Trong bài viết lần trước, mình đã giới thiệu đến các bạn tư duy phản biện là gì, tại sao cần rèn luyện nó và tương lai của kỹ năng này là như thế nào. Nhận được khá nhiều phản hồi từ phía bạn đọc về cách để rèn luyện tư duy phản biện nên mình đã quyết định chia sẻ tiếp các bài test về critical thinking và một số đầu sách hay để bạn tự nghiên cứu.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn phần nào có được hướng đi rõ ràng hơn để phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho bản thân mình – một kỹ năng mà sẽ giúp bạn có lập trường vững vàng hơn, có suy nghĩ, lựa chọn khôn ngoan, sáng suốt hơn và không bao giờ ngừng học hỏi.
Một bài test tư duy phản biện trông như thế nào?
Một bài test về tư duy phản biện, cũng thường được gọi bài test về khả năng lập luận phản biện (Critical reasoning test), được thiết kế nhằm mục đích đánh giá khả năng của bạn khi đưa ra tranh luận, phản biện và ra quyết định dựa trên những tình huống có sẵn. Bạn sẽ được yêu cầu phân tích tình huống, phát hiện giả thuyết, xây dựng giả định và đánh giá các luồng tranh luận.
Thông thường, nếu bạn đến phỏng vấn tại một công ty và họ yêu cầu bạn hoàn thành một bài kiểm tra về kỹ năng tư duy phản biện thì có vài điều bạn cần biết, đó là:
- Nếu ngay đầu buổi phỏng vấn, họ đã đưa cho bạn một bài test về tư duy phản biện và yêu cầu hoàn thành thì bài test này chính là để lọc ứng viên. Những ứng viên nào kém sẽ bị loại ngay.
- Nếu đang ở giai đoạn giữa của quá trình phỏng vấn thì nhà tuyển dụng có lẽ còn sử dụng nhiều công cụ khác nữa để có cái nhìn tổng thể hơn về khả năng của bạn. Họ không đơn thuần chỉ sử dụng độc mỗi kết quả của bài test này.
- Một bài test tư duy phản biện thường được xuất hiện bất ngờ, không yêu cầu người tham dự phải chuẩn bị bất cứ nội dung nào trước bài test và sẽ không yêu cầu sử dụng kiến thức đã học được. Tất cả các thông tin để trả lời câu hỏi thường đều đã được cho sẵn.
Một số bài test về tư duy phản biện phổ biến hiện nay
1. Bài đánh giá tư duy phản biện Watson Glaser
Bài đánh giá tư duy phản biện Watson Glaser (Watson Glaser Critical Thinking Appraisal – W-GCTA) là bài test về critical thinking phổ biến nhất hiện nay, gốc được xây dựng bởi Goodwin Watson và Edward Glaser. Bài test này đã tồn tại hơn 85 năm và được sử dụng rộng rãi bởi các hãng luật. Kết quả bài test cho thấy những dự đoán tốt về sự thành công trong tương lai của một người khi làm ở vị trí lãnh đạo, quản lý mà đòi hỏi một sự rõ ràng trong hiểu biết từ nhiều góc cạnh khác nhau và khả năng suy luận với các sự thật trong so sánh với giả định.
Phiên bản mới nhất của W-GCTA được ra mắt vào năm 2011, có đi kèm nhiều cải thiện rõ rệt và được bổ sung các khía cạnh liên quan đến hiệu lực bề ngoài (face validity, kiểm tra thông qua phỏng vấn, gặp gỡ,…) và kinh doanh, được chấm điểm dựa trên Lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory – IRT).
W-GCTA đánh giá các kỹ năng tư duy phản biện dùng cho việc trình bày một cách rõ ràng, chặt chẽ và suy luận hợp lý nhằm đưa ra quan điểm và thuyết phục người khác về một tranh luận. Các câu hỏi trong bài test xoáy sâu vào những khả năng sau:
- Đưa ra các suy luận chính xác
- Nhận ra các giả thuyết
- Đưa ra các diễn dịch, biện luận
- Đi đến kết luận
- Giải thích và đánh giá các tranh luận
2. Bài test tư duy phản biện của Aptitude
Các câu hỏi trong bài test tư duy phản biện của Aptitude cũng được dựa trên mô hình W-GCTA, nghĩa là cũng bao gồm 5 phần nhằm đánh giá khả năng lập luận dựa trên phân tích và logic của một người.
Các tranh luận (Arguments): Ở phần này, bạn được kiểm tra về khả năng phân biệt giữa các tranh luận sắc bén và yếu. Một tranh luận sắc bén cần liên quan trực tiếp đến câu hỏi và quan trọng. Một luận điểm yếu thường không sát với câu hỏi hoặc ý kiến đó không thực sự quan trọng hoặc gây nhầm lẫn giữa tương quan và nguyên nhân (thứ mà giả định một cách không chính xác rằng chỉ bởi vì hai thứ liên quan đến nhau nên chúng là nguyên nhân của nhau).
Giả định (Assumptions): Một giả định là thứ mà chúng ta coi nó nghiễm nhiên đúng. Chúng ta đưa ra nhiều giả định mà về cơ bản, chưa chắc đã đúng; có thể nhận ra những điều này là khía cạnh cốt lõi của lập luận phản biện. Một câu hỏi giả định sẽ bao gồm một khẳng định và nhiều giả định đi kèm. Nhiệm vụ của bạn là phát hiện liệu rằng một câu phát biểu là giả định hay không.
Suy diễn (Deductions): Trong các câu hỏi suy diễn, bạn phải đưa ra các kết luận chỉ dựa trên thông tin được cho từ câu hỏi mà không phải dựa trên kiến thức của bạn. Bạn sẽ được cho một đoạn thông tin ngắn và bạn sẽ cần đánh giá một kết luận được đưa ra dựa trên đoạn văn đó. Nếu một kết luận không được rút ra từ đoạn văn đã cho thì kết luận đó không thể được sử dụng.
Giải thích (Interpretation): Bạn được cho một đoạn văn ngắn đi kèm với một kết luận. Dựa trên thông tin được đưa ra, bạn sẽ phải đánh giá liệu rằng kết luận cho trước đó có hợp lý hay không.
Suy ra (Inferences): Suy ra là một kết luận được rút ra từ những sự thật được giả định hoặc quan sát. Nó là thông tin mà không xuất hiện trực tiếp từ đoạn văn đã cho, mà là được rút ra từ nó. Chẳng hạn, nếu chúng ta đi tới phòng thay đồ và thấy cửa đóng thì chúng ta sẽ giả định/suy ra rằng đã có người ở trong phòng đó.
3. Bài test về tư duy phản biện của Test Partnership
Bài test về tư duy phản biện của Test Partnership đo lường khả năng suy nghĩ dựa trên phân tích và dựa trên lý trí của bạn. Nó gồm 20 câu hỏi và mỗi câu hỏi, bạn có 40 giây để trả lời.
Mỗi câu hỏi có 2 giả thuyết đi kèm với 5 kết luận được cho sẵn. Nhiệm vụ của bạn là dựa trên các giả thuyết ban đầu để tìm ra kết luận đúng nhất từ 5 kết luận đã có. Một số giả thuyết có lẽ rất phù hợp với thực tế, một số lại khá trái ngược và có thể gây ra cảm giác mơ hồ, nhưng bạn cần xem chúng như là các sự thật (fact) khi làm bài test này.
4. GMAT
Chắc nhiều bạn đã biết tới GMAT (Graduate Management Admission Test) là gì rồi. Đây là một bài kiểm tra trên máy tính nhằm đánh giá khả năng toán học, ngôn ngữ và viết lách của các sinh viên muốn theo học các trường kinh doanh, quản trị (đặc biệt là chương trình MBA). Ngoài ra, GMAT cũng được sử dụng nhiều để đánh giá khả năng tư duy phản biện và ra quyết định trong các tình huống kinh doanh của sinh viên.
Nếu muốn làm các bài test GMAT trực tuyến và miễn phí thì bạn có thể truy cập các trang web này nhé:
3. Bài test về lý luận phản biện SHL
Bài test này là bộ sưu tập gồm 60 câu hỏi với độ khó thay đổi tùy thuộc vào khả năng của người tham gia test. Bạn sẽ phải hoàn thành 60 câu này trong vòng 30 phút.
4. Bài test đánh giá khả năng năng tư duy phản biện Cornell
Cornell Critical Thinking Assessment được sử dụng nhiều trong giáo dục. Bài test này có hai phiên bản, một cho trẻ em, một cho người lớn. Nó cũng được sử dụng như bài test kiểm tra đầu vào cho một số khóa học nhất định hoặc quá trình tuyển dụng tại các doanh nghiệp.
Lưu ý khi làm các bài test về tư duy phản biện
Trên trang web Watson Glaser Critical Thinking Appraisal có chia sẻ một số tip rất hữu ích khi làm các bài test về tư duy phản biện. Bạn có thể tham khảo chúng để xây dựng cho mình một chiến lược làm test hiệu quả nhất.
Chỉ sử dụng thông tin được cho trong bài: Khi đọc một đoạn thông tin được cho, bản năng đầu tiên của chúng ta thường sẽ sử dụng kiến thức chung hoặc trải nghiệm cá nhân để phân tích nó. Tuy nhiên, các bài test về tư duy phản biện không phải là bài test về điều bạn nghĩ; chúng là các bài test về cách bạn nghĩ. Bạn không được yêu cầu tận dụng kiến thức đã học khi trả lời câu hỏi và có nhiều lúc, câu trả lời chính xác sẽ hoàn toàn trái ngược với điều bạn biết là đúng dựa trên kiến thức riêng của bạn. Bạn có thể nghĩ nó sai nhưng nó lại đúng trong bối cảnh của đoạn văn.
Đọc các hướng dẫn một cách cẩn thận: Các bài test về tư duy phản biện sẽ yêu cầu rất nhiều loại lập luận logic và đọc các hướng dẫn sẽ giúp bạn biết cách trả lời các câu hỏi một cách chính xác. Chẳng hạn, nếu một câu hỏi yêu cầu bạn đánh giá độ mạnh của một tranh luận thì phần hướng dẫn sẽ giải thích cho bạn như thế nào là một tranh luận sắc bén và như thế nào là tranh luận yếu. Thế nên, đừng bỏ qua phần này nhé.
Giới hạn thời gian: Vì bản chất phức tạp của các bài test về tư duy phản biện nên thường sẽ không có giới hạn thời gian hoặc bạn sẽ được cho nhiều thời gian để trả lời. Bạn nên coi đây như là lợi thế của mình và dành nhiều thời gian để đọc, đánh giá và trả lời câu hỏi. Một lỗi sai rất dễ mắc phải đó là coi bài test như là một bài test về kỹ năng nói hay tính toán và trả lời câu hỏi nhanh nhất có thể. Việc làm vội vã như vậy có thể khiến bạn bỏ lỡ những ý quan trọng hoặc trả lời không chính xác.
Lỗi logic khi tranh luận (Logical fallacies): Hiểu rõ các lỗi logic khi tranh luận là một phần quan trọng của bài test, và nghiên cứu sự khác biệt giữa các lập luận sai lầm và bóng bẩy có thể giúp bạn có điểm tối đa. Một sai lầm là một lỗi trong lập luận dẫn đến một sự hiểu nhầm, và một tranh luận mà chứa đựng một sai lầm về logic hay về diễn giải trong lập luận sẽ trở thành một tranh luận vô hiệu. Có nhiều lỗi logic khi tranh luận, chẳng hạn red herring argument (ngụy biện cá trích), straw man argument (ngụy biện rơm), hay ngụy biện lươn trạch (slippery slope). Bạn có thể đọc thêm về các lỗi này trong bài viết Fallacy – Ngụy biện trên Spiderum, rất thú vị.
Một số sách hay về tư duy phản biện
- Tư duy nhanh và chậm
- Phi lý trí
- The art of thinking clearly
- This Will Make You Smarter: New Scientific Concepts to Improve Your Thinking (Edge Question Series)
Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn trong việc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện. Chia sẻ với mình điểm của bạn sau khi làm bài test nhé.
Ảnh đầu bài: Anemone123
Tuyệt vời!
Thanks for sharing!
Em là một học sinh 12 sắp thi kì thi THPTQG. Em biết đến trang blog này nhờ một lần tìm kiếm từ khóa “tư duy phản biện” trên google cách đây vài tuần. Thực sự mà nói, em bị ấn tượng ngay từ những dòng đầu tiên. Chúng “tròn vành” và rất rõ ràng về cả mặt idea cũng như definition. Follow các bài viết của “you” (^^ em không biết gọi như nào cho phù hợp, em dùng tạm “you” nhé) từ lúc đó, em như trưởng thành trong suy nghĩ hơn, nhờ các topics được viết trong đây. Cảm ơn rất nhiều và mong “you” hãy creat thật nhiều bài viết thú vị và bổ ích hơn nữa!
P/s: Em nghĩ Topic “tư duy phản biện” có khả năng được nhắc đến trong đề Văn THPTQG năm nay đấy ^^
Hihi, cám ơn em đã ủng hộ chị nhé.
Cho mình hỏi có khóa học nào, có thể ngắn hạn, gói gọn trong 1-2 buổi thôi về critical thinking cho dân văn phòng không?
Chào bạn, cám ơn bạn đã hỏi mình. Nếu ngắn hạn như thế này thì mình không biết có không. Kỹ năng này đòi hỏi luyện rất nhiều ấy.
Hi, cho mình hỏi nên học critical thinking uy tín ở đâu vậy! Mình ở thành phố hcm
Nice post and good information on books and tests on practicing critical thinking. Thanks for sharing.
cho mình hỏi bạn tổng hợp những test này ở đâu được không? cảm ơn ad