Bài viết được dịch từ chia sẻ gốc: Your Lifestyle Has Already Been Designed.
—
Sau 9 tháng đi du lịch nơi này đến nơi khác, tôi đi làm trở lại với một công việc được trả lương hậu hĩnh trong ngành kỹ thuật. Cuộc sống tôi như đã trở lại bình thường.
Bởi vì trong 9 tháng trước, cách sống của tôi khá là khác biệt khi mà tôi rong ruổi trên các chuyến hành trình. Thế nên, sự thay đổi đột ngột sang làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã giúp tôi nhận ra vài thứ mà trước đây tôi đã bỏ lỡ.
Kể từ khoảnh khắc tôi được nhận công việc đó, rõ ràng là tôi không quan tâm tới tiền bạc nhiều nữa. Không phải ngu ngốc, chỉ là tôi tiêu tiền nhanh hơn một chút. Chẳng hạn, tôi lại tiếp tục mua những tách cà phê đắt tiền, mặc dù chúng không hẳn là ngon như những cốc flat white có một không hai ở New Zealand, và tôi cũng không còn thưởng thức trải nghiệm uống chúng trên những patio cafe đầy nắng. Khi đi du lịch, những sự xa hoa này không được dự trù từ trước nên tôi thích thú với chúng nhiều hơn bây giờ.
Tôi không phải nói về việc mua sắm những thứ to lớn, phung phí. Tôi đang nói về việc chi tiêu vào những thứ nhỏ nhỏ, hàng ngày, linh tinh mà không thực sự mang nhiều giá trị cho cuộc sống của tôi. Và thực sự là tôi sẽ không có lương trong hai tuần kế tiếp nữa.
Trong nhận thức muộn màng, tôi nghĩ tôi luôn làm như thế khi tôi có một công việc lương cao – tiêu xài thoải mái trong “những thời điểm lắm tiền”. 9 tháng sống trong cuộc sống balo trên vai không có thu nhập, tôi không thể kìm nén việc nhận thức rõ hơn một chút về hiện tượng này khi nó đang xảy ra.
Tôi cho rằng tôi tiêu xài phung phí bởi vì tôi cảm thấy tôi đã lấy lại được một vị thế nhất định, giờ đây, một lần nữa tôi lại là một chuyên gia được trả lương hào phóng – điều mà dường như cho phép tôi sống với một mức độ lãng phí nhất định. Khi bạn sống buông thả trong vài năm tuổi đôi mươi mà không có một chút tư duy phản biện nào thì bạn sẽ tích tụ một cảm giác đầy tò mò về sức mạnh. Bạn cảm thấy tốt đẹp khi được trải nghiệm sức mạnh của đồng tiền khi bạn biết rằng túi tiền của bạn sẽ lại “dày lên” nhanh chóng.
Điều tôi đang làm chẳng có gì bất thường cả. Những người khác dường như vẫn làm như vậy. Thực tế, tôi nghĩ chỉ là tôi trở lại với tâm lý của một người tiêu dùng bình thường sau một thời gian rời xa nó.
Một trong những khám phá đáng ngạc nhiên nhất tôi có được từ chuyến hành trình của mình đó là tôi đã dành ít thời gian hơn mỗi tháng để đi du lịch các quận ở nước ngoài (bao gồm cả những quốc gia đắt đỏ hơn Canada) so với khi tôi làm công việc nhàm chán hồi còn ở nhà. Tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, tôi đã đến thăm một số nơi đẹp nhất trên thế giới, tôi đã gặp những người mới ở khắp nơi, tôi bình tĩnh và bình an, có một khoảng thời gian khó quên, và bằng cách nào đó, tôi tiêu xài ít tiền hơn so với việc sống khiêm tốn, làm việc từ 9h sáng đến 5 giờ chiều ở đây tại một trong những thành phố tốn kém nhất của Canada.
Dường như tôi nhận được nhiều hơn cho đồng đô la tôi bỏ ra khi tôi đi du lịch. Tại sao?
Văn hóa của những thứ không cần thiết
Ở phương Tây, các doanh nghiệp lớn cố tình hình thành và nuôi dưỡng một lối sống chi tiêu không cần thiết. Các công ty trong tất cả các lĩnh vực đều liên quan rất lớn đến thiên hướng của số đông người đối với việc chi tiêu tiền bạc một cách bất cẩn. Họ sẽ tìm cách khuyến khích thói quen chi tiêu không cần thiết hoặc không có chủ đích bất cứ khi nào họ có thể.
Trong bộ phim tài liệu The Corporation, một nhà tâm lý học về Marketing đã trình bày về một trong những phương pháp cô sử dụng để tăng doanh số. Nhân viên của cô đã thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của sự cằn nhằn của trẻ em đối với cha mẹ của họ về khả năng mua đồ chơi cho chúng. Họ phát hiện ra rằng 20% đến 40% số lần mua đồ chơi của các bố mẹ sẽ không xảy ra nếu đứa trẻ không làm nũng bố mẹ. Sẽ không có chuyến thăm tới bất cứ công việc chủ đề (theme park) nào. Dựa trên kết quả này, các công ty đã tiếp thị sản phẩm của họ trực tiếp cho trẻ em, khuyến khích chúng cằn nhằn, vòi vĩnh để bố mẹ phải chi tiền cho chúng.
Chỉ riêng chiến dịch tiếp thị này đã khiến cho hàng triệu đô la được chi tiêu. Nhu cầu mua sắm được sản xuất liên tục.
Bạn có thể thao túng ý muốn của người tiêu dùng và khiến họ mua sản phẩm của bạn. Đây là một trò chơi.
Lucy Hughes, người đồng sáng tạo của ‘The Factor Nag’.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về một thứ gì đó đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Các công ty lớn không kiếm hàng triệu đô la từ việc quảng bá một cách trung thực ưu điểm của sản phẩm. Họ kiếm hàng triệu đô la bằng việc tạo ra một nền văn hóa của hàng trăm triệu người mua nhiều hơn mức cần thiết và cố gắng xua đuổi sự bất mãn về tiền bạc.
Chúng ta mua sắm để cổ vũ bản thân, để theo kịp người khác, để đạt được mục tiêu thời thơ ấu về cuộc sống tuổi trưởng thành, để truyền bá hình ảnh cá nhân của chúng ta ra thế giới và vì nhiều lý do tâm lý khác mà chẳng liên quan mấy tới việc sản phẩm thực sự hữu ích như thế nào. Có bao nhiêu thứ trong tầng hầm hoặc nhà để xe của bạn mà bạn đã sử dụng trong năm trước?
Lý do thực sự của tuần làm việc 40 giờ
Công cụ tối ưu để các tập đoàn duy trì văn hóa của những thứ không cần thiết là xây dựng tuần làm việc 40 giờ trở thành lối sống bình thường. Trong điều kiện làm việc như vậy, chúng ta dành các buổi tối và cuối tuần để sống, hưởng thụ, và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho giải trí và tiện lợi vì thời gian rảnh của chúng ta rất khan hiếm.
Tôi chỉ mới chỉ quay trở lại làm việc vài ngày, nhưng tôi đã nhận thấy rằng các hoạt động lành mạnh hơn đang nhanh chóng rời khỏi cuộc sống của tôi: đi bộ, tập thể dục, đọc sách, thiền và viết lách.
Điểm tương đồng dễ thấy giữa các hoạt động này là chúng tốn ít hoặc không cần nhiều tiền, nhưng chúng lại mất nhiều thời gian.
Đột nhiên tôi có nhiều tiền hơn và ít thời gian hơn, điều đó có nghĩa là tôi có nhiều điểm chung với những người Bắc Mỹ ở độ tuổi lao động hơn tôi vài tháng trước. Khi tôi ở nước ngoài, tôi không nghĩ nhiều về việc dành cả ngày lang thang ở một công viên quốc gia hoặc đọc sách trên bãi biển trong vài giờ. Bây giờ những thứ đó cảm thấy như không thể xảy ra. Làm một trong hai sẽ chiếm hết cả một trong những ngày cuối tuần quý giá của tôi!
Điều cuối cùng tôi muốn làm khi đi làm về là tập thể dục. Nó cũng là điều cuối cùng tôi muốn làm sau bữa tối hoặc trước khi đi ngủ hoặc ngay khi tôi thức dậy, và đó thực sự là tất cả thời gian tôi có vào một ngày trong tuần.
Đây có vẻ như là một vấn đề với một câu trả lời đơn giản: làm việc ít hơn để tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Tôi đã chứng minh cho bản thân mình rằng tôi có thể sống một cuộc sống trọn vẹn với ít hơn số tiền tôi kiếm được bây giờ. Thật không may, điều này gần như không thể trong ngành của tôi và hầu hết những người khác. Bạn làm việc hơn 40 giờ hoặc là bạn chẳng làm việc gì. Tất cả khách hàng và nhà thầu của tôi đều cố thủ vững chắc trong khung giờ làm việc tiêu chuẩn – từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Vì vậy, việc yêu cầu họ đừng hỏi bất cứ điều gì từ tôi sau 1 giờ chiều là điều phi thực tế, ngay cả khi tôi có thể thuyết phục sếp của mình không làm vậy.
Ngày làm việc tám giờ được phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh vào thế kỷ 19, nhằm dành thời gian nghỉ ngơi cho các công nhân nhà máy đã bị bóc lột với số giờ làm việc lên đến 14 hoặc 16 giờ mỗi ngày.
Khi các công nghệ và phương pháp cải tiến, công nhân trong tất cả các ngành công nghiệp đã có thể tạo ra nhiều giá trị hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Có lẽ, bạn nghĩ nhờ đó số giờ làm việc sẽ ít đi.
Nhưng ngày làm việc 8 giờ quá có lợi cho các doanh nghiệp lớn, không phải vì số lượng công việc mọi người hoàn thành trong tám giờ (một nhân viên văn phòng bình thường được trả ít hơn ba giờ làm việc thực tế mà được hoàn thành trong 8 giờ) mà là vì nó giúp tạo ra một cộng đồng những người hạnh phúc khi mua sắm. Khiến thời gian rảnh rỗi khan hiếm có nghĩa là mọi người sẽ trả nhiều tiền hơn cho sự thuận tiện, hài lòng và bất kỳ sự thư giãn nào mà họ có thể mua được. Nó khiến họ liên tục xem truyền hình và các loại hình thương mại. Nó khiến họ không còn hoài bão nữa khi bước ra khỏi văn phòng.
Chúng ta bị dẫn dắt vào một nền văn hóa khiến chúng ta mệt mỏi, thèm khát sự nuông chiều, sẵn sàng trả nhiều tiền cho sự tiện lợi và giải trí, và quan trọng nhất là không hài lòng một cách mơ hồ với cuộc sống của chúng ta để tiếp tục muốn những thứ chúng ta không có. Chúng ta mua rất nhiều vì dường như vẫn luôn có cảm giác còn thiếu một cái gì đó.
Các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là nền kinh tế Hoa Kỳ, đã được xây dựng một cách rất tính toán về sự hài lòng, nghiện ngập và chi tiêu không cần thiết. Chúng ta tiêu xài để cổ vũ bản thân, tự thưởng cho bản thân, ăn mừng, sửa chữa các vấn đề, nâng cao địa vị và giảm bớt sự nhàm chán.
Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cả nước Mỹ ngừng mua quá nhiều thứ không cần thiết mà chẳng thêm nhiều giá trị lâu dài cho cuộc sống của họ?
Nền kinh tế sẽ sụp đổ và không bao giờ phục hồi.
Tất cả các vấn đề được công bố rộng rãi của Mỹ, bao gồm béo phì, trầm cảm, ô nhiễm và tham nhũng là cái giá phải trả để tạo ra và duy trì một nền kinh tế nghìn tỷ đô la. Để nền kinh tế trở nên “lành mạnh” thì người Mỹ phải không lành mạnh. Những người khỏe mạnh, vui vẻ không cảm thấy như họ cần nhiều thứ mà họ chưa có, và điều đó có nghĩa là họ không mua nhiều đồ vứt đi, không cần phải giải trí nhiều, và cuối cùng cũng không xem nhiều quảng cáo.
Văn hóa của ngày làm việc tám giờ là công cụ mạnh mẽ nhất của các doanh nghiệp lớn, để giữ mọi người trong tình trạng không hài lòng này, nơi câu trả lời cho mọi vấn đề là mua một thứ gì đó.
Bạn có thể đã nghe nói về Quy tắc Parkinson – một quy tắc được sử dụng để tham khảo thời gian sử dụng: bạn càng dành nhiều thời gian để làm việc gì đó, bạn sẽ càng mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nó. Thật tuyệt vời khi bạn có thể làm xong một việc trong hai mươi phút nếu hai mươi phút là tất cả những gì bạn có. Nhưng nếu bạn có cả buổi chiều, bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện công việc.
Hầu hết chúng ta đối xử với tiền của chúng ta theo cách này. Chúng ta càng làm, chúng ta càng chi tiêu. Đó không phải là chúng ta đột nhiên cần mua nhiều hơn chỉ vì chúng ta kiếm được nhiều hơn, chỉ là chúng ta có thể, vì vậy chúng ta làm. Trên thực tế, khá khó để chúng ta tránh tăng mức sống (hoặc ít nhất là tốc độ chi tiêu của chúng ta) mỗi khi chúng ta được tăng lương.
Tôi không nghĩ trốn tránh toàn bộ hệ thống xấu xí này và sống trong rừng, giả vờ là một người câm điếc, như Holden Caulfield thường tưởng tượng là điều cần thiết. Nhưng chúng ta chắc chắn có thể làm tốt để hiểu những gì các công ty thương mại điện tử thực sự muốn chúng ta trở thành. Họ đã làm việc trong nhiều thập kỷ để tạo ra hàng triệu người tiêu dùng lý tưởng và họ đã thành công. Trừ khi bạn là một người dị thường thực sự, bằng không thì lối sống của bạn đã được thiết kế.
Khách hàng hoàn hảo là những người mà không hài lòng nhưng hy vọng, không quan tâm đến sự phát triển cá nhân nghiêm túc, quen thuộc với truyền hình, làm việc toàn thời gian, kiếm được một số tiền kha khá, đam mê trong thời gian rảnh rỗi và bằng cách nào đó chỉ cần vừa đủ.
Đó có phải là bạn không?
Cách đây hai tuần, tôi đã nói không bao giờ, đó không phải là tôi, nhưng nếu tất cả các tuần của tôi giống như thế này thì đó có thể là suy nghĩ đầy ao ước.
Ảnh đầu bài: Simon Maage