Có một website bằng tiếng Anh là một trong những nền tảng cực kỳ lớn giúp mình có sự phát triển trong công việc freelance, có offer làm việc cho công ty nước ngoài, và mở rộng network của mình. Đây là cũng điều mà mình luôn khuyến khích các bạn đang làm freelance và muốn tìm job remote nước ngoài nên làm. Vì bản thân mình đã trải qua và có kinh nghiệm quý báu như vậy.
Vì sao lại cần một website? Bởi vì người nước ngoài họ cách bạn hàng trăm ngàn cây số, chưa gặp bạn bao giờ, khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, họ không có cơ sở gì vững chắc ngoài IELTS và tờ CV của bạn để đánh giá bạn. Nhưng nếu bạn có website, hoạt động mạnh mẽ trên LinkedIn, Twitter thì họ có thể dựa vào đó để xem xét sự phù hợp của bạn với vị trí họ đang tuyển.
Thêm nữa, khi bạn có website và tích cực chia sẻ nội dung trên trang web cũng như các nền tảng network, bạn đưa tên mình ra ngoài thế giới. Bạn khẳng định năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn của mình thông qua các bài viết. Bạn phản ánh phẩm chất công việc, thái độ của mình, “I’m what I say I am.”

Có bạn sẽ nói “ồ, mạng xã hội ảo lắm chị?” Ai chả đăng linh tinh lên rồi ai mà tin?” Đúng, nhưng nếu đó là bạn nói Facebook, Instagram hay TikTok. Đúng, nếu bạn chỉ đăng mấy thứ linh tinh, đùa cợt trên LinkedIn, Twitter. Nhưng nếu bạn là một người chuyên nghiệp, nghiêm túc với chuyện xây dựng thương hiệu của mình, và sử dụng website để tiếp cận với công ty bạn mơ ước thì những nền tảng này chính là vũ khí của bạn.

Không một ai nghiêm túc với tương lai, đam mê của mình mà đăng bài nhảm trên website công việc hay LinkedIn cả. Thậm chí, người ta còn coi chúng như là “át chủ bài” trong hệ thống xây dựng thương hiệu cá nhân của họ.
Mình đã phát hiện và củng cố thương hiệu cá nhân của mình như thế nào?
Không một ai dạy hay chỉ cho mình về việc mình phải phát triển thương hiệu cá nhân như thế nào.
Mình chỉ đơn giản là hiểu rõ bản thân thích viết lách nên từ sau khi ra trường thường tìm kiếm các trang web mà được đăng bài miễn phí. Một lần mình tìm thấy trang ReadZo (giờ không tồn tại nữa) và OhayTV nên mình tạo tài khoản trên đó, xây dựng hồ sơ và tích cực dịch, đăng bài lúc rảnh.
Không ngờ khi vào làm công ty META một thời gian ở vị trí nhân viên viết nội dung phần mềm, chị trưởng phòng vô tình đọc được các bài của mình trên hai trang đó nên nhắn tin riêng bảo mình là có muốn viết về những chủ đề đó cho công ty không? Chị sẽ để mình phụ trách nguyên mục Kỹ năng và Công việc trên trang Quản Trị Mạng. Mình bất ngờ quá vì đúng các chủ đề mình thích và nhận lời. Từ đó, mình không phải dịch game nữa mà chuyển sang tập trung vào Kỹ năng và Công việc. Chính cơ hội này đã giúp mình phát triển kỹ năng dịch rất nhanh vì mình có thời gian tìm hiểu nhiều hơn, đi sâu vào các bài viết “chất” hơn trước.
Vào năm 2017 mình lập blog Form Your Soul. Chủ yếu là để thoả mãn sở thích cá nhân. Mình viết về những chủ đề mình thích: cuộc sống, công việc, sống đơn giản, tích cực. Mình viết mà không có một ý niệm rằng nó sẽ có lợi cho mình lâu dài gì (ước gì mình đã biết thì mình sẽ đầu tư hơn ;)). Mình chỉ thích và tập trung làm.
Khi nghỉ công ty META và trong thời gian tìm việc. Mình nghĩ sao không đưa blog Form Your Soul vào CV nhỉ, cũng là một sản phẩm của mình mà. Mình đưa nó vào CV và khi đi phỏng vấn, anh giám đốc bảo có xem qua blog của mình và rất ấn tượng. Yay! Blog đã cho mình ghi điểm phải không? Mình vào làm Atomi ở vị trí Technical Writer, bước ngoặt đầu tiên chuyển sang mảng viết tiếng Anh hoàn toàn. Nếu không có blog đó, mình không chắc sẽ được nhận vì anh ấy nói ấn tượng với suy nghĩ, tư duy của mình.
Chuyển sang làm ở Cốc Cốc cũng vậy. Các đồng nghiệp trong phòng biết đến mình vớ tư cách là “chủ nhân của blog Form Your Soul.” Nó làm mình rất vui vì mình cảm thấy những gì mình viết lúc rảnh rỗi được mọi người đón nhận và họ cũng đọc. Mỗi thế thôi cũng làm mình thêm lạc quan, tích cực.
Cuối năm 2018, mình gia nhập Beeketing. Từ đây, mình tập trung nhiều vào network và kết nối với những người trong lĩnh vực content marketing trên thế giới. Mình tham gia nhiều hội nhóm, chia sẻ những gì mình biết và cũng email trao đổi qua lại với một số người. Đến cuối năm 2019, khi mình sang Úc đi học và bắt đầu gây dựng freelance business, mình biết chắc chắn mình cần có một website chuyên nghiệp. Đây là lý do mà lavenderwrites.com ra đời.
Qua kết nối với những người cùng ngành trước đây, mình nghiên cứu họ và nhận thấy ai cũng có một website riêng cho công việc. Trên đó, họ thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm, portfolio rồi còn thường xuyên đăng bài viết về lĩnh vực đó nữa. Họ cũng sử dụng các website đó để “show” ra trên Twitter, LinkedIn, trên các nền tảng network. Mình biết mình cần phải thử.
Mình dành rất nhiều thời gian để viết copy cho website của mình. Nghĩ rất nhiều về việc viết gì, dùng từ gì, và làm thế nào để “show” bản thân. Mình cũng đánh giá lại kỹ năng và định vị chính mình để khi một ai đó vào website, họ sẽ biết được ngay lập tức mình mạnh về cái gì, từ đó họ sẽ cảm thấy thuyết phục để sử dụng dịch vụ của mình. Mình định vị bản thân là Freelance Content Writer for Ecommerce and SaaS.
Bạn biết không, chính website này đã mang về cho mình rất nhiều tương tác, kết nối và các dự án làm việc đó. Mình để website ở chữ ký trong email rồi Twitter rồi LinkedIn, rồi mỗi lần ai hỏi portfolio là mình share cho họ website này. Họ chỉ cần vào đó là biết mình có thể giúp đỡ cho họ được gì. Khi họ vào Twitter và Linkedin, cũng thấy mình thường chia sẻ nhiều về content nữa nên họ càng khẳng định được năng lực của mình. Họ sẽ muốn tiếp cận.
Và cuối tuần vừa rồi, mình đặt mục tiêu định vị lại bản thân và thiết kế lại website. Lý do vì càng lấn sâu vào email marketing, mình càng yêu thích nó và biết đây chính là bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình. Mình định vị là Email Strategist cho Sustainable Ecommerce Brands (nôm na là các thương hiệu thhương mại điện tử vì lợi ích xã hội). Trong 3 ngày vừa rồi, mình dậy từ 4h sáng viết copy, thiết kế lại website, tranh thủ bất cứ lúc nào rảnh rỗi để làm web. Đến hôm nay mọi thứ đã hoàn thiện.

Xác định rõ ràng thương hiệu cá nhân của mình làm mình cực kỳ vui và tự tin cho những dự định tiếp theo.
Thương hiệu cá nhân (personal branding) là gì?
Trên mạng có rất nhiều bài viết về thương hiệu cá nhân, nhưng hầu hết chúng đều nói về “cách tạo thương hiệu cá nhân”, “cách hình thành thương hiệu cá nhân” hay “làm thế nào để có thương hiệu cá nhân.” Nhưng những cách dùng từ này không chính xác.
Thương hiệu cá nhân không phải là cố gắng “tạo ra” cái gì đó. Thương hiệu cá nhân là việc hiểu rõ bạn là ai (từ góc nhìn của bạn và góc nhìn của người khác), bạn làm cho mình khác biệt với những người khác như thế nào, có điều gì làm bạn nổi trội, và cách bạn sử dụng các điểm nổi bật đó để mang lại lợi ích, giá trị cho người khác.
Thương hiệu cá nhân không phải là bạn phải làm ra cái gì đó mới. Hay nghĩ có người có thương hiệu cá nhân có người không. Bạn đã có sẵn nó rồi, nhưng bạn cần tách nó ra, chắt lọc ra cái “tinh tuý” của bạn và phát triển nó, làm lớn mạnh nó lên, biến nó thành cái mà người ta dùng để nhận dạng bạn. Ai cũng có thương hiệu cá nhân, vấn đề là bạn cần phải “khai quật” nó ra mới được.
Thương hiệu cá nhân cũng không phải phản ánh qua việc đăng thật nhiều ảnh trên Instagram, rồi phải biết tạo dáng, hát hay, thân hình đẹp, ăn mặc thời trang… Những cái này có thể đúng với người làm trong lĩnh vực này, nhưng bạn không cần phải làm vậy thì mới làm rõ được thương hiệu cá nhân của bạn.
Thương hiệu cá nhân cũng không phải đơn giản chỉ là tập trung vào mỗi bản thân bạn. Lúc nào cũng “tôi”, “tôi”, và “tôi.” Thương hiệu cá nhân còn ở việc kết nối với người khác và làm lợi cho người khác, từ đó làm cho bản thân có sự nhận dạng, nổi bật.
Thương hiệu cá nhân cũng không phải là dùng từ ngữ màu mè để mô tả về mình, ví dụ như anh này có thương hiệu cá nhân vì anh đó “tự tin, ăn mặc bảnh bao, làm giám đốc…” Thương hiệu cá nhân là:
- Nỗ lực xây dựng, phát triển, và trau dồi điểm mạnh, kỹ năng và các cách thức của bản thân để tạo ra giá trị và kết nối chúng lại với nhau để chúng trở thành một điểm nổi bật ở bạn.
- Nhận dạng các kỹ năng của bản thân có thể đóng góp cho điều gì, hay nói cách khác bạn đang giúp người khác giải quyết vấn đề gì từ những gì mà mình đang có.
- Chia sẻ các giá trị nổi bật của bản thân thông qua những câu chuyện, nội dung trên website, bài đăng trên LinekdIn… Cách bạn thể hiện bản thân mình trong những cuộc trò chuyện, phỏng vấn…
Nghe khó hiểu không? Mình lấy ví dụ nhé.
Nếu bạn là một nhân viên kế toán rất chủ động trong công việc. Bạn tích cực cập nhật thông tin, cải thiện kỹ năng làm việc, mở mang các kiến thức của bản thân, đồng thời chia sẻ nó trên Facebook rồi website cá nhân. Bạn không ngừng học đồng thời truyền tải lại cái đã học được cho người chưa biết. Lâu dần ngừoi ta nghĩ đến bạn là nghĩ đến những bài viết đầy chân thực về nghề kế toán, các cập nhật mới nhất về nghề, rồi kinh nghiệm thực tế trong công việc. Bạn khai thác điểm mạnh của mình, biến nó thành giá trị và chia sẻ giá trị đó cho người phù hợp. Đó chính là thương hiệu cá nhân của bạn.
Tại sao thương hiệu cá nhân lại quan trọng để tìm kiếm công việc nước ngoài?
Mình rất thích câu nói này của cô Khatija Qureshi, một chiến lược gia về mạng xã hội:
“Có thương hiệu cá nhân là điều bắt buộc cho bất cứ một người tìm việc nào. Nó cho bạn NGUỒN NĂNG LỰC để làm bản thân nổi bật và kết nối với các nhà tuyển dụng trên thị trường mà chỉ có 20% việc làm được đăng tải và 80% là bị ẩn đi.”
Shireen Jaffer, CEO của Edvo, một hệ thống mạng lưới tiêu chuẩn phục vụ cho truyền tải dữ liệu không dây cũng chia sẻ kinh nghiệm của cô như thế này:
“Một lợi ích của thương hiệu cá nhân mà không ai nhắc tới đó là nó giúp bạn tự tin hơn về câu chuyện của riêng mình.
Tôi đã làm việc với rất nhiều người tìm việc và nhận thấy người có thương hiệu cá nhân thông qua việc biết cách viết mô tả về bản thân trên hồ sơ LinkedIn, họ rõ ràng về điều phải nói trong các buổi phỏng vấn, trong khi đi networking, hay bất cứ lúc nào có người hỏi “nói cho tôi về bản thân bạn.”
Bạn càng rõ ràng về những kỹ năng bạn có và những giá trị bạn có thể cho đi thì bạn càng rõ ràng về chính mình và bạn càng tự tin hơn nữa.”
Tip xây dựng thương hiệu cá nhân cho bạn
Dưới trên là một vài kinh nghiệm của mình bạn có thể tham khảo để tìm ra thương hiệu cá nhân của riêng bạn và phát triển nó.
1. Nghĩ xem bạn có thể chia sẻ điều gì mà có ích cho người khác?
Không nhất thiết bạn phải đang làm một ngành nghề gì đó cụ thể thì mới chia sẻ được cho người khác.
Nếu bạn là kế toán, nghĩ xem bạn đã học hỏi được kỹ năng, kinh nghiệm gì mà có thể nhiều người chưa biết hoặc biết rồi vẫn vấp phải.
Nếu bạn đang làm IT, nghĩ xem có thủ thuật hay thứ gì đó bạn vừa học được mà bạn muốn chia sẻ.
Nếu bạn có niềm đam mê với sống khoẻ, dinh dưỡng, sống lành mạnh, bạn có thể tìm hiểu sâu về mảng này và chia sẻ cho mọi người.
Định vị đối tượng bạn đọc, là người mới đi làm, là người có level vừa vừa muốn phát triển hơn, là người không biết tiếng Anh nhưng muốn tiếp cận với nguồn kiến thức quốc tế, là người bận rộn nhưng muốn sống lành mạnh… Không nhất thiết phải viết cho tất cả mọi người, có một nhóm nhỏ độc giả nhưng yêu thích những giá trị bạn mang lại cũng đủ tốt.
Không nên nghĩ là “à, nhan nhản thông tin kế toán trên mạng rồi, mình chia sẻ làm gì, ai đọc?” Không đâu, ngày xưa mình cũng nghĩ thế, nhưng mình vẫn quyết định lập blog Form Your Soul nói về các chủ đề quen thuộc. Nhưng chính hành trình làm blog giúp mình nhận ra dù cùng một câu chuyện, nhưng mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau. Khi bạn chia sẻ dưới góc nhìn của bản thân thì nó sẽ làm nội dung trở nên khác biệt. Hơn nữa, bạn thấy đấy dù đã được nói nhiều lần mà có nhiều thứ, ai ai cũng vấp phải đấy thôi. Nên đừng ngại là chủ đề quen thuộc. Dưới góc nhìn và câu từ của bạn thì nó sẽ khác.
2. Xây dựng hồ sơ trên LinkedIn và thường xuyên đăng bài
Bạn đang muốn được làm việc cho công ty nước ngoài hay tìm việc freelance? Vậy thì LinkedIn là bước tiếp theo bạn cần hành động.
Tạo cho mình một hồ sơ trên LinkedIn. Dành thời gian viết phần mô tả, chỉnh sửa, update kinh nghiệm, kỹ năng lên rồi tìm kiếm những người cùng ngành mà kết nối với họ. Rảnh rỗi lại vào hồ sơ của họ xem, họ làm như thế nào rồi học hỏi, lấy những cái hay về áp dụng cho bản thân mình. Cứ làm đi làm lại mãi như vậy, bạn sẽ học được rất nhiều.
Mình cũng khuyên nên chia sẻ trên LinkedIn thường xuyên, ít nhất một vài lần mỗi tuần. Thứ nhất là để củng cố cho phần mô tả của mình, thứ hai là kết nối với những người khác và tương tác với họ. Nhiều nhà tuyển dụng cũng tìm kiếm ứng viên tiềm năng qua Search, nếu hồ sơ của bạn và các bài viết có các từ khoá phổ biến thì nó cũng tăng cơ hội hồ sơ bạn được hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
Hiện tại mình đang muốn mở rộng network và củng cố thương hiệu của mình trong lĩnh vực email marketing và sustainability nên mình thường xuyên chia sẻ trên LinedIn như thế này.

Mình cũng làm tương tự với cả Twitter nữa.

3. Lập website cá nhân
Bên cạnh LinkedIn và Twitter thì lập website cá nhân cũng là một bước mà bạn nên đầu tư. Có 3 lý do chính:
Thứ nhất, khi bạn có website, bạn “show” cho người ta khả năng tiếng Anh của mình — thông qua cách bạn dùng từ mô tả mình trên website, bài viết của bạn (blog), bạn cũng cho họ thấy bạn có khả năng trình bày ý tưởng, tổ chức (thông qua cách bạn bài trí website của mình). Qua CV, bạn chỉ có thể dùng từ miêu tả, còn khả năng thiết kế giới hạn, gần như không có “đất” để thể hiện với chỉ tối đa hai trang CV.
Show, don’t tell. Đừng nói nhiều, mà hãy thể hiện ra.
Thứ hai, khi bạn có website, bạn nổi bật hơn các ứng viên khác. Nghĩ xem có 3 ứng viên như nhau. Hai người còn lại chỉ có CV, mỗi bạn là có hẳn một website nơi bạn viết blog về lĩnh vực bạn đang làm, có lượng độc giả nhất định, người ta ghé vào website thấy ngay bạn có khả năng gì. Theo bạn thì ứng viên nào sẽ có tiềm năng nhất được cân nhắc? Chắc chắn là ứng viên có website phải không?
Thứ ba, người ta dễ dàng tìm thấy bạn. Nghĩ xem nếu bạn thường xuyên viết bài trên website của mình, lại biết cách tối ưu cho các từ khoá thì khả năng website của bạn xuất hiện khi người khác tìm kiếm trên Google rất lớn. Bạn nào đang làm freelance thì lợi ích này cực kỳ rõ rệt. Khách hàng tiềm năng sẽ tự tìm đến bạn đó.
Bản thân mình đã trải nghiệm được ba lợi ích này và mình thấy thật may mắn vô cùng khi bản thân đã biết xây dựng website chuyên nghiệp từ sớm. Còn bạn thì sao?
Mình hy vọng rằng chia sẻ này có ích cho bạn trong việc định hướng nên làm gì để tìm được một công việc nước ngoài trong tương lai gần. Một lần nữa, mình nhấn mạnh rằng thương hiệu cá nhân, hay nói cách khác, sở hữu một website và hoạt động tích cực trên LinkedIn/Twitter là điều cực kỳ quan trọng. Hãy chủ động làm mấy cái này rồi cơ hội chắc chắn sẽ tìm đến với bạn.