Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Work Fucking Hard.
—
Một trong những cố vấn của tôi một doanh nhân 71 tuổi. Ông bắt đầu làm việc kể từ khi mới 12 tuổi. Suy nghĩ nghỉ hưu chưa bao giờ xuất hiện trong đầu ông.
Ông đã từng nói với tôi ông muốn chết vì công việc – ông yêu nó nhiều lắm.
Ông nói: “Nhiều người sẽ cố gắng nói với cậu rằng làm việc chăm chỉ chẳng hề có lợi gì cho cậu đâu. Và rằng cậu nên làm việc ít đi. Đừng nghe họ. Những người đó chẳng yêu thích gì công việc của họ, và họ dùng lời lẽ ngụy biện để thuyết phục cậu đấy”.
Những gì ông nói làm tôi suy nghĩ. Bạn đã bao giờ nghe một người nào mà yêu công việc của họ nói với bạn rằng bạn không nên làm việc chăm chỉ? Làm gì có ai đâu. Lúc nào cũng là những người lười nói như thế – giống như tôi thời đó.
Cách đây khoảng 5 năm, khi lần đầu tiên gặp ông, tôi không hiểu tại sao ở tuổi ấy rồi mà ông vẫn làm việc 7 ngày một tuần. Tại sao chứ? Vì tiền, danh tiếng, thoát ly hiện thực ư?
Giống như nhiều người mà hỏi “tại sao ông lại làm việc chăm chỉ đến vậy?”, hồi đó, tôi vẫn chưa tìm ra đáp án.
Vài năm sau, khi xem một bộ phim tài liệu về đội bóng rổ Boston Celtics, tôi nhận ra một câu trích dẫn mà họ đã nói trong phòng tập gym.
Thứ gì gây tổn thương hơn. Nỗi đau của làm việc chăm chỉ hay nỗi đau của sự hối tiếc?
Giờ thì tôi đã hiểu. Ông ấy không làm việc chăm chỉ vì những động lực bên ngoài.
Những người mà nghĩ làm việc chăm chỉ chỉ vì mục đích “cái tôi”, thoát ly khỏi thực tế hay vì tiền đều không hiểu được giá trị của làm việc chăm chỉ.
Câu trích dẫn đó không ngừng bám lấy tâm trí tôi. Và bất cứ khi nào gặp khó khăn hay muốn từ bỏ, tôi lại nghĩ về nó. Không phải lúc nào làm việc cũng mang đến niềm vui và tôi buộc phải vượt qua được giới hạn ấy.
Bạn biết gì không? Lúc nào, tôi cũng chọn nỗi đau của làm việc chăm chỉ.
Đấy là lý do tại sao tôi nỗ lực hết sức mình trong:
- Các mối quan hệ của tôi.
- Sự học của tôi.
- Công việc kinh doanh của tôi.
- Sức khỏe của tôi.
- Các kỹ năng của tôi.
- Bộ não của tôi.
Đó không phải bởi vì tôi muốn giàu hay tôi muốn bất cứ thứ gì kiểu vậy. Tôi làm thế bởi vì chúng mang đến cho tôi niềm vui. Tôi không bao giờ muốn nhìn lại, hay hối tiếc rằng tôi đã lãng phí thời gian của tôi để làm những thứ vô ích.
Còn bạn, bạn làm gì? Ngồi trên sàn nhà cả ngày và cô đơn với hàng tá suy nghĩ trong đầu? Thôi nào.
Hãy làm việc chăm chỉ lên.
Casey Neistat
Chỉ có duy nhất một cảnh báo nếu bạn liên tục làm việc chăm chỉ: hãy nghỉ ngơi trước khi bạn cảm thấy mệt vì con đường phía trước vẫn còn dài lắm.
Nhiều người không hiểu điều này. Họ chủ trương hoặc chiến đấu hết mình hoặc ở nhà cho lành. Họ làm việc cật lực không nghỉ ngơi. Nhưng chỉ là họ đang tự dối mình thôi. Họ tự khiến mình lao lực, cháy sạch để rồi bắt đầu khó chịu với ý nghĩ làm việc chăm chỉ.
Nghỉ ngơi không phức tạp như vậy: Đôi khi nên bình tĩnh, đừng quá nghiêm trọng hóa cuộc sống và vui vẻ mỗi ngày.
Chỉ cần hiểu rằng bạn không phải là một “robot làm việc” và đừng đặt quá nhiều áp lực lên bản thân mình. Mệt mỏi về mặt tinh thần còn hơn cả một mối đe dọa về sự căng thẳng thể chất sau một ngày làm việc bận rộn.
Sẽ thế nào nếu bạn ghét công việc của bạn? Vậy thì hãy tìm một công việc khác. Tuy nhiên, đừng ghét làm việc chăm chỉ chỉ bởi vì bạn đã làm sai điều gì đó hay khiến những người khác khó chịu.
Nếu bạn biết cách, làm việc chăm chỉ là một trong những trải nghiệm mang đến nhiều niềm vui nhất trong cuộc sống. Đừng sợ hãi hay trốn tránh nó.
Khi cố vấn của tôi bước sang tuổi 65, gia đình của ông tìm mọi cách để ngăn ông làm việc. Ông nói: “Họ chỉ ích kỷ một chút thôi, không sao đâu. Nhiệm vụ của tôi là phải giải thích cho họ hiểu tại sao tôi lại muốn tiếp tục làm việc. Họ sẽ hiểu.”
Giờ hãy để tôi hỏi bạn: “Điều gì gây tổn thương nhiều hơn? Nỗi đau của làm việc chăm chỉ hay nỗi đau của sự hối tiếc?”.
Ảnh đầu bài: Unsplash.
Em cảm thấy may mắn vì đã gặp được viết lách ngay từ đầu. Đó là cảm giác mình sẽ chỉ từ bỏ khi không thể nào viết nổi nữa, em thậm chí còn không tưởng tượng nổi mình từ bỏ viết lách thì sẽ sống thế nào. Có nhiều lúc cảm thấy vất vả thật chị ạ, đơn độc và khổ sở rất nhiều mà mình không cách nào dừng được. Lúc làm việc thì đau nhưng là nỗi đau của hạnh phúc, nỗi đau mà em nghĩ rằng những người không có đam mê đều ao ước.
Nhiều em năm nay thi ĐH cứ hỏi em học ngành này hay ngành kia ra có việc làm dễ hơn. Em chỉ nói rằng giả sử ngành A có đầu ra với 70% sv có việc làm ổn định, đúng ngành còn ngành B chỉ có 40%. Thế thì ai dám cược rằng khi ra trường thì mình sẽ ở trong 70% của ngành A thay vì 60% không có việc của ngành B? Cái khiến một người nên chọn nghề này thay vì nghề khác chắc chắn là đam mê, chỉ có nó mới đủ mạnh để cho người ta sức mạnh không bỏ cuộc, ý chí để đi đến cuối con đường.
Cảm ơn chị vì bài viết rất nhiều động lực :3
Đúng rồi. Mình không thể kiểm soát được tất cả mọi thứ. Không thể nói mọi quyết định trong đời đều sai lầm. Chị luôn tin chuyện gì xảy ra cũng có một lý do. hì hì. Cố lên nhé.
Làm việc, nghỉ ngơi, giải trí là những thứ sẽ theo ta đến hết đời. Bi kịch ở chổ ta không thể sắp xếp được thời gian để thực hiện những điều đó 1 cách cân bằng
Dạ em cảm ơn chị nhiều lắm. Mỗi lần em đọc bài của chị là lại có thêm động lực. Hy vọng công việc của chị thuận lợi hơn để chị có thể viết một cách thoải mái nhất, một cách hạnh phúc và đam mê nhất.
Hì hì, cố gắng lên em nhé.