “huge” hay bị lạm dụng, bị dùng quá nhiều rồi. Thực tế là bài mình chỉ có duy nhất mỗi chỗ đó dùng “huge.” Vậy nên, gợi ý này mình không chấp nhận.
Thứ hai, đôi khi bạn sử dụng một cách viết, một từ, một giọng điệu với chủ ý nhất định. Ví dụ, bạn viết “You don’t know what I mean?” Ý bạn ở đây là một câu hỏi cho đối phương, mặc dù dạng câu là câu trần thuật (statement). Nhưng Grammarly không hiểu được ý của bạn, nó sẽ đề xuất bạn loại bỏ dấu “?” vì dựa vào cấu trúc câu, nó cho đây không phải là câu hỏi. Trường hợp này bạn có thể bỏ qua đề xuất của nó.
Những người có kinh nghiệm viết lâu năm, khả năng viết tốt hoặc viết chuyên nghiệp thường rất ghét tính năng này của Grammarly. Vì họ viết có chủ ý, nhưng Grammarly thì không hiểu chủ ý của họ.
Do vậy, lời khuyên của mình là dùng Grammarly, nhưng cũng hãy bám lấy mục đích bài viết của bạn. Bạn viết với mục đích, muốn truyền tải điều gì, rồi dựa vào đó để chỉnh sửa bài viết.
3. Đọc lại nội dung sau khi đã chỉnh sửa với Grammarly
Sau khi mình chỉnh sửa với Grammarly, mình sẽ copy lại bài viết vào một file Word hoặc Google Docs và đọc lại. Việc đọc lại giúp mình kiểm tra câu từ, nội dung còn mạch lạc, có ý nghĩa không. Có chỗ nào mình còn bị lỗi không. Bởi vì như mình đã nói ở trên, Grammarly cũng hoàn toàn có thể có lỗi.
Ngoài ra, mình cũng thường chờ 1, 2 ngày sau đó nữa sẽ đọc lại bài viết thêm một lần trước khi chuyển đi cho khách hàng hoặc gửi sếp duyệt. Rời xa bài viết một thời gian sẽ giúp mình tâm trí mình tươi mới, thoải mái. Do vậy, khi đọc lại, mình có thể có thêm các ý tưởng mới để hoàn thiện bài viết hoặc nhận dạng các lỗi mà trước đó đã không nhận ra. Nếu được, bạn cũng có thể nhờ một người khác đọc hộ bài viết.
Tóm lại: Có nên mua Grammarly không?
Cá nhân mình thấy mua Grammarly là sự đầu tư rất xứng đáng. Mình tự tin nói rằng nếu không có Grammarly thì kỹ năng viết tiếng Anh của mình không thể tốt như bây giờ, và mình cũng có khó mà tìm được các khách hàng lớn. Grammarly giúp mình tự tin hơn khi viết lách và trong công việc hiện tại.
Nếu bạn muốn cải thiện bài viết, tăng sự tự tin khi làm việc với khách hàng, đồng nghiệp nước ngoài thì mình khuyên bạn có thể thử nghiệm Grammarly. Nhớ áp dụng các tip mình chia sẻ ở trên để tối ưu hoá việc sử dụng công cụ này nhé.
P/S: Bài viết có link affiliate (tiếp thị liên kết), mình sẽ nhận được hoa hồng từ Grammarly nếu bạn mua qua link mình đính kèm vào bài viết. Nhưng trải nghiệm dùng Grammarly là chân thực đến từ mình. Mình không đề xuất cho bạn thứ gì mà mình không sử dụng. Cám ơn bạn đã ủng hộ cho Form Your Soul để blog tiếp tục được hoạt động nhé. ❤️