Tuần vừa rồi mình có nhận được 6 câu hỏi từ post ‘Ask Me Anything’ trên Facebook, và như đã hứa, hôm nay mình sẽ trả lời nhé.
Mình cám ơn các bạn đã gửi câu hỏi cho mình. Mình rất vui để được suy ngẫm và đưa ra câu trả lời chân thành nhất cho bạn.
Câu hỏi số 1:
Đã bao giờ chị cảm thấy bản thân lạc lõng, cô đơn, tẻ nhạt và không đáng nhận được hạnh phúc chưa ạ? Chị vượt qua những khủng hoảng và suy nghĩ tiêu cực bằng cách nào ạ.
Mình đã từng cảm thấy lạc lõng, tẻ nhạt, cũng có lúc suy nghĩ tiêu cực và khủng hoảng (không phải đến mức muốn làm điều gì dại dột), nhưng mình CHƯA BAO GIỜ cảm thấy mình ‘không đáng nhận được hạnh phúc’.
Hồi học đại học, có lúc mình thấy chán và nản lòng. Vì gia đình mình không khá giả và xác định ra trường sẽ phải tự lo cho bản thân nên mình lo lắng nhiều lắm.
Hồi đấy mình cũng không biết nhiều về máy tính hay công nghệ như bây giờ, ít ‘táy máy’ và ‘lang thang’ trên Internet. Phần lớn thời gian là cặm cụi lên thư viện, nhiều khi chỉ là để ‘chém gió’ với bạn bè, còn về ký túc xá lại ngồi ôn thi, đọc giáo trình, chẳng bao giờ mình nghĩ lướt web để tìm kiếm cơ hội đi làm hay kiểu vậy. Mình có đi dạy thêm, nhưng công việc đi dạy thêm cũng không làm mình thêm năng động.
Phải nói rằng hồi đại học, ít nhất là trước khi mình tốt nghiệp, là khoảng thời gian khiến mình có nhiều xáo động trong suy nghĩ nhất.
Sau khi ra trường cho đến bây giờ, mình trải qua nhiều công việc, nhiều môi trường làm việc khác nhau, gặp gỡ nhiều người khác nhau. Có người bước qua cuộc sống của mình rất chóng vánh, nhưng cũng có nhiều người đến bây giờ là những người bạn thân thiết của mình. Mình học được nhiều, rút ra được nhiều sai lầm, và tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho chuyến hành trình tiếp theo của mình. Nếu ‘kết nối các dấu chấm’ như theo lời Steve Jobs nói lại thì dường như những gì đã xảy ra với mình đều đã được Đấng Tạo Hóa thiết lập sẵn vậy.
Thế nên, nếu nói về tẻ nhạt thì mình không thấy tẻ nhạt, vì cứ mỗi khó khăn mình trải qua, mình lại nỗ lực để chiến đấu nhiều hơn nữa.
“Vì sao chị nói được như vậy? Không lẽ chị dám tự tin 100% rằng lúc nào chị cũng lạc quan sao?” Mình không khẳng định mình lúc nào cũng tích cực, nhưng mình rất may mắn có một nội lực mạnh mẽ. Đã có nhiều người cũng chia sẻ với mình điều này, họ nhận biết được điều gì đó ở mình rằng trong mọi hoàn cảnh, mình có thể bình tĩnh lại và biết cách xoay chuyển, dù không nhanh nhưng chắc chắn mình sẽ vượt qua được.
Mình vượt qua chúng bằng cách nào? Nhiều cách lắm và thật khó để nói một cách rõ ràng. Mình nghe nhạc, mình chia sẻ với bạn bè và mình tự động viên bản thân phải nghị lực thôi. Trước đây, những khi gặp thử thách, có một bài hát mà mình nghe đi nghe lại mãi không chán và mỗi lần nghe nó xong, mình lại tràn ngập hy vọng, và sự cố gắng. Mình nghe nhiều đến nỗi mà bạn bè của mình gắn nó cho mình luôn, và khi mình bảo với họ mình lo lắng, bằng cách nào đó họ sẽ ‘tự động’ gửi bài hát đó cho mình. (Nghĩ lại thấy thật vui ).
Đó chính là bài hát này:
‘There’s always gonna be another mountain. I’m always gonna wanna make it move. Always gonna be an uphill battle. Sometimes I’m gonna have to lose. Ain’t about how fast I get there. Ain’t about what’s waiting on the other side. It’s the climb’
‘Sẽ luôn có một ngọn núi khác. Tôi sẽ luôn làm nó dịch chuyển. Sẽ luôn có một cuộc chiến thử thách hơn. Đôi khi tôi sẽ phải chịu thất bại. Không quan trọng tôi vượt qua nó nhanh như thế nào. Không quan trọng điều gì đang chờ đợi tôi ở phía bên kia. Đó là một chuyến hành trình.’
Bạn có thấy rạo rực không? Có thấy được khích lệ không? Có thấy một luồng năng lượng kỳ lạ nào đó đang rục rịch trong người bạn, nhắc nhủ bạn rằng ‘hãy chiến đấu tiếp đi’? Khó khăn ư? Nó chỉ là tạm thời bởi vì lúc nào cũng có khó khăn, bạn không thể vượt qua một khó khăn để rồi tự tin sẽ không bao giờ gặp khó khăn nữa. Mấu chốt chính là bạn luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong người mình và kiên nhẫn vượt qua từng cái một.
Con đường trải đầy hoa hồng từ đầu đến cuối sẽ có lúc nhàm chán, nhưng nếu con đường ngoằn ngoèo, đầy gai, tuy có nguy hiểm, vất vả, nhưng cho đến khi bạn đi tới được điểm cuối của nó thì phần thưởng thật lớn phải không? Nó không chỉ là những gì bạn sẽ nhận được ở cuối hành trình mà còn là cả những gì bạn thu lượm được trên đường đi: bài học, kinh nghiệm, kỹ năng, những con người bạn gặp gỡ,… đó mới chính là phần thưởng quý giá nhất.
Về hạnh phúc, mình luôn có suy nghĩ hạnh phúc là dành cho tất cả mọi người. Không ai có quyền nói một người nào đó không đáng được hạnh phúc, kể cả bản thân chúng ta cũng không thể nói điều đó với chính mình.
Đấng Tạo Hóa ban tặng bạn một cuộc sống và nhiệm vụ của bạn là sống sao cho cuộc đời của mình có ý nghĩa. Hạnh phúc ở xung quanh bạn, có thể là bất cứ điều gì chứ không phải ở trong tương lai hay ở đâu xa cả. Cho dù bạn có đang ở trong hoàn cảnh như thế nào, đau khổ, khó khăn, vất vả, thảm kịch… thì bạn vẫn có thể thay đổi góc nhìn để cảm nhận được hạnh phúc.
Với mình, cuộc sống luôn tươi đẹp.
Câu hỏi số 2:
Kể về thời sinh viên của chị được không?
Thời sinh viên của mình, ngoại trừ những lúc lạc lõng về tương lai như mình đã kể ở trên thì còn lại, vui cực kỳ các bạn ạ. Không biết các bạn thế nào, nhưng hồi đại học, mình ít sử dụng Facebook như bây giờ. Thời gian rảnh đều là ngủ, nói chuyện với các bạn trong ký túc xá, đi chơi với nhóm bạn ở lớp, thi thoảng có đánh cầu lông hoặc là chẳng làm gì cả.
Mình ở ký túc xá Đại học Thương Mại, phòng có 8 người, có hai chị học hơn bọn mình một khóa, còn lại 6 bạn học khóa K45, bằng tuổi nhau nên có nhiều chuyện để kể. Hai chị lớn biết nhiều thứ nên thường chia sẻ với bọn mình vô số chuyện hay ho. Lại có mấy bạn xinh xinh nên phòng mình cũng thường có các bạn nam tới chơi, nói chuyện cười ran cả phòng.
Mình nhớ phòng mình có một bạn cũng tên là Vân Anh giống mình, nhưng mà so với bạn ấy, mình lơ ngơ lắm, chả biết gì cả. Vì có hai người tên giống nhau nên phòng mình đặt biệt danh, bạn ấy là ‘Tê giác’, còn mình là ‘Chồn’. Hồi đầu mình chẳng thích biệt danh ấy đâu, mà cũng chẳng hiểu tại sao lại đặt cho mình thế nữa, nhưng dần dần, nghe nhiều thấy quen.
Tê rất vui tính, dễ gần, hay cười, nhiều khi lại kể chuyện cho cả phòng nghe. Đôi khi Tê còn chỉ cho mình nhiều thứ mình không biết, về quê mang gì lên lại bí mật để sang giường của mình cho riêng mình nữa – bây giờ đang viết những dòng này cho các bạn, nhớ lại hồi đại học, mình cũng thấy xao xuyến trong lòng. Sao mà vui mà nhớ quá?
Phòng ký túc xá phức tạp vì mỗi người mỗi cá tính, đời sống riêng khác nhau, mỗi người một quê nữa, tất nhiên sẽ có những lúc hiềm khích. Phòng mình cũng thế, một vài lần cũng xảy ra tranh cãi, nhưng những điều đó không làm mình cảm thấy chán ghét. Ngược lại, sau nhiều năm tốt nghiệp và đi làm, mình vẫn luôn nhớ về những ngày tháng đó, đẹp đẽ vô cùng. Có lúc mệt mỏi, có lúc lo lắng chuyện gia đình, có lúc khóc, có lúc ốm đau, các bạn trong phòng đều giúp đỡ, đều là những người ở bên cạnh chia sẻ, động viên, làm sao mà quên được những kỷ niệm đẹp đẽ ấy chứ?
Thời sinh viên cũng cho mình rất nhiều những kỷ niệm đẹp đẽ khác nữa, và tất nhiên, điều tiếp theo ngoài ký túc xá là bạn trai – bây giờ là chồng mình. Chúng mình học cùng khoa, cùng lớp, nhưng người ở đầu sổ, người cuối sổ nên chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Ba năm đầu đại học chỉ nói duy nhất với nhau một lần, là khi bạn ấy hỏi mình về việc chuẩn bị bài.
Tựa lưng vào hành lang lớp học, một cách vô tình bạn ấy đứng cạnh mình. Chắc vì ngại khi hai bạn cùng lớp mà cứ im lặng mãi nên bạn ấy hỏi:
‘Thế cậu đã chuẩn bị bài thuyết trình chưa?’,
Mình trả lời, ‘tớ chưa, còn cậu?’,
‘Tớ cũng thế.’
Hết câu chuyện. Mình nhớ đó là vào năm 2 đại học.
Mãi cho đến cuối năm thứ 3, bọn mình mới có thêm những lần thứ 2, thứ 3… nói chuyện với nhau. Buồn cười ghê ^_^.
Chuyện tình cảm của bọn mình nhiều khi nghĩ lại giống như một câu chuyện cổ tích vậy, rất dễ thương và cũng có chút thử thách nữa. Bạn ấy và mình đều là mối tình đầu của nhau, vượt qua rất nhiều sóng gió và bây giờ chúng mình đã là một gia đình.
Nếu bạn đang là sinh viên và đã tìm được ‘người ấy’ thì hãy cứ cố gắng giữ tình yêu thật đẹp, hy vọng, nỗ lực cùng nhau để hướng tới một tương lai xa hơn bạn nhé. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, sẽ có nhiều thứ có thể chen ngang khiến tình cảm bị ảnh hưởng, nhưng mình tin chắc và mình đã biết điều đó, rằng tình yêu có sức mạnh sẽ giúp các bạn chinh phục mọi thử thách.
Điều tuyệt vời thứ ba mà thời sinh viên đã mang đến cho mình chính là những người bạn đại học. Ở lớp, chúng mình có một nhóm 16 người, chơi thân thiết với nhau. Những lần sinh nhật ai đó hoặc rủ nhau đi chơi thì vô cùng vui. Đến bây giờ, tuy nhiều người trong nhóm đã lập gia đình nhưng tụi mình vẫn liên lạc với nhau. Những ai đang ở Hà Nội hàng tháng đều cố gắng gặp nhau để cập nhật tin tức.
Câu hỏi số 3:
Em muốn bắt đầu học study mà không biết bắt đầu từ đâu ạ. Em nên bắt đầu bằng việc tham khảo bài mẫu và nắm được xương bài ạ?
Mình không hiểu ý bạn ở đây ‘học study’ là học gì? Mình đoán có lẽ là học nghiên cứu chăng. Mình không có kinh nghiệm nhiều về nghiên cứu, nhưng bản thân quá trình viết lách cũng đòi hỏi mình phải nghiên cứu rất nhiều.
Theo mình nghĩ, nếu bạn hứng thú với một chủ đề và muốn đi sâu về nó thì hãy cứ bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, đó là tìm hiểu nó là cái gì? Có những bài viết nào đã phân tích về chủ đề đó? Có những câu hỏi nào liên quan đã được giải quyết và có những vấn đề nào vẫn chưa được làm rõ?
Nghe từ ‘nghiên cứu’, nhiều người thường nghĩ nó là một cái gì thật phi thường mà chỉ một số người mới có thể bám trụ lâu dài. Nhưng với mình, kể cả bạn thích một cái bất kỳ và luôn dành thời gian cho nó thì bạn cũng đang thực hiện một ‘công trình nghiên cứu’ nho nhỏ rồi. Bạn tìm hiểu về nó, rồi tổng hợp các thông tin, đưa ra quan điểm, lập luận riêng của bạn và chia sẻ với những người xung quanh, đăng lên blog, mạng xã hội hoặc trình bày ở lớp, đấy cũng là nghiên cứu.
Đừng phức tạp ‘nghiên cứu’ và cứ bắt đầu với thứ mà bạn đang nghĩ nhé. Dần dần, bạn sẽ tìm ra cách và biết mình phải làm gì.
Câu hỏi số 4:
Sau những lần đi nước ngoài về, chị cảm nhận về những nơi mình đi qua như thế nào và điều làm chị thấy ấn tượng nhất là gì ạ?
Mình ấn tượng với rất nhiều điều, từ con người, cuộc sống cho đến những thứ bé bé như cách họ giao tiếp, cách họ lắng nghe, chia sẻ.
Trong năm 2019, mình đã đi tới Ấn Độ vào đầu năm, và hồi tháng 3 là tới Myanmar. Qua chuyến đi Ấn Độ, mình đã nhận thấy trước đây mình có nhiều suy nghĩ sai lầm. Trước khi tới Ấn, cảm nhận của mình từ những gì mình nghĩ, nghe và thấy về người Ấn qua Internet đều xoay quanh một từ là: SỢ. Sợ vì Ấn Độ có văn hóa khác Việt Nam – nơi nhiều người theo đạo Hindu sinh sống. Sợ những người trùm khăn kín mặt. Sợ các nghi lễ. Sợ bị bắt nạt, hiếp dâm vì có nghe bạn bè cảnh báo và đọc trên Internet.
Sự thật là ngược lại. Từ lúc xuống sân bay cho tới lúc ra về, bọn mình đều nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của các bạn Ấn Độ. Không phán xét. Không phân biệt. Không có những cái nhìn đầy hoài nghi. Tất cả những người bọn mình gặp đều thân thiện và hiếu khách. Có thể có bạn nghĩ vì đây là hội nghị và bọn mình cũng đi theo đoàn nhiều người nên sẽ được đón tiếp chu đáo thôi. Tuy nhiên, cảm nhận của mình thì không phải vậy. Mình thấy nhiều người Ấn, bất kể tôn giáo, đều thân thiện và nhiệt tình lắm.
Kể cả lúc vào siêu thị, các cô chú bán hàng cũng nhiệt tình. Mình lựa đồ, còn làm đứt cả dây buộc giày nhưng cô bán hàng không hề tức giận. Sợ lắm, mình xin lỗi rối rít nhưng rất may, cô chỉ nói “It’s ok. Ma’am.” (Không sao đâu, thưa bà). Rồi cả lúc 4 người ngồi đợi xe ô tô đưa ra sân bay trở về nước, chú giám đốc khách sạn còn lấy trà mời bọn mình. Chú giản dị, hiền lành và gần gũi, khiến mình không nghĩ chú là người quản lý của cả một khách sạn.
Mình đã có một bài chia sẻ chi tiết về những gì mình học được từ chuyến đi Ấn Độ. Bạn có thể đọc tại đây nhé.
Vào tháng 3, mình đi cùng với 5 người Việt Nam khác tới thủ đô Yangon, Myanmar, tham dự Hội nghị lãnh đạo trẻ YSEALI, chủ đề về Media Literacy, được tài trợ toàn phần từ Đại sứ quán Mỹ. Chúng mình được ở khách sạn 5 sao, được ngập tràn trong đồ ăn ngon và làm quen với rất nhiều bạn bè khác đến từ các nước Đông Nam Á.
Điều lớn nhất mình học được từ chuyến đi tới Myanmar đó là sức sống và nhiệt huyết của các bạn trẻ Đông Nam Á. Các bạn tuy còn mới ngoài đôi mươi nhưng tinh thần sống vì người khác và mong muốn được tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội, từ bạo động, xung đột vũ trang, chính trị cho tới các vụ bạo hành trẻ em, môi giới phụ nữ, giáo dục… rất mạnh mẽ. Các bạn muốn dùng ngòi bút, muốn thay đổi nhận thức mọi người qua việc nâng cao hiểu biết về cách chọn lọc, sử dụng thông tin trên Internet để không bị các tổ chức xấu lợi dụng và lèo lái sang những quan điểm tiêu cực.
Càng nghe nhiều, càng gặp nhiều người mình càng cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng. Mình còn không đủ mạnh mẽ và gan dạ để có thể làm được những điều như các bạn ấy đang nỗ lực hàng ngày để chinh phục.
Câu hỏi số 5:
Những điều khiến chị hối hận và tự hào.
E hèm, câu hỏi này rất thú vị. Mình cũng có điều để tự hào và cũng có điều để hối hận. Nôm na thì gồm một vài như này nhé:
Mình hối hận vì hồi đại học, mình quá chú tâm vào điểm số và xếp hạng trong trường mà không sẵn sàng dấn thân tham gia các sự kiện, hội thảo… bên ngoài để có nhiều va vấp với cuộc sống. Hồi đó, mình thích sự an toàn, không thích mạo hiểm, một phần vì nghĩ nếu đi ra ngoài chắc sẽ cần đến tiền, mà mình thì chẳng có tiền nên tốt nhất cứ loay quanh ở lớp học và ký túc xá.
Lớn rồi mới hiểu đâu phải cứ đi ra ngoài là cần nhiều tiền. Đôi khi đơn giản chỉ bước lên xe bus hoặc đi bộ lòng vòng trên các phố, ngắm nhìn mọi người làm việc, lắng nghe các câu chuyện, quan sát cũng giúp mình mở mang tâm trí, suy nghĩ rồi.
Điều mình hối hận thứ hai đó là hồi đại học, mình không đọc đa dạng các loại sách. Mình có đọc, nhưng chủ yếu là các cuốn sách về chuyên ngành, sách giáo trình, thi thoảng có đọc mấy cuốn tiểu thuyết, và cũng chỉ loanh quanh ở thư viện trường chật hẹp với các bài luận văn và những cuốn sách cũ kỹ.
Lớn rồi mới hiểu Hà Nội có rất nhiều thư viện mình có thể đến để đọc như thư viện Quốc Gia. Mình có thể làm thẻ để mượn sách đọc và có không gian yên tĩnh để học. Các quán cafe sách cũng nhiều, rồi đến các hiệu sách ở Đinh Lễ cũng tốt nữa. Nghĩ lại thấy ngày xưa mình đánh mất nhiều thời gian thật.
Về điều làm mình tự hào thì cũng có một số, nhưng có lẽ cái lớn nhất đó chính là blog này. Lúc mình bắt đầu, mình không bao giờ nghĩ là sẽ có hàng trăm người subscribe blog của mình, sẽ có người follow fanpage của mình hay những gì mình viết ra sẽ giúp ích cho ai đó. Mình cũng không bao giờ nghĩ sẽ có những người xa lạ, gửi email cho mình, chia sẻ với mình những vấn đề khó khăn, bí mật của họ và hỏi xem mình nghĩ thế nào về những gì họ đang trải qua. Đấy là những thứ mà mình tự hào vô cùng, không phải tự hào vì mình giỏi giang hay mình đang ảnh hưởng tới ai (vì mình không có được sự tài giỏi đó và mình cũng đang rất kém cỏi), nhưng mình tự hào vì những việc làm nhỏ của mình đang giúp ích cho một số người. Nó khích lệ mình cần phải cố gắng nhiều hơn, không bao giờ được dừng lại.
Câu hỏi số 6:
Chị bắt đầu sự nghiệp viết mình như thế nào ạ?
Câu hỏi này có lẽ mình đã trả lời đâu đó trong những bài viết trước rồi. Bạn có thể đọc thêm các bài viết dưới đây nếu bạn tò mò về hành trình viết lách của mình nhé:
- Content Manager – mình đang làm công việc gì thế?
- Mình đã luyện viết tiếng Anh như thế nào?
- Ngày một giấc mơ ra đời
Bạn còn muốn hỏi mình gì nữa không?
Nếu có gì băn khoăn hay muốn biết thêm nữa, bạn hãy cứ hỏi mình nha, có thể ngay dưới phần bình luận bài viết này hoặc comment vào Fanpage Lifelong Learners của mình cũng được nhé.
Chị có thể chia sẻ về những công việc part time chị từng làm hồi đại học được không ạ? Chúng có liên quan đến những công việc chị làm sau này không ạ?