Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống mà dù có làm gì, dù có thử cách gì — nghe nhạc, xem phim, cafe với bạn bè, thậm chí đi du lịch — thì tâm trạng vẫn không thấy cải thiện nhiều không?
Kiểu vẫn cứ cảm thấy mình không có sự tiến bộ trong công việc, gần đây chẳng đạt được thành tích gì nổi bật, công việc cứ chầm chậm trôi qua mà không có bước tiến rõ rệt, mọi thứ cứ nhạt nhạt kiểu gì ấy, không hẳn là không tốt mà vẫn cứ thấy thiếu thiếu một cú đột phá.
Thế rồi bạn thử hết cách này đến cách khác. Bạn đầu tư nhiều thời gian và năng lượng với hy vọng sẽ thấy sự cải thiện. Nhưng rốt cuộc, bạn chẳng thấy điều gì. Bạn không nhìn thấy kết quả bạn muốn có được, và nghĩ rằng có lẽ bạn nên dừng làm thứ hiện tại và chuyển sang một mục tiêu khác quan trọng hơn, khả thi hơn. Trớ trêu thay, sự “down mood” đó đâu lại vào đấy.
Thi thoảng, cảm giác này không hiện hữu quá lâu, chỉ vài tiếng hoặc có khi hai, ba ngày là hết nhưng nó đến khá đều đặn và không báo trước.
Mình tuần vừa rồi là như vậy. Nghĩ mãi không thấy “sai” ở đâu, thấy cái gì hiện tại cũng ổn, nhưng cũng chính vì thế mà nó làm mình thấy hình như cuộc sống của mình đang thiếu “mặn.” Mình tự đặt câu hỏi liệu mình có đang “an toàn,” “nhàn hạ” và “thoải mái” quá. Mình có đang thụt lùi so với bạn bè? Mình có cần làm nhiều thứ hơn, đặt mục tiêu cao hơn, và nỗ lực nhiều hơn? Hình như mình cố gắng chưa đủ.
Mình đã dành thời gian đọc thêm một chút và nhận ra mấy điều sau:
1. Chúng ta không kiểm soát đầu ra — kết quả
Khi bạn đặt ra một mục tiêu hay một kế hoạch, bạn hình thành trong đầu mình một mong đợi rằng mục tiêu hay kế hoạch đó sẽ diễn ra theo đúng y chang như bạn muốn. Ví dụ, nếu bạn đặt mục tiêu tháng 10 sẽ giảm được 5kg thì đến cuối tháng, bạn kỳ vọng cơ thể mình sẽ mi nhon hơn, gọn gàng hơn và sẽ giảm được ít nhất 5kg như đã đặt ra.
Có phải mình bạn nghĩ như này không? Không đâu. Gần như ai chẳng vậy. Đặt mục tiêu gì thì sẽ muốn đạt được nó.
Thực tế là chúng ta có thể kiểm soát được mục tiêu và kế hoạch trên giấy và hành động, nhưng kết quả thì không hẳn. Bạn nỗ lực hết sức mình, ăn uống theo đúng chuẩn chế độ ăn kiêng và khả năng cao bạn sẽ giảm được cân nặng. Nhưng chính xác giảm được bao nhiêu cân, bạn khó mà nói được con số chắc chắn. Nó có thể là 5kg như bạn đã mong muốn hoặc có thể chỉ 2, 3, 4 thôi. Hoặc có thể giảm được lên đến 7kg.
Tương tự, bạn có thể học chăm hơn người khác. Người khác chơi thì bạn học. Người khác đi ngủ thì bạn vẫn học. Bạn ôn luyện nhiều hơn rất nhiều người và bạn kỳ vọng mình sẽ luôn là thủ khoa? Có thể lắm, nhưng thực tế, chúng ta đã thấy không ít người học cực kỳ giỏi nhưng vẫn trượt đại học đấy thôi. Có phải họ học kém không? Có phải chủ quan không? Không đâu. Lắm khi là học tài thi phận.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng chúng ta không kiểm soát kết quả. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng muốn gì và bỏ ra đủ sức thì sẽ có được thứ đó. Chúng ta không thể ngây thơ cho rằng cứ áp dụng cách làm giàu của Jack Ma thì sẽ giàu như ông ấy, hay cứ áp dụng cách học tiếng Anh của cao thủ IELTS nào thì sẽ đạt được IELTS band 9 như họ. Cuộc sống không diễn ra theo cách như vậy. Nếu mà dễ dàng thế thì ai cũng có thể là tỷ phú và người hạnh phúc nhất thế giới đúng không?
2. Sự tiến bộ đôi khi đã xuất hiện mà bạn không nhận ra
Điều thứ hai mình học được đó là cho dù mình không có những bước tiến rõ rệt nhưng điều đó không có nghĩa không có gì thay đổi trong công việc và cuộc sống của mình.
Lắm khi những thay đổi tích cực nó nhỏ (nhưng vô cùng ý nghĩa) tới mức mà bạn phải chậm lại và dành thời gian cảm nhận thì bạn mới nhận ra nó được.
Mình đã thử áp dụng điều này cho bản thân và nhận thấy thời gian qua, mình đã nhận được những lời khen từ sếp. Nội dung quảng cáo mình viết bây giờ cũng tốt hơn so với mấy bản mình viết hồi vừa mới vào làm ở agency này. Mình cũng thấy mình nghe tốt hơn trong các cuộc họp, nhạy bén hơn mỗi khi nghe tới data analytics, mình cũng có nhiều ý tưởng về email marketing hơn. Ngẫm lại cách đây 3 tháng khi mà vẫn còn tập trung chủ yếu vào content writing, mình đã sợ hãi sẽ không viết nổi một email hay ad copy tử tế. Thế nhưng, nỗi sợ hãi này giờ đã giảm đi rất nhiều. Rõ ràng, đây đều là những sự tiến bộ tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa đúng không?
Một mục tiêu lớn như được sếp thưởng, hay được sếp khen giữa tất cả team, hay được thăng tiến là điều tốt. Nhưng nếu chỉ tập trung vào các mốc lớn này mà bỏ qua các thành tựu nhỏ, bất ngờ mà bạn đã đạt được trong tiến trình thì sẽ khiến bạn rất dễ “down” và nhụt chí.
3. Sự tiến bộ có thể cần thời gian để xuất hiện
Bạn không hiểu tại sao mục tiêu của mình mãi vẫn chưa đạt được. Sao nó đến lâu vậy? Mình đã cố gắng hết sức rồi mà? Sao mãi sếp vẫn chưa thông báo về kế hoạch tăng lương? Hay là sếp không có ý định đó nữa. Hay là công ty đang gặp khó khăn nên sếp huỷ việc đó rồi. Có lẽ có ti tỉ lý do trong đầu chúng ta có thể nghĩ ra khi sự tiến bộ mãi chẳng xuất hiện đúng không?
Vì chúng ta không kiểm soát kết quả nên việc nó đến nhanh hay chậm chúng ta cũng không biết trước được. Bạn có thể đưa ra một dự đoán, nó có thể đúng hoặc sai, nhưng để nói chính xác 100% mọi lúc? Thật khó.
4. Những lúc bạn “down” cũng là điều tốt
Thường khi trải qua cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ lo lắng đúng không? Nhưng tiêu cực không phải lúc nào cũng là điều xấu.
Khi bạn ở mãi trong vùng “thoải mái” và “bình bình” quá lâu, việc cảm nhận rõ sự “down” của bạn thân sẽ như là lời “cảnh báo” giúp bạn xem lại cuộc sống và công việc của mình. Tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra, có phải mình đặt mục tiêu hơi thấp, hay mình chưa cố gắng thực sự, hay mình cần một cú hích, hay mình cần thêm sự hỗ trợ nào khác để có được sự bứt phá rõ rệt hơn… Khi đã làm rõ được vấn đề, bạn sẽ tìm ra được giải pháp.
Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là “tiêu cực tốt”, đâu là “tiêu cực xấu”? Cách mình thường làm đó là ngồi ngẫm lại, hoặc ghi ra giấy những gì mình đã làm và những thành tựu mình đạt được dù nhỏ nhất. Sau đó, so sánh chúng lại với nhau và nếu như không có thành tựu gì thì chứng tỏ vấn đề là ở hành động và mục tiêu đã đặt ra. Còn nếu như thành tựu cũng nhiều, mà mình vẫn “down” thì chứng tỏ mình đang quá khắc nghiệt với bản thân, đang kỳ vọng quá mức.
5. Chuyển từ việc chú ý nhiều vào mục tiêu sang tiến trình
Có mục tiêu là tốt, nhưng nó có thể trở thành nỗi ám ảnh, khiến bạn lúc nào cũng phải gồng mình lên để cố gắng cho tới khi đạt được nó.
Hành trình là nơi bạn học hỏi. Nơi bạn trưởng thành. Theo cách nào đó, đạt được mục tiêu chỉ là “phụ phẩm” của chuyến hành trình. Bạn giảm cân, nhưng bạn cũng rèn luyện được những thói quen mới, chứ chưa đề cập gì đến những kiến thức bổ ích mà bạn thu được.
Bằng cách tập trung vào những gì bạn đang làm, bạn sẽ hình thành được những thói quen mới, đạt được những kết quả tốt hơn, giúp bản thân mình tốt hơn và tìm được ý nghĩa trong cuộc sống.
Chủ động đánh giá lại bản thân là cách để gợi nhắc bạn về lý do tại sao bạn bắt đầu và xem thử bạn đã học được gì sau một thời gian nỗ lực. Bạn có thể biến điều này thành một thói quen để làm hàng ngày như viết nhật ký trước khi đi ngủ hay viết journaling vào mỗi buổi sáng.
Hy vọng những chia sẻ nhỏ này sẽ có ích cho bạn nha. Tuần vừa rồi mình khá bận nên đã không thể đăng được bài viết mới. Tuần này mình sẽ bù lại bằng hai bài viết, bạn thấy sao? 😉
Thực sự cảm ơn chị về bài viết đầy cảm hứng. Em xin mạn phép trích vài đoạn của bài viết mình vào bài post Facebook của em được k ạ? Em sẽ ghi nguồn rõ ràng. Một lần nữa cảm ơn chị rất nhiều <3
Cám ơn em nhé. Em cứ sử dụng nha. Rất vui vì đã viết thứ gì đó có ích cho em.
chị ơi , nếu chị phải viết 1 chủ đề mới mà mình chưa biết gì về chủ đề đó thì chị có viết được không ạ ? Chị có mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu không ạ ?
Chào em, cám ơn em đã gửi câu hỏi cho chị nhé. Chị sẽ trả lời trong một bài viết sắp tới nha.