Hôm qua mình đăng bài viết trên fanpage về việc nên viết tiếng Anh đơn giản khó gấp nhiều lần so với viết dài, lê thê và có bạn hỏi các tip để cải thiện. Do vậy, mình quyết định có một chia sẻ nhanh về chủ đề này.
Đơn giản ở đây không có nghĩa là các chủ đề quen thuộc, không phải chuyên ngành. Hiển nhiên, khi đã đọc bài viết chuyên ngành thì sẽ có các thuật ngữ đặc biệt cho ngành đó — lĩnh vực nào cũng có. Sẽ có những bối cảnh chúng ta bắt buộc phải hấp thụ các thuật ngữ mới, khó, phức tạp, chẳng hạn như học thuật. Tuy nhiên, cho dù là lĩnh vực nào thì nên hướng tới việc viết đơn giản và tối ưu hoá sự đơn giản đó cho đối tượng độc giả bạn đang hướng đến.
Viết đơn giản nghĩa là như thế nào?
Nhiều bạn nhầm lẫn viết đơn giản nghĩa là không bao giờ được dùng những thuật ngữ xa lạ, chuyên ngành.
Thực ra, không phải. Dùng từ ngữ như thế nào còn tuỳ vào đối tượng đọc nữa. Nếu đối tượng là chủ doanh nghiệp, CEO, các vị trí lãnh đạo, cấp cao thì bài viết cần có hàm lượng thông tin “cấp cao”. Khi đó, khó tránh khỏi việc sử dụng các thuật ngữ chuyên dụng.
Hoặc khi bạn viết một bài chuyên sâu, cần đưa ra các giải thích khoa học để người đọc hiểu được công dụng của một sản phẩm thì bạn sẽ có thể cần dùng các thuật ngữ đặc biệt.
Về cơ bản, việc đơn giản nghĩa là: đối tượng độc giả mà bài viết nhắm tới có thể dễ dàng hiểu được bài viết của bạn. Hay nói cách khác, làm rõ các nội dung phức tạp và giải thích nó theo cách đơn giản.
Viết đơn giản không có nghĩa là:
- Không dùng các câu dài. Đúng hơn là, bạn biết cách luân phiên câu ngắn câu dài để tạo nhịp điệu cho bài viết. Không tập trung vào các mệnh đề quan hệ rối rắm.
- Chỉ sử dụng từ ngữ thông thường. Như mình đã nói ở trên, tuỳ chủ đề và đối tượng đọc. Nếu bạn đang viết về trí tuệ nhân tạo, không thể tránh khỏi dùng thuật ngữ công nghệ ít người biết. Mấu chốt nằm ở chỗ bạn biết cách viết sao cho bài viết dù chuyên ngành nhưng vẫn dễ hiểu.
Tại sao nên viết tiếng Anh đơn giản?
Đối với một người viết content writing thì sự đơn giản luôn là điều mà bạn cần phải lưu tâm. Vì sao như vậy?
1. Vì viết đơn giản thân thiện với một người dùng thông thường
Hầu hết người dùng/khách hàng thông thường đều có hiểu biết ở một chừng mực nhất định.
Khi tiếp cận với một sản phẩm mới, họ kỳ vọng nội dung được cung cấp dễ hiểu, đơn giản để họ có thể nhanh chóng nắm bắt được lợi ích, giá trị của sản phẩm đó. Họ không có thời gian để ngồi google từng thuật ngữ trong bài hay cố đoán xem người viết đang cố truyền tải điều gì. Họ cần nắm được liệu bài viết có cho họ cái họ muốn hay không. Nếu không, họ đi tìm giải pháp khác.
2. Viết đơn giản thể hiện bạn tôn trọng độc giả
Đúng vậy. Khi bạn viết đơn giản, dễ hiểu, người đọc hiểu rằng bạn đang nỗ lực truyền tải giá trị đến họ. Họ cảm nhận thấy bạn biết vấn đề của họ nên bài viết của bạn giải thích theo cách giúp họ gỡ rối vấn đề của mình.
Khi bạn viết theo cách mà không quan tâm tới độc giả hiểu hay không, chỉ quan tâm tới việc mình thể hiện được khả năng viết của mình, bạn muốn “show off” thật nhiều từ vựng, kiến thức uyên thâm của mình thì bạn đang tự đẩy mình ra xa khỏi độc giả. Họ có thể nghĩ “bạn này viết cái gì vậy, khó hiểu quá, chắc viết cho mỗi bạn đó hiểu.” Họ sẽ rời khỏi bạn.
Hiển nhiên, nếu website hay những gì bạn viết ra chỉ mang tính chất tự độc thoại và bạn đang không viết để giúp ích cho ai thì không nói. Còn lại, nếu bạn đang viết để chia sẻ cho người khác, viết cho công ty, viết cho khách hàng freelance, tất cả những gì bạn viết đều phải trả lời cho câu hỏi, “liệu đối tượng đọc mục tiêu có hiểu được những gì mình viết và mình có đem lại giá trị gì cho họ.”
3. Viết đơn giản giúp bài viết của bạn tiếp cận nhiều người đọc
Dễ hiểu thôi, nếu bạn viết khó hiểu, dài dòng, lan man thì chỉ có những người có khả năng ngôn ngữ, chuyên gia mới hiểu được. Bạn tự giới hạn độc giả của bạn.
4 tip rèn luyện viết tiếng Anh đơn giản
Bạn có thể vận dụng các kỹ thuật của mình nhé:
1. Sử dụng câu từ ngắn bất cứ lúc nào có thể
Ở đây là nếu có thể nhé, chứ không phải nhất thiết trong mọi trường hợp (như mình nói ở trên, nếu bạn đang viết chủ đề chuyên ngành thì sẽ khác).
Mình lấy ví dụ, một bạn viết như thế này:
“Bamboo grows at such a fast rate that it quickly blocks sunlight and smothers most other wild plants, stopping them from growing or regenerating, particularly destroying underground eco-systems with its fast-growing root system.”
Bạn có thể thấy Hemingway đánh giá độ dễ đọc của đoạn này là 14, rất khó đọc.

Mặc dù dùng từ đơn giản nhưng câu dài quá, đọc khá hụt hơi. Mình khuyến khích các bạn nên cố gắng hạn chế dùng các mệnh đề quan hệ. Thay vào đó, viết đừng dài quá để người đọc có thể nắm được ý và không cảm thấy bị “mệt” khi đọc nhé.
Mình sửa như thế này:
Bamboo is a fast-growing plant. It can block sunlight and keep other plants from growing. Its roots also spread rapidly to the soil, which can destroy underground ecosystems.
Độ dễ đọc xuống 7, đạt tiêu chuẩn dưới 9 😉

Bạn có thể thấy mình chia ra 3 câu, có đổi một chút xíu nhưng về nghĩa vẫn như vậy. Câu nào ra ý đó, không bị rối.
2. Viết câu chủ động thay vì bị động
Một tip khác để viết đơn giản đó là dùng câu chủ động thay vì bị động. Vì sao?
Vì với câu bị động, chủ thể chính thường bị đẩy ra phía sau hoặc không đề cập đến nên đôi khi, người đọc có thể cảm thấy hơi khó hiểu nội dung. Mặt khác, rất nhiều trường hợp hoàn toàn có thể thay thế bằng một câu chủ động, nhưng nhiều người vẫn có thói quen viết bị động.
Mình lấy ví dụ:
“Content writing is used to help drive traffic to a website by providing information that is valuable to readers and potential customers.”

Câu này được viết dưới dạng bị động. Bạn có thấy dài dòng và hơi rối không? Người nào mới tiếp cận content writing có khi phải mất mấy chục giây đến vài phút để hiểu ý nghĩa.
Mình sửa lại:
Content writing helps deliver valuable information to target audiences. Hence, it’s useful to drive traffic to a website.

Mình dùng câu chủ động và tách làm hai ý. Mỗi câu truyền tải một thông điệp.
Câu (1): Content writing giúp truyền tải thông tin có giá trị đến độc giả/khán giả đích.
Câu (2): Do đó, nó hữu ích/hữu dụng để kéo traffic vào website (lượt ghé thăm website).
3. Sử dụng các công cụ như Grammarly và Hemingway App
Grammarly và Hemingway App là hai công cụ mình cực kỳ yêu thích. Mình luôn dùng chúng khi viết. Cả hai công cụ này sẽ cho bạn biết độ dễ đọc của bài viết (readability) nên rất hữu ích.
Tuỳ thuộc vào chủ đề, đối tượng đọc mà độ dễ đọc sẽ có sự phù hợp khác nhau. Tuy nhiên, với một content thông thường, bài viết của bạn nên có độ dễ đọc ít nhất là 9 hoặc tốt nhất dưới 9 nhé.
Lưu ý: Một số khách hàng có yêu cầu rất rõ về readability level nên bạn càng thành thạo về viết đơn giản càng có lợi.
4. Dành nhiều thời gian thật nhiều để sửa bài viết
Khi viết xong bản nháp đầu tiên, đặc biệt nếu đó là bài viết mấy ngàn từ, chúng ta thường rất hào hứng. Một thành quả mà, viết được 2,000-3,000 từ bằng tiếng Anh về một chủ đề đặc biệt mấy ai làm được. Một số bạn cho đó đã là tốt rồi nên nghĩ không cần sửa nhiều. Hơn nữa, vì đã dành ra cả ngày, thậm chí vài ngày để viết bài rồi nên không ai muốn bỏ ra quá nhiều công để sửa nữa.
Tuy nhiên, bản nháp đầu tiên thường không phải là cái tốt nhất. Bạn nên dành nhiều thời gian để sửa bài viết nếu muốn có một content thật chất lượng và gây ấn tượng với khách hàng.
Trong khoá học How to Write Great Content, mình có quay video về cách mình thường chỉnh sửa bài viết. Nói chung mình luôn chỉnh sửa theo hai vòng:
Vòng 1: Đọc từng câu một và sửa thật kỹ. Ở bước này, mình cũng dùng Grammarly và Hemingway App để sửa.
Vòng 2: Đọc to lên cả bài. Chỗ nào còn ngượng nghịu thì mình biết chỗ đó có thể viết lại.
Khi mình sửa bài viết, mình luôn đặt câu hỏi:
- Các câu từ có rõ ý không, có liên kết với nhau không? Mình muốn người đọc nhận được thông điệp gì ở đây?
- Có từ nào khó hiểu, loằng ngoằng? Liệu có thể diễn đạt bằng cách khác?
- Cả toàn bộ bài đã có từ khoá chưa? Từ khoá có được đặt hợp lý? Có khớp với mục đích khách hàng đưa ra không?
Tip cuối cùng và quan trọng nhất là luôn luôn duy trì mindset viết dễ hiểu và đơn giản cho người đọc. Đặt mục tiêu cho bài viết như vậy. Khi bạn luôn nhắc nhở bản thân mục tiêu này, bạn sẽ có sự hối thúc để dành nhiều thời gian chỉnh sửa hơn thay vì dừng lại ở bản nháp đầu tiên hoặc sửa qua loa. Sau đó, hãy rèn luyện thật nhiều. Sự kiên trì rèn luyện sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng viết.
Hy vọng chia sẻ nhỏ này có ích cho bạn nha. Nếu bạn nào muốn được mình review bài viết rồi hướng dẫn viết lách cũng như bước vào nghề freelance writer thì có thể xem thêm khoá học này nhé: How to Write Great Content. Khoá học chỉ còn 5 slot nên bạn nhanh chân nhé. Hạn đăng ký 31/12/2022.
Cám ơn bạn thật nhiều.