Be vulnerable (sẵn sàng để tổn thương, hay vulnerability) là một từ/khái niệm mình nghe thấy từ lâu lắm rồi. Nhưng phải nói thật là bản thân mình vẫn chưa thực sự rèn luyện được, và mình cũng nhận thấy rất nhiều người chưa hiểu rõ về nó. Thế nên hôm nay mình đã tìm hiểu một chút về vulnerability và viết ra để chia sẻ với bạn.
Trước hết, mình muốn gửi lời cám ơn và khâm phục tới tất cả những bạn mà đã gửi email cho mình chia sẻ cho mình những vấn đề sâu kín nhất các bạn đang trải qua. Không ngần ngại nói ra những điều tồi tệ bạn đã làm, những quyết định sai lầm, những hành động thiếu chín chắn. Các bạn cực kỳ dũng cảm khi giãi bày với một người lạ như mình.
Mình cũng thực sự vui khi dù rằng mình chẳng làm được gì cho các bạn nhưng các bạn vẫn vui vì có người để lắng nghe và giải phóng những điều bất an đó ra ngoài. Mình muốn nói rằng khi các bạn chia sẻ chúng ra, nghĩa là bạn đang thực tập sẵn sàng để tổn thương và cho dù bạn có cảm nhận được hay không, nhưng chắc chắn bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước.
Be vulnerable nghĩa là gì?
Theo tác giả Mark Manson, vulnerability nghĩa là lựa chọn KHÔNG che giấu cảm xúc hoặc những khao khát của mình từ người khác một cách có ý thức. Bạn tự do thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, ý kiến, tư tưởng của mình bất kể người khác có nghĩ gì về bạn đi chăng nữa.
Một cách nôm na, sẵn sàng để tổn thương nghĩa là nhận ra và cởi mở chia sẻ về những vấn đề mình đang trải qua: sai lầm, mất mát, đau khổ, phạm lỗi, bệnh tật, nỗi buồn, sự mông lung, yếu đuối, bất ổn, lo lắng… tất cả những cái này. Sẵn sàng nói ra và chia sẻ với người khác để giải toả tâm lý và tìm kiếm một sự giải phóng hoặc giải pháp mà không ngại bày tỏ cảm xúc của mình ra ngoài. Có thể nói ra rồi bạn sẽ khóc, sẽ đau đớn, sẽ bị ghét, sẽ bị tức giận, bị nói này kia, bị lờ đi, bị phán xét, bị nghĩ là thật kém cỏi, thật xấu xa…
Sẵn sàng để tổn thương nghĩa là “các cậu ơi, trong quá khứ tớ đã từng là một đứa nghiện rượu và tớ thấy thật xấu hổ với điều này của bản thân. Tớ đã muốn giấu kín nó và làm như không ai biết, nhưng tớ thấy thật k thể giấu mãi, tớ muốn từ bỏ nữa, muốn trở thành người tốt hơn, sống tốt hơn, lành mạnh hơn, các cậu giúp tớ vượt qua được chứ?”
Sẵn sàng để tổn thương nghĩa là “cuộc sống của tớ đang không ổn tí nào. Gia đình của tớ bố mẹ cãi nhau nhiều lắm và tớ cảm thấy thật mệt mỏi. Tớ muốn chạy trốn khỏi thế giới này, nhưng tớ cũng muốn đối mặt với nó. Tớ thấy kiệt sức nhưng cũng muốn nhìn thấy một hy vọng.”
Sẵn sàng để tổn thương nghĩa là “tớ chán công việc này quá, tớ thấy mình thật tự ti, và kém hơn các cậu, không có một bước tiến nào trong công việc, và đồng nghiệp thì quá xuất sắc, là tớ thấy mình vô định trong tương lai….. là tớ cần sự giúp đỡ của các cậu.”
Sẵn sàng để tổn thương nghĩa là “hôm nay tớ đã làm một điều thật tệ ở văn phòng. Tớ đã nói dối sếp và biết mình đã sai khi làm điều đó. Tớ cảm thấy không thể cứ giấu nó mãi.”
Sẵn sàng để tổn thương nghĩa là “tớ thừa nhận tớ nói tiếng Anh không tốt. Tớ phát âm kém. Tớ đã bị trượt kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh vừa rồi chỉ vì tớ quá tự tin rằng mình sẽ làm tốt. Tớ đã lơ là việc ôn thi. Tớ cực kỳ xấu hổ.”
“Be open” khác với “be vulnerable”
“Be open” (cởi mở) và “be vulnerable” có giống nhau không? Câu trả lời là không, “be vulnerable” là một cấp độ khác cao hơn be open.
“Be open” là cởi mở. Mình ví dụ, “I am open to listening to your idea” (mình cởi mở với việc nghe ý tưởng của bạn) nhưng “I might not share my ideas” (mình sẽ không chia sẻ ý tưởng của mình đâu.”).
“Be vulnerable” thì khác. Nó có nghĩa là “I am open to listening to your idea and share my ideas.” Bạn sẵn sàng bước ra sự thoải mái của mình, loại bỏ cái tôi của mình, để đối diện với cảm xúc thật có thể không tích cực.
Bạn cởi mở nghe ý kiến của người khác và không ngại chia sẻ ý tưởng thậm chí ngây ngô của mình. Cho dù nói ra sẽ bị cười chê, bị cho là kém, bị chê là tồi tệ, cho dù sẽ bị phán xét, bị đánh giá thấp, nhưng vẫn nói ra, đối mặt với cảm xúc đó để học hỏi và phát triển.
Vì sao be vulnerable lại càng ngày càng quan trọng?
Bạn có thấy đôi khi mình có những điều gì đó khó nói, không tích cực làm và nếu mình cứ cố giấu nó đi, làm như chẳng có chuyện gì thì lòng cứ nặng trĩu không. Bản thân cứ cố tỏ ra mạnh mẽ, nụ cười không được tự nhiên, đôi mắt nặng trĩu, đầu óc ngổn ngang những suy nghĩ. Bất an đủ đường. Muốn nói ra với ai đó mà lại ngại.
Lâu dần thành thói quen. Nó trở thành bức tường ngăn cách bạn với sự thoải mái thực sự. Trước nhiều người bạn là một con người “mạnh mẽ”, nhưng khi ở một mình, bạn thấy thật nặng nề, mệt mỏi, kiệt sức. Hai con người như thể hoàn toàn khác.
Sự không muốn sẵn sàng để tổn thương cũng làm cho bạn và người bạn yêu mến như thể có khoảng cách. Bạn chẳng hiểu người đó nhiều, không hiểu sâu, không có sự đồng điệu với nhau sâu sắc. Kiểu như rất gần mà rất xa vậy.
Nếu bạn nghĩ tới những tình huống trong thực tế, bạn sẽ thấy khuynh hướng tránh “be vulnerable” rất rõ. Và có vẻ dường như đâu đó nó không được khuyến khích.
Con trai không dám khóc, không dám có những lúc yếu đuối, không dám thể hiện ra sự nhụt chí, bất ổn, lo lắng của mình. Bề ngoài lúc nào cũng phải phong độ, tự tin, chí hướng, mạnh mẽ… Không dám khóc trước mặt vợ, trước mặt bố mẹ, không dám nói ra nỗi lo của mình, chỉ cất giữ chúng trong lòng mà thôi.
Nhưng thực tế là khi bạn sẵn sàng để tổn thương, để thể hiện những yếu điểm và không hoàn hảo thì đó là sức mạnh của chính bạn. Bạn sẵn sàng đối diện với những cảm xúc đó và bạn chia sẻ với những người tin tưởng bạn. Bạn làm cho tinh thần của mình được giải phóng. Bạn đón nhận những luồng tư tưởng mới, góc nhìn mới. Bạn thấy mình mạnh mẽ hơn và nhận ra những cảm xúc tiêu cực hay nỗi bất an mình trải qua là điều không quá lớn.
Người sẵn sàng để tổn thương là người có sức mạnh cực kỳ tiềm ẩn. Bạn sẽ thấy sức bật của mình tăng lên, bạn dũng cảm hơn, bạn kiên trì hơn trước những khó khăn. Bạn cũng thấy mình có sự thấu hiểu, đồng cảm với người khác hơn. Và bạn trưởng thành từ mỗi bước ngoặt xảy đến với bạn.
Sẵn sàng để tổn thương làm cho chúng ta gần gũi nhau, hiểu nhau và thông cảm cho nhau hơn, giữa bố mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa bạn bè với nhau, giữa người với người.
Không một ai trên thế giới này mà không có những vấn đề cá nhân. Thế nên việc sẵn sàng để tổn thương là điều tốt. Nhưng để làm điều này cần sự rèn luyện.
Với cá nhân mình, mình thực tập sẵn sàng để tổn thương bằng cách chia sẻ với những người tin tưởng mỗi khi mình gặp vấn đề gì đó không tốt. Chồng mình, các anh chị em trong Hội Thánh, gia đình của mình, những người bạn thân thiết. Mình nói ra và để cho cảm xúc tự nhiên của mình phản ứng.
Mỗi lúc làm vậy thật căng thẳng và xấu hổ và mình cũng khóc nữa. Nhưng sau cùng, điều mình LUÔN nhận ra đó là, nói ra thật nhẹ nhõm. Không ai phán xét mình, không ai chê cười mình. Ngược lại, mình luôn có được sự ủng hộ, thấu hiểu. Sức bật của mình cứ thế mà tăng lên.
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự sẵn sàng để tổn thương và dũng cảm để trải nghiệm nó nhé. ❤️
* Ảnh đầu bài: Annie Spratt | Unsplash
Sao lâu rồi mới thấy em ra bài mới? Chị cứ lo không biết em có chuyện gì không? Mừng quá, em đã quay trở lại. Chúc em tốt lành.
Hihi, em cám ơn chị nhạ. Em hơi bận xíu thôi, em đã quay trở lại rồi nhé ạ :))