Hôm nay đánh dấu tròn 3 năm mình sang Úc.
Mình bắt đầu giấc mơ Úc vào năm 2017, ròng rã chinh chiến với IELTS rồi xoay xở đủ kiểu để giúp cho hồ sơ của mình vượt qua vòng visa, sau hai năm, mình nhận được visa sang Úc cho hai vợ chồng.
Ngày 27/10/2019, bọn mình bay sang Úc. Mình học thạc sỹ quản trị kinh doanh, chuyên ngành marketing tại trường Central Queensland University (bây giờ đổi tên là CQUniversity).
Cuối tháng 5 mình kết thúc môn học cuối và nhận được offer đi làm hai tuần sau đó. Ngày 15/6/2021, mình làm Digital Marketing Specialist ( contract) tại Hello Earth Agency. Hiện tại mình làm việc fulltime tại agency này, với vị trí Email Marketing Specialist.
Ba năm tròn ở Úc, vợ chồng mình trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Bản thân mình vừa học, vừa gây dựng business freelance tập trung vào content writing cho các khách hàng nước ngoài. Rất nhiều đêm mình chỉ ngủ một vài tiếng. Sáng đi học, chiều tối về làm bài rồi cày cuốc. Căng thẳng vậy nhưng rồi mọi thứ đều tốt đẹp.
Nhìn lại ba năm ở Úc, mình học được vô cùng nhiều thứ. Từ khi sang đây, mình cũng rèn luyện được nhiều thói quen tốt, thay đổi tư duy. Trong công việc, mình cũng có sự chuyển biến theo hướng tích cực rõ rệt mà nếu như không có bước nhảy năm 2019, mình không nghĩ là mình lại có sự phát triển tốt đến như vậy.
Thế nên hôm nay để “kỷ niệm” cho ba năm tròn này, mình quyết định sẽ chia sẻ đến bạn một vài bài học lớn mà mình đã học được nhé. Đây chính là những kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà mình đã trải qua và mình tự tin nói chúng đã thay đổi con người lẫn tư duy lẫn cách sống của mình mãi mãi.
1. Tự học, tự học, tự học
Chắc là nhiều bạn đã biết mình là một fan của tự học. Hồi ở Việt Nam, mình cũng tự học nhiều nhưng chưa thành thói quen. Từ khi sang đây vì vừa học vừa làm ở nhà, rồi đã học Master thì phải đòi hỏi sự chủ động tuyệt đối nên mình càng phải tự học hơn trước. Sự tự học của mình được đẩy lên đỉnh điểm. Vì nếu không tự học, tự mày mò, tự nghiên cứu thì không ai giúp được mình cả.
Học ở trường là một phần nhưng mình phải tự học rất nhiều để tốt nghiệp với điểm 6.8/7.0.
Mình có chút kinh nghiệm làm content marketing khi làm ở Beeketing, nhưng khi sang Úc, công việc là “zero”. Zero về mạng lưới bạn bè, mối quan hệ… Mình tự học, tự mò mẫm hết để xây dựng freelance business và đưa hình ảnh, kinh nghiệm của mình ra bên ngoài. Từ chỗ không có gì, mình làm việc với rất nhiều công ty to nhỏ ở Mỹ, Anh. Từ chỗ chỉ đi học, không đi làm, mình vừa học vừa vận hành business của mình. Từ chỗ nhận mấy chục USD cho 1 bài viết mấy nghìn từ, mình được trả vài nghìn USD cho một bài chỉ 500-600 từ.
Từ chỗ chỉ thích vẽ. Gửi ảnh vẽ cho bạn bè bị chê là trẻ con, xấu. Mình rèn luyện học theo cách người ta vẽ. Vài tháng trôi qua mình thấy vẽ đẹp lên. Có nhiều kết nối với các bạn vẽ khác trên Instagram. Sếp bảo mình là có thể cân nhắc bán chúng.
Mình đạt được những cái này là nhờ tự học.
Tự học giúp mình trở nên nhanh nhẹn, chủ động, nhiều năng lượng. Hơn cả, tự học cũng giúp mình tiết kiệm chi phí nữa.
Cuộc sống, công việc của những người có tinh thần tự học, biết cách tự học, có kỹ năng tự học luôn tràn ngập những điều thú vị. Họ không bao giờ cảm thấy hết việc để làm, hết thứ để học. Họ hiếm khi thấy nản lòng, lười biếng, nhàm chán, mất động lực, và kể cả có, họ cũng dễ dàng lấy lại tinh thần bởi vì họ kiểm soát được mọi thứ. Họ biết không có việc gì là không thể vượt qua. Họ tìm kiếm, mày mò giải pháp này đến giải pháp khác. Họ đầy năng lượng, ham học hỏi, tò mò, và không bao giờ ngừng học. Cho dù họ có bước sang tuổi 50 thì tinh thần tự học ấy vẫn còn như trước, thậm chí còn nồng nhiệt hơn, bởi vì họ đã thấm nhuần chân lý rằng, “tri thức là sức mạnh.”
Không có tinh thần tự học, bạn luôn cảm thấy một sự phụ thuộc. Bạn cần phải có người thúc giục, theo dõi, hướng dẫn, tạo áp lực thì bạn mới học được. Nếu không có họ, bạn cảm thấy như bạn chẳng còn tí nhiệt huyết nào để tiếp tục nữa. Không có tinh thần tự học, bạn bế tắc trong nhiều thứ vì bạn thấy rằng mình không thể học được bất kỳ điều gì. Bạn luôn tìm ra một “excuse” nào đó để lý giải cho hoàn cảnh của mình. “Già rồi, không học được nữa, không nhớ nổi,” “Già rồi, không còn trẻ như các em”, “Em phải đi học trung tâm thì mới học được,” “Em sợ mình không học được.”
Tự học sẽ giúp bạn sau này dù có bận rộn đến đâu, dù có ngoài 40, dù có ở nông thông hay thành phố, bạn vẫn luôn biết cách để mở rộng kiến thức của mình. Tự học là nền tảng để bạn làm chủ đường đi của mình. Tự học làm bạn trở nên bận rộn một cách đầy ý nghĩa.
Mình rất thích tự học, và càng tự học mình càng thích học. Tự học làm cho mình luôn cảm thấy thế giới này có biết bao nhiêu điều thú vị và mình không thể dừng khám phá. Tự học giúp mình dù đã bước sang tuổi 32, đã lập gia đình với bao nhiêu những lo toan nhưng mình vẫn giữ được động lực học tập. Mình không phải sinh ra đã có tinh thần tự học, nhưng mình đã rèn luyện và mình tin chắc bạn cũng có thể rèn luyện.
Mình đã từng chia sẻ nhiều về tự học, bạn có thể đọc thêm các bài viết khác nhé:
- Động lực để tự học và cách tự học hiệu quả
- Mình tự học marketing như thế nào?
- Tư duy chủ động (Active Mindset): Để không còn cảm thấy chán (mọi thứ)
2. Tử tế với những người xung quanh và tử tế với bản thân mình
Một thời gian dài mình làm việc với các khách hàng nước ngoài, điều nổi bật nhất mình nhận thấy ở họ không phải là họ có ngân sách marketing lớn như thế nào, họ chi “mạnh tay” cho một bài viết chất lượng ra sao, họ làm việc chuyên nghiệp hay kiến thức chuyên môn của họ thể hiện qua việc review bài viết của mình xuất sắc đến cỡ nào. Điều nổi bật nhất mình nhận thấy lại là sự tử tế của họ.
Họ tử tế trong cách dùng từ ngữ, thân thiện khi trả lời email cho dù mình là người tiếp cận họ đầu tiên. Họ cũng không ngần ngại nói rằng họ thực sự gặp khó khăn trong việc viết content và đang muốn tìm một writer giúp đỡ.
Họ tử tế kể cả khi mình viết chủ đề họ giao và bế tắc trong quá trình nghiên cứu đề tài. Họ luôn sẵn sàng đưa ra những giải thích, làm rõ điều họ muốn là gì, và gửi cho mình thêm nhiều thông tin rất kịp thời.
Họ tử tế khi thanh toán chi phí viết bài. Gặp bất cứ khó khăn gì họ đều tận tình chủ động xử lý để làm sao mối hợp tác giữa hai bên thuận lợi. Họ hiểu một bài viết chất lượng mất nhiều thời gian và công sức và họ sẵn sàng đầu tư cho điều đó.
Họ tử tế khi hẹn giờ phỏng vấn sao cho thuận tiện với mình trước, chứ không phải cho họ trước, dù rằng mình đang là người cung cấp dịch vụ và họ là khách hàng. Họ bảo họ ở Mỹ, nhưng mình ở Úc chênh lệch thời gian rất nhiều nên họ lựa chọn thời gian phù hợp nhất với mình.
Họ biết mình là người Việt Nam, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và khi phỏng vấn, khả năng speaking của mình cũng rất bình thường. Nhưng họ không phán xét, không đánh giá, không cảm thấy hụt hẫng. Ngược lại, họ lại càng ấn tượng với mình vì dù tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai, nhưng mình vẫn đảm bảo bài viết chất lượng cho họ.
Ngay cả khi làm việc ở Hello Earth Agency, mình cũng cảm nhận được sự tử tế của các bạn đồng nghiệp. Rachel, sếp của mình, là một người vô cùng thân thiện, thấu hiểu, và đồng cảm. Bạn ấy tin tưởng và trao cho mình cơ hội bước vào ecommerce marketing ngay cả khi mình chưa thực sự tin mình làm được. Bạn ấy kiên nhẫn với mình trong việc review bài viết, hướng dẫn mình làm quen với các công cụ, sửa lỗi cho mình, cho mình feedback sau mỗi lần họp với khách hàng. Nếu mình nói chưa rõ, bạn ấy sẽ hỏi lại mình, chứ không bao giờ nói speaking của mình không tốt.
Sự tử tế, thân thiện của Rachel khiến mình có quyết tâm không bao giờ để sếp thất vọng. Mình cày cuốc, nỗ lực để mang đến kết quả và không phụ lòng bạn ấy. Mình chuẩn bị thật kỹ trước bất cứ một buổi họp nào, diễn tập, tự đặt câu hỏi và trả lời. Sau một thời gian, mình tự tin dẫn dắt các buổi họp và sếp không cần tham gia nữa.
…. và còn nhiều điều khác mình học được về sự tử tế.
Không phải khách hàng hay sếp nào cũng như thế này. Không phải nghề mình đang làm toàn màu hồng. Có thể mình rất may mắn khi luôn có được nhiều khách hàng tốt. Có thể giữa hàng tỷ người trên thế giới, vẫn tràn ngập người xấu chỉ là mình may mắn không đụng phải họ hoặc chưa gặp phải họ. Có thể những việc này với một người khác là “bình thường thôi, ai mà chả làm vậy”, nhưng với mình, nó cực kỳ có ý nghĩa. Mỗi một lần làm việc với một khách hàng, mình lại học hỏi được từ họ rất nhiều, không chỉ về công việc mà còn cả ở cách họ hành xử. Đấy là những động lực gom góp giúp mình tiếp tục với công việc và luôn cảm thấy vui về những gì mình đang làm.
Mỗi một nghề đều có những điều tử tế, ý nghĩa, và niềm vui. Nếu chúng ta cứ đi tìm những điều tốt đẹp này mỗi ngày trong bất cứ việc gì chúng ta làm và tập trung vào chúng thì sẽ thấy mọi thứ đều thật tốt đẹp.
3. Luôn biết ơn và trân trọng mọi khó khăn, thử thách
Bọn mình có vay mượn khoảng 150 triệu đồng cho việc đi học. Mình đặt mục tiêu trong vòng 1 năm phải trả hết cho mọi người. Chính vì vậy, một tháng sau khi ổn định cuộc sống, mình dồn hết sức vào việc học và thiết lập làm freelance. Mình chỉ tập trung vào hai cái này, mọi thứ khác không để ý.
Thực sự là mục tiêu trả hết trong 1 năm, cộng thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày rồi tiền học phí nữa, vô cùng thử thách. Thu nhập chồng mình đi làm để trả cho hai cái sau, còn mình, mình tự đặt áp lực cho bản thân phải kiếm tiền để trả nợ, không dồn mọi gánh nặng lên chồng mình.
Có bạn hỏi vì sao chị không đi làm gì đó bên ngoài, làm thêm? Đúng vậy, kiếm việc bên ngoài không khó, nhưng mình không muốn ảnh hưởng việc học. Cộng thêm, mình có một niềm tin mạnh mẽ rằng mình có thể làm freelance được và mình sẽ làm được. Vậy nên mình cố gắng.
Một thời gian dài mình chỉ ngủ một vài tiếng mỗi ngày. Vừa học, vừa làm. Lượn lờ trên rất nhiều cộng đồng, học cách họ xây dựng freelance. Đọc hết cái này đến cái khác rồi tự xây dựng website, tự chỉnh sửa lại profile trên LinkedIn. Không biết gì mình email hỏi họ, với hy vọng nhận được hồi âm. Cực kỳ mệt vì ngồi trước máy tính quá nhiều. Mình lo lắng là sẽ không đạt được mục tiêu trả hết nợ mất.
Nhưng rồi khi bạn nỗ lực hết sức mình thì cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp bạn. Mình đã đạt được mục tiêu trả hết mọi thứ trong vòng 1 năm, có một phần gửi về cho bố mẹ sửa lại nhà và hàng tháng biếu hai bố mẹ một phần nữa. Bọn mình cũng trích ra một khoản nhỏ để dâng hiến cho hai Hội Thánh, một ở Việt Nam và ở Úc.
Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ làm được như vậy. Nhưng những khó khăn, thử thách đã tôi luyện mình, làm mình trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Có rất nhiều thứ trở nên mạnh mẽ hơn khi được sử dụng. Cơ bắp là một ví dụ. Càng được rèn luyện, càng được dùng để cầm nắm, bê vác, nói chung là làm việc thì nó càng khỏe. Cơ bắp mà không được sử dụng thì lâu dần, nó sẽ bị nhão.
Những con nhộng vùng vẫy mãi mới thoát được ra ngoài để trở thành những chú bướm xinh đẹp. Nhưng sự vùng vẫy này là không cần thiết hay bắt buộc? Câu trả lời là bắt buộc. Nó phải trải qua quá trình cựa quậy, nỗ lực hết mình để xé tan màng kén rồi mới có thể ra ngoài. Nhưng đấy là một sự nỗ lực đáng giá.
Nếu bạn giúp một con nhộng xé kén để ra ngoài thì con nhộng đó sẽ chết và không thể trở thành bướm được.
Điều này cũng diễn ra tương tự với những loài động vật hoang dã. Nếu bạn đưa nó về nhà, chăm sóc nó, rồi giúp nó kiếm mồi, sinh sản, một thời gian điều này sẽ tạo ra sự phụ thuộc và bất lực tập nhiễm (learned helplessness). Lâu dần, chúng sẽ chết.
Đôi khi nhìn vào những con người may mắn – những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình giàu sang, những bạn đồng trang lứa được bố mẹ cưng chiều, muốn gì có nấy, được thừa kế tài sản hàng tỷ đồng, rồi có những người may mắn trúng xổ số, rồi có người không làm gì nhiều mà vẫn được thăng tiến ầm ầm, chúng ta mới ước gì mình cũng may mắn như vậy. Nghĩa là không cần cố gắng nhiều mà vẫn được sống sung sướng, chẳng phải lo nghĩ gì.
Nhưng nhiều khảo sát cho thấy những đứa trẻ được sinh ra sung sướng từ nhỏ, cả cuộc đời không phải lo lắng về đồng tiền bát gạo thì khi lớn lên, một thời gian chúng đều gặp phải những khó khăn trong cuộc sống. Không thể kiểm soát bản thân, mệt mỏi khi thấy cuộc sống không có ý nghĩa, trầm cảm, bất lực…
Con người cần có khó khăn để học hỏi, trưởng thành và phát triển. Con người cần làm việc, cần phải dốc hết sức ra mà phấn đấu, cần phải xây dựng sức mạnh, cần phải căng óc ra mà suy nghĩ. Nếu thiếu đi những khó khăn đáng giá này, chúng ta dễ trở nên yếu đuối, nhu nhược.
Với mình, ba năm ở Úc đã giúp mình càng ngày càng biết ơn mọi khó khăn, thử thách mình đã trả qua. Mình biết ơn vô cùng tất cả những trải nghiệm tiêu cực lẫn tích cực. Mình tin rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có lý do, vậy nên cứ ôm lấy, nắm lấy chúng. Đừng sợ hãi.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ truyền cảm hứng và động lực cho bạn nhé.